Nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ tận diệt

Bài 3: Khó xử lý dứt điểm vi phạm

Tình trạng khai thác trái phép, sử dụng những ngư cụ bị cấm đã diễn ra từ lâu, các cơ quan chức năng cũng đã tuyên truyền, xử lý. Có một nghịch lý là nhiều ngư dân bị bắt, phạt nặng nhưng vẫn tái phạm. Có lúc, chính lực lượng kiểm ngư phải “lỏng tay”. Vì sao vậy?

Những chuyến ra khơi vét sạch cá con vùng ven bờ biển Quảng Ninh.
Những chuyến ra khơi vét sạch cá con vùng ven bờ biển Quảng Ninh.

Kiểm ngư và ngư dân vi phạm “nhẵn mặt” nhau

Chịu lập biên bản, chịu tịch thu giấy tờ, nghe tuyên truyền rồi ngư dân tiếp tục tái phạm để bị bắt nhiều lần, đến nỗi không còn giấy tờ tùy thân, giấy phép hoạt động, chứng nhận thuyền trưởng… để trình diện lực lượng chức năng. Ðó là thực trạng ngoài vùng biển Quảng Ninh cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước.

Là người trực tiếp tham gia kiểm tra trên biển, ông Ðào Xuân Cổn (Chi cục Thủy sản Quảng Ninh), cho hay: “Có nhiều trường hợp thấy động họ báo nhau đi trốn. Cũng có người bị bắt nhiều lần. Có những trường hợp va chạm nhiều nên chúng tôi “nhẵn mặt” nhau. Song có lúc cũng phải “lỏng tay”, vì ngư dân nghèo không kiếm đâu ra tiền để nộp phạt. Qua kiểm tra, gặp những đôi vợ chồng già vi phạm chúng tôi cũng cảm thấy day dứt, nhưng không có cách nào khác…”.

Thương, cảm động cho nhiều hoàn cảnh, nhưng công việc thì vẫn phải làm. Tâm tư của ông Cổn, chúng tôi hiểu, và việc bảo vệ nguồn hải sản là công việc thiết thực cho chính ngư dân. Nhìn vào con số thống kê của lực lượng chức năng Quảng Ninh, đủ thấy mức độ vi phạm khủng khiếp thế nào. Cụ thể, từ tháng 9-2017 đến tháng 3-2019 trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện hơn 3.730 vụ, xử phạt hơn 3.695 vụ, thu phạt hơn 13 tỷ đồng nộp ngân sách. Trong đó, tang vật tịch thu gồm 247 máy nén khí, 72 bình nén khí, 60 súng bắn điện, 447 bộ kích điện, hơn 7.000m dây điện, gần 500 bộ đồ lặn; 23 bộ chã, hơn 550 cào kim loại, hơn 7.000 lồng bát quái cùng nhiều phương tiện khác.

Xử lý như vậy đã “làm yên” vùng ven bờ và đã phản ánh đúng thực tế chưa? Ông Ðinh Công Hiển, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Thủy sản Quảng Ninh), khẳng định: “Chúng tôi đã và đang rất nỗ lực thực thi nhiệm vụ, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về nguồn lợi, đó là hữu hạn, nên phải tuân thủ vùng cấm, tích cực nuôi trồng và bảo vệ. Trường hợp giã cào đã giảm nhiều. Trước đây phổ biến các trường hợp sử dụng xiếc điện, kích điện, đến nay đã được hạn chế đáng kể, trong đó vùng lõi vịnh Hạ Long hầu như không còn”.

Tìm hiểu tại Hà Tĩnh, tình trạng tái phạm là rất nhiều. Theo Chi cục trưởng Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng, tình trạng tàu giã cào hoạt động đã có từ lâu, song việc tuần tra, kiểm soát, xử lý sai phạm đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, lực lượng Thanh tra thủy sản chỉ được biên chế một tàu công suất 500 CV nhưng đã sử dụng 20 năm, với bốn cán bộ biên chế theo tàu và không có công cụ hỗ trợ. Trong khi đó, tàu giã cào có những chiếc lên đến cả nghìn mã lực. Khi phát hiện lực lượng chức năng, họ bỏ chạy hoặc dùng tàu đâm thẳng để chống đối nên việc dẹp nạn giã cào rất khó.

Ở Ðà Nẵng, công tác xử lý nạn khai thác tận diệt, trái phép cũng tồn tại nhiều khó khăn. Ngoài số lượng tàu thuyền đã được đăng ký với cơ quan chức năng, qua rà soát, Bộ đội biên phòng (BÐBP) và các cơ quan liên quan tại Ðà Nẵng còn phát hiện trên các khu vực sông, biển của thành phố có 92 phương tiện loại dưới 20CV mang biển ngoại tỉnh hoặc chưa đăng ký do ngư dân Ðà Nẵng mua về nhưng không làm được thủ tục sang tên, hoặc phương tiện tự phát không có số đăng ký.

Tàu thuyền cứ lênh đênh trên biển, song nếu là phương tiện trong tỉnh thì còn xử lý dễ hơn. Chứ phương tiện ngoại tỉnh đến sử dụng cào chíp chíp sai quy định, giã cào bằng tàu công suất lớn thì khó xử lý và lực lượng chức năng phải chịu khó “mật phục” vào ban đêm. Ðiển hình, lúc 2 giờ ngày 5-3-2019, tại khu vực vịnh Ðà Nẵng, Tổ công tác Ðồn Biên phòng Phú Lộc tuần tra, phát hiện, bắt giữ tàu cá CM 94436/07 LÐ (240CV) do ông Lê Văn Cường, quê quán Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đang cào chíp chíp trong vùng cấm. Ðồn Biên phòng Phú Lộc đã hoàn chỉnh hồ sơ ra quyết định xử phạt 18 triệu đồng theo quy định của pháp luật và yêu cầu viết cam kết không tái phạm, trục xuất phương tiện ra khỏi địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Ðà Nẵng Nguyễn Ðỗ Tám và ông Ngô Văn Ðịnh, Phó Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Quảng Nam đồng quan điểm: Trường hợp ngư dân bị bắt, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tái diễn vì biển khơi là nơi họ kiếm ra cái ăn. Các địa phương đã có định hướng phát triển thế mạnh khai thác hải sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng kiểu đánh bắt hủy diệt vẫn xảy ra do một bộ phận ngư dân chưa thể có phương tiện công suất lớn để chuyển đổi ngư trường từ tuyến bờ sang lộng hoặc xa bờ.

Cùng lập công

Ở Ðà Nẵng, các cửa sông Hàn, biển Non Nước, Xuân Thiều… là những khu vực nghiêm cấm đánh bắt gần bờ. Trên thực tế, ngư dân Ðà Nẵng tuân thủ và thực hiện tốt, nhưng lại xuất hiện ngư dân nhiều tỉnh khác đến khai thác trộm, tận diệt nguồn hải sản. Những chủ phương tiện này hoạt động vào ban đêm với nhiều hình thức tinh vi khiến lực lượng chức năng phải phối kết hợp nhiều ngành mới xử lý được. Thậm chí có trường hợp còn chống đối lại lực lượng chức năng, cố tình làm rách lưới của ngư dân địa phương. Sự việc ấy buộc ngư dân mỗi địa phương phải kết hợp để đẩy đuổi, hoặc báo cho các cơ quan chức năng xử lý.

Trong nhiều vụ việc cùng lực lượng chức năng tham gia bắt các tàu khai thác tận diện thủy sản, ngư dân Ðà Nẵng có đóng góp lớn mà các vùng khác nên học tập. Nhiều ngư dân hành nghề lặn biển lâu năm ở phường Nại Hiên Ðông, quận Sơn Trà rất bức xúc khi liên tục chứng kiến cảnh phương tiện tàu hành nghề giã cào khu vực lân cận “lạc hướng” đến Ðà Nẵng hành nghề trái phép. Ðơn cử vụ tàu cá mang biển đăng ký tại Cà Mau đã bị BÐBP TP Ðà Nẵng bắt, xử phạt ngày 5-3-2019 vừa qua. Theo các ngư dân hành nghề lặn biển của phường Nại Hiên Ðông, sau gần hai tháng theo dõi, mật phục, các ngư dân đă bắt quả tang tàu giã cào khai thác hải sản trái phép mang số hiệu của tỉnh Cà Mau (CM 99436TS) tại khu vực biển Thanh Khê, cách bờ chưa đầy một hải lý. Ðây là vùng biển nghiêm cấm khai thác, hành nghề giã cào. Lập tức, các ngư dân báo ngay với tổ công tác tuần tra - Ðồn Biên phòng Phú Lộc, quận Thanh Khê, để tổ chức truy đuổi, bắt gọn tàu vi phạm vào sáng cùng ngày.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, Trung tá Nguyễn Tống Khương, Trợ lý quản lý biên giới, Phòng Tham mưu, Ban Chỉ huy BÐBP thành phố Ðà Nẵng cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị trong BÐBP thành phố đã độc lập và phối hợp với Thanh tra Thủy sản tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và vịnh Ðà Nẵng. Qua tuần tra, đã phát hiện, xử lý 197 phương tiện, phạt hơn 163 triệu đồng. Không ít vụ việc do người dân phát hiện, báo về. Ðó là “kênh” rất hiệu quả”.

Theo lộ trình, giảm dần tàu nhỏ gần bờ

Luật Thủy sản đã có quy định về vùng khai thác, nhưng vì sao vẫn không giải quyết được triệt để nạn sử dụng ngư cụ bị cấm? TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng, ngư dân đánh bắt tận diệt là do quản lý kém và ngành khai thác còn chưa phát triển. Việc phát triển các đội tàu lớn thu hút nhiều ngư dân vươn khơi vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Người dân nghèo chỉ có mỗi cái tàu, mỗi chuyến ra khơi đều phải đối mặt với rủi ro, sóng to gió lớn vất vả đủ điều, song lại phải lo nhiều thứ chuyện. Chúng ta tăng số lượng tàu, tăng sản lượng đánh bắt gần bờ và xa bờ, trong khi nguồn lợi chỉ có bấy nhiêu thôi, người khai thác sẽ ít được đi nên họ buộc phải tìm kiếm đủ cách để có thêm nguồn thu là đương nhiên.

Chẳng lẽ các lực lượng chức năng không có cách xử lý dứt điểm? Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản, trả lời: Ðể tái tạo nguồn và triệt để nạn khai thác trái phép thì chỉ có thể cấm toàn bộ các hoạt động khai thác gần bờ. Nhưng làm gì cũng phải có lộ trình. Việc này ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người. Chúng tôi sẽ kiến nghị, giảm dần số lượng tàu nhỏ khai thác gần bờ, đến năm 2025 giảm 15%, năm 2030 giảm 30% và tiếp tục giảm vào những năm sau.

(Còn nữa)

Luật Thủy sản được Quốc hội ban hành ngày 21-11-2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 cấm các hành vi: Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; Sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt; Sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác.