Kiên Hải… miền du lịch

Chiếc ca-nô khách rời cảng Rạch Giá (Kiên Giang), mũi hướng về hòn đảo có hình con rùa đang bơi lênh khênh giữa biển. Chỉ 45 phút, ca-nô đã cập cảng Hòn Tre - trung tâm hành chính của huyện đảo Kiên Hải.

Kiên Hải… miền du lịch

Miền đất huyền ảo cực nam Tổ quốc

Chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải Huỳnh Hoàng Sơn - một kỹ sư nông nghiệp được điều động, luân chuyển ra huyện đảo gần trọn một nhiệm kỳ nhận xét: Huyện đảo Kiên Hải của ngày hôm nay chính thức được xác lập từ năm 2000 sau nhiều lần nhập, tách địa bàn. Huyện đảo có diện tích tự nhiên hơn 2.459 ha, với khoảng 21 nghìn dân, sinh sống trên các đảo nằm trên vùng biển Tây Nam, bao gồm 23 hòn đảo nổi: 21 hòn đảo của quần đảo Nam Du và đảo Hòn Tre, đảo Hòn Sơn. Tên hành chính của bốn xã đảo thuộc Kiên Hải là: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Dân cư ở Kiên Hải được hợp thành từ nhiều vùng, miền, tập trung ở các đảo lớn cho một sự khởi đầu mới, bám biển mưu sinh. Tự nhiên, hoang sơ là một nét riêng của Kiên Hải, vì vậy UNESCO đã công nhận Kiên Hải là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Là người quê gốc ở huyện An Biên (Kiên Giang), hiện là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin của huyện đảo Kiên Hải, anh Nguyễn Thanh Vũ nói về nét đẹp của Kiên Hải với đầy vẻ tự hào: “Nằm ở tận cùng phương nam của Tổ quốc, nhưng vẻ đẹp của Kiên Hải lại gợi nhắc nét đẹp quý phái của vùng đất phía bắc như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hay Tràng An (Ninh Bình). Kiên Hải còn có nét đẹp thanh thoát như Nha Trang, Phan Thiết với Bãi Cây Mến, Bãi Bàng, Bãi Chén, Bãi Ngự… Nét hoang sơ nhưng đầy quyến rũ của các hòn Củ Tron, Dầu, Mấu, Hai Bờ Đập… hay những gam mầu huyền ảo, phảng phất nét tâm linh của đỉnh Ma Thiên Lãnh, miếu Bà Cô Ba… sẽ là khó cưỡng với những ai từng một lần đặt chân đến Kiên Hải”.

Tôi không hoài nghi về điều đó, khi Kiên Hải đang trở thành một điểm đến thu hút ngày càng đông khách du lịch vào những dịp cuối tuần, hay những dịp lễ, Tết. Những địa danh như Hòn Sơn, Nam Du đang trở thành “hiện tượng”, là điểm đến lý tưởng “đương thời”. Với giới am hiểu về du lịch sinh thái, hay những đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, Kiên Hải là điểm đến được yêu thích chỉ sau Phú Quốc. Theo anh Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Công ty Du lịch Rạch Giá, khách du lịch thường chọn Kiên Hải cho những chuyến du lịch ngắn, cuối tuần. “Đến Hòn Sơn, hay Nam Du, du khách được leo núi, tắm biển, ăn hải sản tươi và tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên và nhiều điều lý thú khác. Giá cả lại rất phải chăng, vừa túi tiền của nhiều người” - anh Chinh nói.

Kiên Hải… miền du lịch ảnh 1

Với giới am hiểu về du lịch sinh thái, hay những đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, Kiên Hải là điểm đến được yêu thích chỉ sau Phú Quốc.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang kêu gọi đầu tư cho 10 dự án du lịch trên địa bàn huyện Kiên Hải, trong đó có một số dự án lớn như: Khu du lịch resort nghỉ dương cao cấp Bãi Bàng, quy mô 99 ha; Khu du lịch sinh thái nghỉ dương Hòn Tre, 52,5 ha; điểm du lịch Ba Hòn Nồm 36 ha; điểm du lịch Bãi Bấc 32 ha, điểm du lịch Hòn Ông 32 ha, điểm du lịch Đề Thơ 30 ha và một số dự án khác.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Với địa hình núi và biển, kinh tế của Kiên Hải chỉ trông chờ vào hai trụ đỡ là khai thác - nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch - dịch vụ. Trong khai thác hải sản, ngư dân chủ yếu khai thác ngư trường gần bờ với những cách thức thuyền thống, trong khi nguồn lợi đã dần cạn kiệt. Nuôi trồng mới được chú ý phát triển thời gian gần đây, quy mô nhỏ lẻ và chưa được quy hoạch bài bản. Trong lĩnh vực du lịch, Kiên Hải đang nâng tầm để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với hai khu du lịch cấp tỉnh là quần đảo Nam Du và đảo Hòn Sơn, nhưng, đó là câu chuyện còn đang ở thì… tương lai (!)

Anh Trần Thanh Thắng, một người trẻ quê ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tài nguyên - môi trường, nhưng yêu đất đảo, đã “xung phong” ra đảo công tác gần chục năm qua. Nhận xét về quá trình phát triển của huyện đảo, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường huyện Kiên Hải Trần Thanh Thắng cho biết, gần đây đất đảo có bước chuyển mình và tăng tốc đi lên mạnh mẽ khi hai xã Hòn Tre và Lại Sơn đã có điện lưới quốc gia. Hai xã đảo Nam Du, An Sơn được cấp thêm kinh phí tăng công suất máy phát điện lên suốt 24 giờ trong ngày. Cảnh thiếu nước ngọt vào mùa khô đã không còn khốc liệt như trước đây khi các hồ nước ngọt được đầu tư xây mới, người dân chi tiền khoan giếng ngầm, đặt ống đưa nước từ các suối trên núi về đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh. Người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, mở các dịch vụ phục vụ khách du lịch trên các đảo du lịch Hòn Sơn, Hòn Mấu, Củ Tron, Hòn Ngang… Năm 2016, có khoảng 13 nghìn khách du lịch đến Kiên Hải, năm 2017 là 194 nghìn khách, năm 2018 là 272 nghìn lượt khách và dự kiến trong năm 2019 sẽ có hơn 300 nghìn khách, doanh thu hơn 500 tỷ đồng.

Ở Kiên Hải, từ nhà thùng ủ nước mắm, làng chài, bãi biển, ghềnh đá, dốc, gò, đỉnh núi, thác nước, am tự, miếu thờ, đến các lồng bè nuôi cá, tàu khai thác hải sản, nhà ở của người dân… đều có thể phục vụ cho nhu cầu du lịch. Anh Nguyễn Thành Luân, chủ lồng bè nuôi cá kết hợp du lịch (xã Lại Sơn) cho biết, anh khai trương “Hội quán và làng chài” (tên bè cá) từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Mỗi ngày bè cá đón trên dưới 10 đoàn khách đến câu mực và ăn uống, doanh thu hàng triệu đồng. Còn cô Ba, chủ nhà nghỉ Cô Thanh (xã Lại Sơn) nói: “Căn nhà ba phòng này cô xây dựng để ở. Nhưng khi du lịch ở Hòn Sơn phát triển, cô Ba dành hết ba phòng cho khách, mỗi tháng cô Ba cũng thu nhập bạc triệu. Tuổi cô Ba đã cao, mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn đồng chi xài không hết. Cô Ba giờ khỏe ru, chứ trước đây gia đình cô Ba khó khăn lắm!”.

Kiên Hải đang lấy du lịch - dịch vụ mở hướng phát triển mới trong tương lai. Kiên Hải đang bước đi thận trọng, những công trình, dự án phát triển đều được định hướng phải thân thiện môi trường. Ông Huỳnh Hoàng Sơn cho biết, huyện đang tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch, như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch… “Chúng tôi định hướng phát triển ngành khai thác - nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao sản lượng và chất lượng, nhưng phải bảo đảm về môi trường. Trong định hướng phát triển du lịch, Kiên Hải tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, xin cơ chế chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng cơ sở làm động lực kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào Kiên Hải, kết nối thành vùng tam giác du lịch: Rạch Giá - Phú Quốc - Kiên Hải” - ông Huỳnh Hoàng Sơn hào hứng chia sẻ.

Miền du lịch Kiên Hải đang hướng đến sự tươi đẹp và giàu có!