Ô nhiễm bụi từ hoạt động xây dựng

Lỗ hổng lớn và vòng tròn trách nhiệm

Trong số báo trước, xuất bản ngày 13-10, Nhân Dân cuối tuần đã nêu tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khiến việc xử lý tổ chức, cá nhân lĩnh vực xây dựng gây ô nhiễm môi trường ở Hà Nội gặp khó khăn. Bên cạnh đó, lỗ hổng không nhỏ trong hệ thống quy định khiến cho việc xử lý các vi phạm gây ô nhiễm môi trường thiếu tính răn đe và không triệt để.

Những công trình xây dựng không che chắn, gây phát thải bụi tồn tại trên nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội.
Những công trình xây dựng không che chắn, gây phát thải bụi tồn tại trên nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội.

Rõ nhiệm vụ, nhưng…

Theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ của thành phố Hà Nội, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung cũng như hạn chế tiếng ồn, bụi, khí thải nói riêng thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, lãnh đạo UBND cấp phường, xã, thị trấn. Thêm nữa là sự phối hợp của các đơn vị như Sở Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố… Một điều quan trọng không thể thiếu chính là sự tham gia, chấp hành của doanh nghiệp, người dân, sự giám sát của Hội đồng Nhân dân các cấp.

Ðối chiếu với các quy định hiện hành, chủ nguồn gây phát thải có trách nhiệm: Lập kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng (CTRXD), trình chủ đầu tư chấp thuận (nếu là nhà thầu chính) trước khi triển khai thi công; thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng CTRXD phát sinh trên công trường theo kế hoạch; bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về an toàn vệ sinh lao động theo quy định; sau mỗi lần chuyển vật liệu xây dựng, phế thải, chủ đầu tư phải tổ chức dọn dẹp ngay nếu bị rơi vãi, trả lại hè phố, đường phố lối đi sạch sẽ. Chủ các phương tiện vận chuyển phế thải xây dựng thực hiện thu gom, vận chuyển, đổ đúng nơi quy định và tuân thủ các biện pháp giảm bụi; xe vận chuyển vật tư, vật liệu rời, phế thải xây dựng, bùn đất… phải có thùng xe kín khít, che chắn bảo đảm không để bụi bay, chảy nước, rơi vãi khi vận chuyển.

Quy định chặt như vậy, song khi chúng tôi làm việc với cán bộ UBND phường Thịnh Liệt, UBND phường Ðại Kim, UBND phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) và một số phường của quận Nam Từ Liêm, như Mễ Trì, Phú Ðô, Phú Diễn…, cán bộ cơ sở đều cho biết: Ðã làm tốt nhiệm vụ. Vậy nhưng, khi chúng tôi đặt câu hỏi: Ðã làm tốt thì tại sao đường phố vẫn có nhiều đất đá, phế thải rơi vãi, bụi mù mịt, nhiều xe tải lưu thông trên đường vẫn chở quá tải, không che chắn? Thì các cán bộ cơ sở lại "kêu khó" và đẩy trách nhiệm này cho lực lượng công an phường, cảnh sát giao thông. Trong khi, lực lượng cảnh sát giao thông cũng chỉ kiểm soát trên một số tuyến phố lớn và chỉ tổ chức xử lý theo các chuyên đề định kỳ.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm cho biết: "Mặc dù các dự án đã có hồ sơ pháp lý về môi trường, nhưng qua kiểm tra các dự án đang xây dựng còn vi phạm về môi trường như chưa thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước".

"Vênh" giữa thực tế và báo cáo

Trong quá trình thu thập thông tin, dù thực tế ghi nhận rất nhiều công trình xây dựng không che chắn cẩn thận, vận chuyển CTRXD gây rơi vãi, tập kết vật liệu xây dựng gây bụi… nhưng lại có rất ít tổ chức, cá nhân bị xử phạt. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị (QLTTXDÐT) quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 10 nghìn công trình, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp vi phạm. Trong số đó có 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 74 trường hợp xây dựng không phép, và chỉ có năm trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, ô nhiễm môi trường...

Con số này đã thực chất hay chưa? Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, trình độ, năng lực của cán bộ QLTTXDÐT ở các quận, huyện và cấp phường, xã có hạn, nên sẽ khó tránh khỏi việc thiếu sót, thậm chí vi phạm nhiều nhưng báo cáo ít.

Quả nhiên, khi yêu cầu các đơn vị phối hợp, đưa ra con số xử phạt về lĩnh vực bảo vệ môi trường, lãnh đạo các phường, xã lúng túng rồi chống chế rằng "với các vi phạm này chủ yếu chỉ… nhắc nhở!". Là người trực tiếp xử lý các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, ông Trần Quốc Ðạt, Tổ trưởng Tổ TTXDÐT phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cho biết: "Trước đây địa phương phát triển từ xã lên phường nên tư duy của người dân còn manh mún, thậm chí không chấp hành các quy định. Trong khi đó với các lỗi không che chắn trong xây dựng, phá dỡ công trình, tập kết vật liệu xây dựng sai quy định thì xử phạt từ 500.000 đến 1.500.000 đồng nên không đủ sức răn đe. Người ta sẵn sàng chấp nhận nộp phạt, song sẽ thiếu biện pháp khắc phục".

Thừa nhận những thiếu sót này, ông Trương Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt nhìn nhận: Ðúng là trong quản lý trật tự xây dựng chỉ quan tâm nhiều đến việc cấp phép, kiểm tra việc tuân thủ về kết cấu, diện tích mà ít xử lý các trường hợp liên quan đến gây ô nhiễm môi trường.

Nhằm kiểm soát chặt hơn tình hình vi phạm trong xây dựng, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 26/2018/QÐ-TTg ngày 22-6-2018, về việc Thí điểm thành lập Ðội QLTTXDÐT trực thuộc UBND quận, huyện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho hay: Việc phối hợp giữa Sở Xây dựng với UBND quận, huyện, thị xã cần phải chặt chẽ hơn. Nếu thiếu kiểm tra của cơ quan cấp trên sẽ dễ dẫn đến chuyện bao che vi phạm. Thực tế, lực lượng QLTTXDÐT cấp quận, huyện và phường, xã nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. "Ở cấp quận, việc tuyển người đôi khi không đủ trình độ hoặc học không đúng chuyên môn. Bởi vậy phải kiểm soát tốt hơn nữa việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng này. Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của tám Ðội QLTTXDÐT và sẽ có báo cáo đầy đủ các cơ quan chức năng", ông Hùng nhấn mạnh.

Trước vấn đề này, TSKH Phạm Ngọc Ðăng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết, các cơ quan chức năng không nên chỉ xử lý ở bề nổi, mà phải kiểm soát, "đánh" mạnh hơn nữa người vi phạm gây ô nhiễm môi trường không khí. Hà Nội đã ô nhiễm về khói phương tiện giao thông, nếu không kiểm soát chặt việc phát thải từ xây dựng, thì bầu không khí Thủ đô sẽ tiếp tục là mối nguy lớn cho sức khỏe của cộng đồng.