Khống chế sốt xuất huyết

Trước diễn biến dịch sốt xuất huyết (SXH) ngày càng phức tạp, người dân đang mong đợi việc hoàn tất nghiên cứu vắc-xin tại Việt Nam, với hy vọng khống chế căn bệnh nguy hiểm này trong thời gian sớm nhất.

Phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ảnh: ĐỨC VĂN
Phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ảnh: ĐỨC VĂN

Gia tăng “điểm nóng”

Theo Bộ Y tế, trong gần bảy tháng năm 2019, cả nước ghi nhận hơn 96 nghìn trường hợp mắc SXH, gấp 3,2 lần so cùng kỳ năm 2018, và được cảnh báo còn gia tăng trong các tháng tới. Theo ông Nguyễn Đức Khoa, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch SXH không chỉ gia tăng ở Việt Nam, mà đang gia tăng ở các nước Mỹ la-tinh và châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, các nước chung quanh Việt Nam, như Phi-li-pin, số mắc SXH đã tăng hai lần so với cùng kỳ năm 2018, với gần 100.000 trường hợp mắc, gần 400 trường hợp tử vong. Tại Ma-lai-xi-a, Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a cũng đang tăng mạnh và chưa có xu hướng dừng lại. Tình trạng này được cho là do hiện tượng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, làm cho vector truyền bệnh sinh sôi và phát triển mạnh.

Tại Việt Nam, tất cả các vùng miền đều có nguy cơ mắc bệnh SXH. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh gia tăng mạnh ở một số tỉnh thuộc khu vực miền trung, Tây Nguyên và khu vực miền nam, đặc biệt ở những tỉnh, thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại, số lượng người di cư cao. Tại TP Hồ Chí Minh, với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, tập quán trữ nước mưa trong dân, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ… là những yếu tố thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển và lan truyền mầm bệnh SXH.

Thủ đô Hà Nội từng trải qua một vụ dịch SXH rất lớn năm 2016-2017, năm nay dịch lại xuất hiện. Ông Khoa cho biết: “Các khu vực thường sau 3-5 năm có đợt bùng phát dịch lớn, tuy nhiên chu kỳ này cũng phụ thuộc nhiều vào nỗ lực phòng, chống tại địa phương. Đến thời điểm này, số mắc của Hà Nội tăng hơn so cùng kỳ năm 2018, đồng thời với nền nhiệt độ cao và chuẩn bị vào mùa mưa thì nguy cơ bệnh SXH gia tăng trong thời gian tới là rất cao”.

Còn ở khu vực Tây Nguyên, là vùng SXH lưu hành nhẹ, miễn dịch ở cộng đồng thấp, nên khi xuất hiện dịch thì thường dịch bùng phát rất nhanh, mạnh. Đặc biệt năm nay, các điều kiện thời tiết khí hậu tại khu vực này rất thích hợp cho muỗi truyền căn bệnh này phát triển, nên hiện số ca mắc ở nơi đây đã tăng cao và sẽ tiếp tục tăng nếu người dân, chính quyền và ngành y tế địa phương không thực hiện quyết liệt, triệt để các biện pháp phòng dịch.

Thúc đẩy sớm vắc-xin khống chế

Trước mắt, theo ông Nguyễn Đức Khoa, ngành y tế đã có kế hoạch tổng thể để phòng bệnh SXH, chú trọng vào một số biện pháp: Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phòng bệnh và điều trị để giảm số mắc và số tử vong, như nghiên cứu sử dụng vắc-xin, nghiên cứu sử dụng các tác nhân sinh học để diệt ấu trùng muỗi, diệt muỗi, áp dụng các kỹ thuật hồi sức cấp cứu tiên tiến, sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong điều trị bệnh...

Cùng với đó là nâng cao vai trò của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương nhằm tăng cường các biện pháp giám sát, xây dựng mô hình dự báo để chủ động phòng, chống dịch từ xa. Hơn hết, theo ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Pasteur TP Hồ Chí Minh, cần phải có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức để người dân thay đổi hành vi, hiểu rõ trách nhiệm của mình, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch. Ít nhất, “mỗi người dân cần ý thức đúng và thực hiện đầy đủ bốn việc sau: Kiểm tra vật chứa hằng tuần và diệt loăng quăng nếu phát hiện; tự bảo vệ bản thân tránh muỗi chích; hợp tác khi cán bộ y tế đến nhà phun hóa chất diệt muỗi; đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị sốt”, ông Lân nói.

Về lâu dài, đối với các bệnh truyền nhiễm thì việc có được vắc-xin phòng bệnh hiệu quả luôn là biện pháp tối ưu. Từ năm 2011, Việt Nam (Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh) cùng chín quốc gia khác ở khu vực Đông - Nam Á và Mỹ la-tinh cùng tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha III của sản phẩm vắc-xin ngừa SXH do Công ty Sanofi Pasteur sản xuất. Các nghiên cứu này đã chứng minh, vắc-xin an toàn và có hiệu quả ngừa bệnh SXH cho người từ 9 tuổi trở lên, đặc biệt là ngừa được SXH nặng và SXH nhập viện. Dựa trên kết quả này, Sanofi đã đăng ký lưu hành vắc-xin ở 22 quốc gia/vùng lãnh thổ lưu hành bệnh SXH thuộc Mỹ la-tinh, châu Á và châu Âu với tên thương mại là Dengvaxia. “Hiện tại, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ để cập nhật đầy đủ kết quả nghiên cứu vắc-xin ngừa bệnh SXH đến các đối tượng tình nguyện tham gia và hoàn tất các thủ tục, chuẩn bị nghiệm thu kết thúc nghiên cứu tại Việt Nam”, ông Lân cho biết.

Với tin vui này, hy vọng vắc-xin SXH sớm được đăng ký lưu hành tại Việt Nam, đóng vai trò là “vũ khí” đẩy lùi căn bệnh này trong những năm tới.