Mạch ngầm nuôi dưỡng những giá trị nhân văn

Nếp nhà là nơi để cá nhân gắn bó, nương tựa cho đến khi trưởng thành. Khi ấy, cá nhân lại có nhu cầu làm cho nếp nhà đẹp thêm, giàu ý nghĩa hơn. Và chính những sự tiếp nối, chuyển giao, phát huy… ấy đã làm nên những gì chúng ta đang sở hữu hôm nay.

Nếp nhà quan trọng với người Việt bởi sự gắn bó lâu dài, bền chặt của nhiều thế hệ. Ảnh: PHAN HUY
Nếp nhà quan trọng với người Việt bởi sự gắn bó lâu dài, bền chặt của nhiều thế hệ. Ảnh: PHAN HUY

Trong các bài viết liên quan đến chủ đề xây dựng hệ giá trị chuẩn con người Việt Nam, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, các giá trị đều mang tính hai mặt. Nghĩa là có tích cực và tiêu cực. Tỷ dụ như tính cố kết cộng đồng, làng nước mặt tích cực là đoàn kết, mặt tiêu cực là cục bộ. Cá nhân không thể tách mình ra khỏi cộng đồng đó được, mà cần giải quyết hài hòa các mối quan hệ dòng tộc, làng nước. Ðã không tách nổi thì chi bằng ta phát huy mặt tốt đẹp, hạn chế mặt chưa đẹp. Ðó là cách làm khôn ngoan.

Trong cuốn "Trong cõi", GS Trần Quốc Vượng còn tìm ra vài làng không thờ người có công với nước, xuất thân từ làng mình. Trường hợp như nhà bác học Lê Quý Ðôn, quê một nơi, thờ một nơi. Phải tìm hiểu kỹ lắm mới thấy, những lắt léo lịch sử. Té ra cụ thân sinh ra ngài từng có hai bà vợ, bà đầu chê cụ không có tương lai, sự nghiệp đã bỏ đi. Lê Quý Ðôn là con bà vợ hai, lúc sinh thời ngài cũng ít về quê cha, nên GS Trần Quốc Vượng phán đoán: có thể làng quê cha không dám tự tiện "thấy sang bắt quàng làm họ".

Một trường hợp khác, đó là nhà thơ Lê Hồng Cần có bút danh Giăng Mùng - một cây bút có tiếng ở đất Quảng Bình thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Do nghèo đói mà gia đình ông phải ly hương làm ăn xứ khác. Năm đó gia đình gặp nạn lớn, trước khi chết người cha trăng trối lại với đứa con côi là hãy tìm về quê, nhất định sẽ được che chở, đùm bọc. Mười hai tuổi đầu, lần hồi ăn xin suốt một năm trời, cuối cùng nhà thơ tương lai cũng đã tìm về được đến quê nhà. Quả nhiên, ông đã được người thân, họ hàng, làng nước đùm bọc nuôi cho lớn khôn, ăn học, sau này còn làm trưởng họ Lê của
làng ấy…

Kể ra mấy chuyện trên để thấy, mối liên hệ của gia đình, dòng họ và cộng đồng đối với cá nhân là rất lớn, rất vi tế. Có những thứ tình cảm không thể gọi tên cho đúng được. Nó dường như bao gồm tất cả những yêu thương, kính trọng, nể sợ, kiêng dè… tạm gọi là "tình quê". Không hề chủ quan khi nói, để đạt được thành công, rất nhiều người phải dựa vào "tình quê" ấy. Trong đó, vai trò của gia đình là cao nhất và mỗi nhà lại có một phương pháp riêng để dạy dỗ, giáo dục thế hệ hậu sinh của mình. Phương pháp ấy được người xưa gọi một cách nôm na là "nếp nhà". Về chủ quan, không ai muốn gia đình mình, dòng họ mình bị làng nước chê cười. Hơn thế, để đánh giá một nếp nhà, người ta có một thứ chuẩn mực rất chung chung, khó định lượng - ấy là "Phúc". Cha ông ta dạy: Con hơn cha là nhà có phúc. Cái "hơn" ở đây, không nên hiểu chỉ bó gọn trong những thứ địa vị, học thức hay tài sản, mà đó chính là vai trò của cá nhân đối với dòng họ, làng xã và đất nước.

Mất nước, Hàn lâm học sĩ Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt đày sang phương Bắc, người con lớn một lòng muốn theo cha để chăm lo, phụng dưỡng. Cụ mắng: Con làm thế mới chỉ hoàn thành "tiểu hiếu", còn "đại hiếu" kia là nợ nước, thù nhà. Người con nghe ra, trở về viết Bình Ngô sách và trở thành vị quân sư lỗi lạc
Nguyễn Trãi.

Qua chuyện này, mỗi người Việt Nam đều hiểu rõ rằng, lòng hiếu thảo lớn lao nhất đó là với Mẹ - Tổ quốc. Trong thời chiến đã có bao người xả thân giết giặc trên chiến trường để làm tròn chữ hiếu. Trong hòa bình, biết bao người ngày đêm chăm lo dựng xây, bảo vệ nền hòa bình và cương thổ của đất nước. Ai cũng nhủ lòng: Phải trở thành người có ích, có đóng góp, có cống hiến với làng nước, xã hội. Những đóng góp, cống hiến đó có thể là tài sản, hiện vật nhưng cũng có thể chỉ là một hành vi, cử chỉ đẹp để người nước ngoài thêm kính trọng, ngưỡng mộ đất nước này, dân tộc này.

Nếp nhà chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc được nuôi dưỡng trong gia đình, bằng những cách khác nhau, các thế hệ trao truyền cho nhau. Việc của cá nhân chính là làm cho những truyền thống tốt đẹp đó được nhân lên mãi, tỏa rộng thêm mãi.

Ðã bao giờ bạn tự hỏi việc mình làm hôm nay giúp gì cho gia đình, dòng họ và Tổ quốc? Ðừng nghĩ đó là điều gì quá to tát, đôi khi nó chỉ là những hành vi xả rác đúng chỗ hay cách uốn nắn cho con em mình có lời hay, ý đẹp. Vâng, chính những việc làm nhỏ nhặt như thế đã làm nên cái đẹp của dân tộc này, đất nước này. Ai đã từng đi xa, đến những miền đất lạ, khao khát được nghe tiếng nói quê hương, thèm được ngửi mùi hương của món ăn mẹ nấu sẽ thấy rằng nếp nhà (và rộng hơn là truyền thống dân tộc) không ở đâu xa mà nó ở ngay đây, trong trái tim mình.

Mấy năm gần đây, giới trẻ có xu hướng "đón Tết xa nhà". Nhiều gia đình trẻ chọn việc đi du lịch hết trong những ngày nghỉ Tết, để trải nghiệm, để có thêm thời gian gắn bó của "gia đình nhỏ" của riêng mình. Ðến những di tích, nơi thờ tự nhiều người có tâm thế coi đó là một hình thức dã ngoại, vãn cảnh đầu xuân. Qua mạng xã hội, người ta bày tỏ quan điểm nhiều hơn mà không ngại động chạm vào không ít điều cấm kỵ… Rồi còn vô vàn hiện tượng khác nữa cho thấy một bộ phận giới trẻ và thậm chí không ít người thuộc lớp "người cũ" muốn thể hiện cái tôi cá nhân. Tất cả sự vùng vẫy thể hiện này, đều chỉ ra những mong muốn đổi thay, bứt bỏ ràng buộc cá nhân với gia đình.

Như vậy, có thể xem là nếp nhà đang thoái trào không? Thưa không! Bởi nếp nhà, truyền thống gia đình đã hòa quyện trong hành vi, lối sống của mỗi cá nhân từ tấm bé. Ðến khi trưởng thành, có tổ ấm riêng người ta mong muốn tìm đến những trải nghiệm mới, giá trị mới. Những giá trị mới này thường không mâu thuẫn với những giá trị cũ, thứ mà đã hằn sâu trong tiềm thức.

Có người sẽ phản biện: Lễ, Tết mà để cha mẹ cô đơn, vất vả với những bữa cơm cúng gia tiên, tiếp đón họ hàng, khách khứa thì còn gì là "nếp nhà" nữa. Thưa rằng, chính những cuộc đi xa có giá trị giáo dục hơn nhiều lần sự quây quần một cách ràng buộc. Nên biết rằng thời gian và khoảng cách đôi khi có sức giáo dục, cải biến lớn lao. Có những lời yêu thương mà người ta chỉ có thể nói qua điện thoại từ khoảng cách rất xa; có những nhớ mong mà chỉ có những lúc cô đơn người ta mới thấu hiểu. Như vậy, trong một nếp nhà có truyền thống tốt đẹp, tất cả những trải nghiệm đều góp phần bồi đắp tình thân ái, gắn bó, làm đẹp thêm mối quan hệ gia đình, dòng họ và cộng đồng.

Và ngoài kia, mùa xuân đã đến rất gần. Bạn còn chờ gì, mà chưa bộc lộ hết những mong nhớ, yêu thương…?