“Khoảng trống” nghề công tác xã hội

Hoạt động trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn đang ngày càng có ý nghĩa lớn trong sự phát triển của đời sống hiện đại. Tuy nhiên, sự thiếu hụt những công cụ pháp lý tạo hành lang hoàn chỉnh đang tạo nên nhiều rào cản cho sự phát triển của nghề công tác xã hội (CTXH).

Dạy trẻ em thiệt thòi ở Làng Hữu nghị Việt Nam cắt dán thiệp.
Dạy trẻ em thiệt thòi ở Làng Hữu nghị Việt Nam cắt dán thiệp.

Thiếu cả nhân lực lẫn quy định

Theo khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB và XH), số lượng người có nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH hiện chiếm khoảng hơn 25% dân số. Đây là con số hẳn khiến không ít người giật mình, song, đã phản ánh thực tế của một nước nghèo, trải qua thời gian dài chiến tranh, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt nên số người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội lớn. Thêm nữa, tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bị xâm hại... hiện vẫn khá cao, đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ lớn từ xã hội.

Nhu cầu lớn, nhưng mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH lại thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH mới hình thành ở ngành LĐ,TB và XH là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành y tế, giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế. Đội ngũ làm CTXH còn mỏng và chưa được đào tạo CTXH chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

TS Trần Mạnh Đạt, Tổng Biên tập NXB Tư pháp, chuyên gia nghiên cứu CTXH - nhìn nhận: “Đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng mới bước đầu được hình thành tại một số địa phương. Đó là chưa kể tới việc nhận thức về vai trò, vị trí của nghề CTXH trong quá trình xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến của đất nước ở nhiều cấp, ngành còn hạn chế”.

Ở tầm cao hơn, điều đáng lẽ phải được làm sớm là bộ luật chuyên ngành, mang tính pháp lý cao để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam đã nhiều năm bị bỏ ngỏ. Lĩnh vực CTXH, đến nay mới chỉ có một số nghị định, quyết định, thông tư liên tịch… song giá trị pháp lý còn thấp, gây khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về CTXH vào các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng như tổ chức triển khai trên thực tế.

Từ tháng 3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã bảy năm, các mục tiêu mà cơ quan chức năng thực hiện vẫn chưa được như mong muốn, nhiều vướng mắc trong thực thi vẫn chưa được giải quyết.

Luật cần, nhưng phải thận trọng

Thừa nhận những thiếu khuyết, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB và XH) dẫn giải, so với các nước phát triển trên thế giới, và ngay cả với nhiều nước trong khu vực, thì các quy định liên quan đến CTXH ở Việt Nam còn một khoảng cách lớn và có sự thiếu hụt, cụ thể như thiếu quy định pháp lý về phê duyệt, giám sát, cấp phép đào tạo CTXH theo chuẩn nghề nghiệp, hay quy định pháp luật về thi sát hạch chuyên môn và cấp giấy phép hành nghề trong một số lĩnh vực chuyên biệt.

Theo nhiều chuyên gia, nếu tiếp tục duy trì ở mức độ văn bản dưới luật các quy định về CTXH sẽ không bảo đảm được mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội; không phát huy tiềm năng của cá nhân, gia đình, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn tự giải quyết vấn đề của mình và tự vươn lên trong cuộc sống. Bởi vậy Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành một văn bản pháp luật phù hợp - ở tầm mức một bộ luật để điều chỉnh, đồng thời tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực mới và quan trọng này. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, làm sao để xây dựng được bộ luật hoàn chỉnh, lan tỏa đến đông đảo đối tượng và thực hiện tốt bốn chức năng: phòng ngừa, chữa trị, phục hồi và phát triển của CTXH là điều cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Với số người có nhu cầu cao, làm sao tăng tính phòng ngừa và phát triển, tránh trường hợp những đối tượng thụ hưởng ỷ lại, trông chờ?

Lãnh đạo Bộ LĐ,TB và XH cho biết đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Luật Công tác xã hội, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019 hoặc năm 2020. Việc cần làm lúc này là, hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển nghề CTXH, trong đó nghiên cứu hoàn thiện chính sách, cơ chế xã hội hóa; tạo lập môi trường pháp lý huy động cơ sở ngoài công lập trong hoạt động trợ giúp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH, tập trung phát triển các dịch vụ đối với trẻ em, người khuyết tật, người già, cá nhân, cộng đồng có vấn đề xã hội.

“Bằng việc đưa vai trò, chức năng và hoạt động của nhân viên CTXH vào trong luật, chúng ta có thể tăng cường năng lực của những người làm CTXH trong việc hỗ trợ, cung cấp dịch vụ cho những người yếu thế”, ông J. Moller, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhận định.