Làm giàu bằng rau công nghệ

“Với tôi, nếu đi làm công ty, tôi chỉ giúp được bản thân và một số ít người, nhưng đi làm rau sạch sẽ giúp được nhiều người” - chàng trai Trần Xuân Đăng, sinh năm 1985, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao, xã Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) đã nói như thế về lựa chọn “về đồng” của mình. Giờ đây, anh đã thật sự giúp được nhiều người.

Giám đốc Trần Xuân Đăng (bên trái) giới thiệu về loại dưa leo năng suất cao.
Giám đốc Trần Xuân Đăng (bên trái) giới thiệu về loại dưa leo năng suất cao.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng áp dụng công nghệ I-xra-en, quy mô 1,3 héc-ta của anh Đăng nằm ngay mặt đường liên xã. Không biển quảng cáo, chẳng trang trí bắt mắt nhưng địa chỉ này đã khá nổi tiếng trong khu vực và trên… mạng. Khách ở xa thì đặt hàng online. Khách ở gần tự xuống hái. “Tôi làm ra tới đâu là bán hết tới đó. Tôi vừa trồng dưa leo I-xra-en, vừa trồng dâu tây, cà chua bi và có diện tích sẽ trồng hoa cho vụ Tết”, anh Đăng thổ lộ.

 Trong lúc chúng tôi trò chuyện thấy có nhiều khách tự xuống hái. Có người vừa hái, vừa ăn rồi xách lên cân. Thấy tôi thắc mắc, anh Đăng bộc bạch: “Tôi để người dân tự trải nghiệm việc hái dưa, rồi họ tự cân, tính tiền và đặt tiền ở bàn. Sẽ có trường hợp khách vừa mua, vừa ăn hết hai cân, nhưng chỉ tính tiền một cân. Tôi thiệt, nhưng sẽ tìm cách tăng năng suất, chất lượng để bù vào. Cái được là khách sẽ tự quảng cáo và tìm đến với tôi”.
 
Trần Xuân Đăng vốn là kỹ sư hóa chất, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, bảo vệ luận án thạc sĩ tại Xin-ga-po năm 2013 và đã từng làm việc cho một doanh nghiệp có thu nhập rất khá. Thế nhưng, Đăng lại ấp ủ ý tưởng thực hiện một mô hình nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với khí hậu, tình hình thực tế của địa phương. Để củng cố cho kế hoạch của mình, anh vác ba-lô đi học hỏi kiến thức. Cùng thời gian đó, anh phải nuôi gà để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt. Khi đó, người thân phản đối rất nhiều về quyết định rời bỏ một công việc tốt để về làm nông nghiệp. Nhưng Đăng vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng. Đến đầu năm 2017, anh vận động gia đình, họ hàng, bạn bè thành lập hợp tác xã (HTX), xây dựng mô hình trồng dưa công nghệ cao. Với lưng vốn kiến thức học được và nhờ vào sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Yên Dũng và Sở NN&PTNT Bắc Giang, mô hình nhà lưới của Trần Xuân Đăng đã hình thành. Sau hơn hai tháng trồng, chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt, 5.000 cây dưa leo và dưa lưới cho thu hoạch đạt 25 tấn/vụ, doanh thu hơn 370 triệu đồng, lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Trần Xuân Đăng, chia sẻ: “Toàn bộ quy trình sản xuất đều áp dụng theo công nghệ của I-xra-en, đạt tiêu chuẩn quốc tế. HTX đầu tư hơn một tỷ đồng lắp đặt nhà màng một mái hở và hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Khung dựng bằng cột thép kiên cố, bao quanh là tấm lưới chắn côn trùng, phía trên che ni-lông chuyên dụng, bên trong lắp đặt một loạt hệ thống điều khiển tự động. Các sản phẩm đều có thể dùng ngay tại vườn bởi rất sạch”. 

Anh Đăng cho biết, thị trường tiêu thụ sản phẩm dưa trồng trong nhà màng rất thuận lợi. Đến nay lượng sản phẩm làm ra chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Anh tính toán, với mức giá hiện nay là 15 - 20 nghìn đồng/kg dưa leo và 35 nghìn đồng/kg dưa lưới thì người dân sẽ nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư ban đầu. 

Theo anh Đăng, trồng dưa trong nhà màng giúp kiểm soát được nhiều yếu tố tác động đến cây trồng như sâu bệnh, thời tiết, do đó có thể sản xuất được ba vụ/năm. Việc sản xuất trái vụ sẽ giảm chi phí, công lao động, năng suất gấp 3-4 lần so phương pháp truyền thống. Sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Tiếng lành đồn xa. Đã có rất nhiều người ở các địa phương khác đến thăm, tìm hiểu cách làm. Trong ba năm qua, anh đã hỗ trợ cho 10 thanh niên khác trong tỉnh thực hiện mô hình, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kết nối với các siêu thị để bảo đảm đầu ra sản phẩm. Trò chuyện với chúng tôi, Trần Xuân Đăng hào hứng chia sẻ về dự định tái đầu tư, mở rộng mô hình. Hiện tại, anh đã trao đổi với một số hộ dân khác và trả họ mức thuê cao, sau đó cũng mời họ làm việc luôn ở HTX. “Họ đã ưng bụng rồi. Nhiều người thấy tôi có ý chí nên ủng hộ. Họ cũng ủng hộ chủ trương của vùng rau quả công nghệ cao của Yên Dũng”, Đăng cho hay.