Áp dụng tiêu chuẩn khí thải:

Không thể lùi mãi

Thay vì được thực hiện từ đầu năm 2017 như dự kiến, một lần nữa “Đề án kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy” lại được đề nghị lùi sang năm 2018. Vì sao một đề án cấp bách, thiết yếu với quản lý đô thị và bảo vệ môi trường lại hết lần này đến lần khác phải xin gia hạn thực thi?

Một đề án kiểm soát khí thải xe cơ giới vẫn bỏ ngỏ.
Một đề án kiểm soát khí thải xe cơ giới vẫn bỏ ngỏ.

Thủ phạm gây ô nhiễm chưa được kiểm soát tốt

Ngược trở lại năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định 49/2011/QĐ-TTg, đưa ra lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với ô-tô, mô-tô, xe máy nhằm giảm thiểu lượng khí độc phát thải ra môi trường. Tiếp đó Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2015/BKHCN về xăng, nhiên liệu diezen, nhiên liệu sinh học trong đó quy định chỉ tiêu chất lượng nhiên liệu tương ứng với tiêu chuẩn khí thải mức 3, 4 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Bộ Công thương có trách nhiệm bảo đảm sản xuất, nhập khẩu và cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới có chất lượng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đúng lộ trình được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Thế nhưng, cho đến giờ, “Đề án kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy” vẫn nằm trên giấy, và lộ trình có hiệu lực đã có độ giãn là gần sáu năm. Trả lời câu hỏi vì sao “Đề án kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy” phải lùi thực hiện sang năm 2017, nay lại tiếp tục lùi thời điểm thực hiện, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Đây là một Đề án lớn mang tính xã hội phức tạp. Các tổ chức, cá nhân chưa thống nhất được phương án, lộ trình triển khai cụ thể. Người lao động có thu nhập thấp vẫn sử dụng xe máy cũ có chất lượng thấp. Trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được, số lượng mô-tô, xe gắn máy tham gia giao thông tiếp tục tăng lên nhanh chóng, càng gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc quy định kiểm soát khí thải mô-tô, xe gắn máy cũng chưa được quy định bắt buộc trong Luật Giao thông đường bộ.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh: “Việc lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức mới của một phần đối tượng là xuất phát việc Chính phủ đánh giá từ báo cáo của các bộ, ngành và các đơn vị sản xuất, lắp ráp cho thấy là chưa đủ điều kiện để thực hiện bởi giá thành cao. Do tính phức tạp đó, cần tiếp tục nghiên cứu khả thi quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm định khí thải đối với mô-tô, xe máy trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ GTVT xây dựng lộ trình khí thải để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. Dự kiến vào năm 2018”.

Nhưng những lý giải này chưa làm an lòng giới khoa học, nhất là khi xem xét thực tế được phản ánh qua con số thống kê của Vụ Môi trường - Bộ GTVT. Theo đó, cả nước hiện có khoảng 1,9 triệu xe ô-tô và 40 triệu xe mô tô, xe gắn máy lưu hành. Mô-tô, xe máy chiếm khoảng 70% số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tại các đô thị; trong số này có tới 4,5 triệu xe “hết đát” vẫn đang hoạt động, phát thải bụi, khí NO2, khí CmHn, SO2… đầu độc môi trường.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, sốt ruột: “Ô nhiễm không khí đáng báo động, mà nguồn phát thải chính là các phương tiện giao thông. Biết được thủ phạm nhưng rõ ràng chúng ta đã chưa thực hiện tốt việc đẩy lùi ô nhiễm bằng cách kiểm soát lượng khí thải xe cơ giới”.

Tuân thủ kỷ cương công việc

Nhìn nhận một cách khách quan, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và 4 không phải là đơn giản bởi công nghệ nhiên liệu của chúng ta vẫn quá lạc hậu. Đến nay, không như kế hoạch, nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn vẫn không đáp ứng được đòi hỏi bức thiết trong nhu cầu nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Đó là chưa kể, việc thị trường có đến 9 loại xăng không chì, gồm Ron90-II; Ron92-II; Ron95-II; Ron92-III; Ron95-III; Ron98-III; Ron92-IV; Ron95-IV; Ron98-IV, cũng khiến khách hàng có thể nhầm, gây hại cho động cơ. Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) còn kiến nghị có thể xảy ra gian lận trong kinh doanh, xăng dầu bị pha tạp, làm ảnh hưởng đến chất lượng ô-tô đã đạt mức Euro 4.

Khó khăn để thực thi là hiện hữu, song theo nhiều chuyên gia môi trường, nếu tiếp tục lùi thời gian thực hiện thêm ngày nào là ngày đó môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, và những cam kết bảo vệ môi trường bền vững không được thực thi triệt để. Nếu một lần nữa lùi, giáo sư Phạm Ngọc Đăng quan ngại, chúng ta tiếp tục “ăn” vào môi trường.

Cần phải nhắc lại, Quyết định 49/2011/QĐ-TTg có hiệu lực từ tháng 9-2011, với khoảng thời gian từ đó đến nay, đáng lẽ ra các bên kinh doanh và nhập khẩu ô-tô, mô-tô, xe máy; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; ngành khoa học công nghệ… có đủ điều kiện để xây dựng chiến lược và tuân thủ Quyết định 49. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang bàn kế hoạch tăng thuế bảo vệ môi trường, có thể được tính vào giá xăng dầu, giờ là thời điểm phải quyết tâm thực hiện cho bằng được để có thể kiểm soát lượng khí thải độc hại.

Có thể thấy, do độ “vênh” giữa chất lượng nhiên liệu và công nghệ xe cơ giới, Bộ GTVT phải xin dừng thời điểm thực hiện. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, lời giải thích của lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa thỏa đáng, bởi hiện nay nước ta vẫn đang áp dụng mức Euro 2 là quá lạc hậu và chậm hơn so với các nước phát triển tới 10 năm. Việc cấp bách lúc này, các cơ quan liên quan cần xây dựng một cơ chế thống nhất, rõ ràng và chặt chẽ để “Đề án kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy” và tiêu chuẩn khí thải Euro 3, 4 được thực hiện nghiêm túc, kỷ cương. Tránh tình trạng tiếp tục… xin lùi!