Muôn kiểu học online

Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thời gian đi học tập trung trở lại chưa thể xác định được, nhiều cơ sở giáo dục, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các phương pháp đào tạo từ xa.

Học sinh Trường tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) học trực tuyến trên máy tính. Ảnh: Linh Nguyễn
Học sinh Trường tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) học trực tuyến trên máy tính. Ảnh: Linh Nguyễn

Mỗi nơi mỗi kiểu

Tại TP Hồ Chí Minh, sau khi học sinh (HS) nghỉ học vì dịch Covid-19, giáo viên (GV) nhiều trường đã thực hiện dạy trực tuyến (online) cho HS. Thầy Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) cho biết, trung bình, mỗi ngày có hơn 10 tiết học được thu hình trực tiếp để hướng dẫn HS tự học và giải đáp thắc mắc của nhiều bộ môn khác nhau kèm theo tài liệu giúp HS tự học ở nhà. GV chủ nhiệm sẽ gửi thời khóa biểu tới phụ huynh HS để cùng hỗ trợ việc học tập của HS sao cho hiệu quả.

Ở một số trường đại học (ÐH), do tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều trường cũng ứng dụng công nghệ để dạy học online, như các trường: Hoa Sen, Ngoại ngữ - Tin học, Ngân hàng, Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Lạc Hồng… Theo đại diện Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, khi nhà trường quyết định dạy online, các giảng viên lập nhóm (group) môn học cho sinh viên tham gia. Giảng viên triển khai nội dung môn học đến sinh viên bằng cách quay clip, livestream, hoặc sử dụng text... sao cho sinh viên nắm bài giảng tốt nhất.

Tại nhiều điểm trường, trường ở khu vực vùng cao, vùng khó khăn các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn,… chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, các GV đã phải lội suối, vượt đèo đến tận nhà HS để hướng dẫn cho gia đình phương pháp học trực tuyến, những nơi không có điều kiện thiết bị thì GV đến tận nhà ôn tập cho HS.

Tuy nhiên, các giải pháp lúc này cũng chỉ là để "chữa cháy". Không ít phụ huynh ở một số địa phương đã phản ánh, chỉ thấy nhà trường có gửi bản in bài về nhà để HS tự học. Thậm chí có nơi cho học sinh nghỉ là nghỉ, việc học may ra được một số GV nhiệt tình, tự lập nhóm zalo, facebook của lớp rồi giao bài tập để học sinh làm.

Cần sự chủ động và đồng bộ

Nhằm bảo đảm phần nào sự đồng bộ, liên tục của chương trình, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) Hà Nội đã tổ chức học trên truyền hình cho HS thành phố. Cụ thể, Sở phối hợp với Ðài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình các môn học năm học 2019-2020 dành cho HS lớp 9 và 12.

Mới đây, Hệ thống Giáo dục Hocmai cũng đã phối hợp Ðài Truyền hình kỹ thuật số VTC ra mắt "Lớp học không khoảng cách" với hệ thống các bài giảng được thiết kế bám sát với chương trình giáo dục hiện hành… Thêm vào đó, trên các trang cá nhân, mạng xã hội, không ít GV đã "lên sóng" hướng dẫn HS học tập.

Ðề cập các kịch bản ứng phó của ngành giáo dục, PGS,TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD&ÐT) cho biết, các nhà trường phải nghiên cứu, vận dụng hiệu quả hướng dẫn của Bộ cho từng mốc HS trở lại trường khác nhau. Chủ động rà soát, tinh giản, linh hoạt thực hiện việc dạy học theo các chủ đề, sử dụng các hình thức dạy học khác nhau, bao gồm cả dạy học trực tuyến.

Nhận thấy tính cấp bách của vấn đề và mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, liền mạch chương trình học, ngày 2-3, Hiệp hội Các trường ÐH, CÐ Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ GD&ÐT phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, VTV và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương bàn bạc để lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, đồng thời công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có công văn đề nghị Bộ GD&ÐT sớm có ý kiến về dạy học từ xa trong mùa dịch. Cho đến ngày 10-3, trong Công văn số 757/BGDÐT-VP chủ yếu nhằm "nhắc nhở" các đơn vị trực thuộc Bộ "nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19", có đoạn: "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và chất lượng công tác chuyên môn của đơn vị". Về lâu dài, cần các giải pháp chủ động và đồng bộ hơn từ phía ngành giáo dục. Làm sao để phương pháp đào tạo từ xa có thể khắc phục được sự chênh lệch điều kiện giữa các vùng, miền, thậm chí cả sự "vênh" trình độ giữa các GV, giữa GV với HS và khoảng cách thế hệ cần được giải đáp thỏa đáng bắt đầu từ những động thái của bộ chủ quản.