“Mắt xích” quan trọng trong mùa tuyển sinh năm 2021

Theo phương án thi vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Tuy nhiên, theo các phương thức tuyển sinh mà nhiều cơ sở đào tạo đã công bố, kết quả kỳ thi này không còn giữ vị trí quan trọng như các mùa tuyển sinh trước, mà “chỉ để tham khảo” hay “điều kiện đủ”, đi kèm với yêu cầu xét cả quá trình học.

Nhiều trường đại học, cao đẳng quan tâm nhiều hơn đến cả quá trình học tập của thí sinh thay vì chỉ căn cứ vào một kỳ thi.
Nhiều trường đại học, cao đẳng quan tâm nhiều hơn đến cả quá trình học tập của thí sinh thay vì chỉ căn cứ vào một kỳ thi.

Xu thế tất yếu
 
 Đến thời điểm này, có hơn 100 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT. Trong đó, từ trường tư đến các trường công lớn đều dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển mang tính xu hướng này. Theo các chuyên gia, xét tuyển học bạ là “mắt xích” quan trọng trong bức tranh tuyển sinh năm 2021.
 
 TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cho hay, việc xét học bạ sẽ đánh giá con người qua một quá trình chứ không chỉ tập trung vào một thời điểm hay một bài thi. “Theo tôi được biết, mỗi học kỳ sau khi có kết quả thì các trường phải nhập vào phần mềm niêm phong và gửi lên Sở GD&ĐT, như vậy nếu có việc gian lận điểm, sửa điểm học bạ cũng sẽ rất hạn chế”, ông Lý nói.
 
 Đối với Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, nhà trường xét tuyển theo bốn phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay (dự kiến diễn ra vào ngày 7 và 8-7), xét kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021. Trong đó, với việc xét học bạ, trường dành khoảng 30-40% chỉ tiêu cho phương thức này. “Nhiều năm chúng tôi quan sát chất lượng hồ sơ xét tuyển học bạ rất tốt, phá đi hoài nghi của nhiều trường. Đối với riêng Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, chúng tôi phân tích phổ điểm thấy các bạn xét học bạ có thành tích cũng như kỹ năng mềm rất tốt”, TS Trần Đình Lý nói thêm.
 
 TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt, cũng cho hay, theo tình hình chung hiện nay, phương thức xét học bạ gần như là tối ưu với các thí sinh theo đuổi bậc ĐH, minh chứng là đã có rất nhiều sinh viên đã mạnh dạn đặt cơ hội vào ĐH bằng cách xét tuyển học bạ. “Đây cũng là xu thế tất yếu và phù hợp với Luật Giáo dục Đại học năm 2018 về tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học”, ông Lâm nói.
 
 Ths Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh, việc nhà trường mở phương thức tuyển sinh bằng việc xét học bạ THPT là nhằm thích ứng với bối cảnh mới khi Bộ GD&ĐT không còn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Mặt khác, chất lượng giáo dục bậc học phổ thông trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây đã có sự chuyển biến rất rõ nét về chất lượng đào tạo, cũng như chất lượng giáo dục toàn diện là nguyên nhân khiến nhà trường chọn phương thức này.
 
 Tiêu chí khác biệt
 
 Điểm mới trong phương thức xét tuyển theo học bạ THPT năm nay là đa dạng cách tính điểm và cho phép người học linh hoạt trong chọn tổ hợp môn. Vì vậy, với sự đa dạng trong cách tính điểm của các trường khi sử dụng phương thức này, thí sinh cần đặc biệt lưu ý việc chọn tổ hợp môn để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
 
 Đặc biệt, đại diện các trường ĐH cũng nhấn mạnh, năm nay bên cạnh hầu hết các trường chỉ xét dựa vào điểm học bạ thì có những trường đồng thời sử dụng điểm học bạ kết hợp thêm các tiêu chí khác. Vì thế, thí sinh cần lưu ý kỹ tiêu chí của từng trường để nộp hồ sơ xét tuyển cho “đúng và trúng”. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, năm nay trường cũng bổ sung phương thức xét tuyển học sinh giỏi và xét dựa vào quá trình học tập theo tổ hợp môn. Trong đó, cả hai hình thức đều có tiêu chí bắt buộc dựa vào điểm quá trình học tập với cách tính khác nhau. Năm nay, xét tuyển học sinh giỏi ngoài điều kiện cần là học lực giỏi, hạnh kiểm tốt còn xét điểm trung bình học lực các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12. Phương thức xét quá trình học tập theo tổ hợp môn có điều kiện cần là điểm trung bình các môn tổ hợp đăng ký từ 6,5 trở lên và xét tuyển dựa vào điểm trung bình các tổ hợp môn đó trong năm học kỳ. Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng kết hợp các tiêu chí không bắt buộc để tính thành tổng điểm xét tuyển (gồm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, giải thưởng kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và thành phố, HS trường chuyên/năng khiếu). Nếu thí sinh có thêm điểm từ các tiêu chí này sẽ lợi thế hơn.
 
 Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh thì lại có những cách tính khác. Theo Ths Nguyễn Anh Vũ, trường chia thành bốn nhóm thí sinh riêng biệt được xét tuyển bằng hình thức này và ưu tiên theo thứ tự từ 1 - 4. Cụ thể: Nhóm 1 cho thí sinh dự kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia và tỉnh/thành phố; nhóm 2 cho người có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đánh giá năng lực quốc tế; nhóm 3 - học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu; nhóm 4 - học sinh khá trở lên, điểm ba môn tổ hợp từ 20 trở lên, điểm trung bình môn tiếng Anh 6,5 trở lên (chỉ tính điểm 3 học kỳ). “Thí sinh cần đọc kỹ các quy định riêng của trường để không bị nhầm lẫn”, ông Vũ nói thêm.
 
 Nhiều năm nay, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thực hiện ưu tiên xét tuyển với học sinh một số trường THPT cụ thể. Có thể xem đây là một hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT mà không cần qua kỳ thi tuyển sinh. Các trường xét đồng thời trên tổng điểm trung bình các môn theo tổ hợp xét tuyển ba năm lớp 10, 11 và 12 kèm theo bài luận của thí sinh, thư giới thiệu của giáo viên. Song ĐH này chỉ áp dụng với HS giỏi hoặc thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các trường chuyên, năng khiếu và tốp trường có điểm cao kỳ thi tốt nghiệp, trong ba năm liên tục.