An toàn thực phẩm trong trường học

Khép kín kiểm soát chất lượng

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn trong trường học đã khiến các bậc phụ huynh hoang mang, dư luận xã hội đặt câu hỏi tại sao và cần phải làm gì để ngăn những sự cố tương tự. Ðể trả lời cần đến sự hội tụ ba yếu tố - Trách nhiệm của nhà trường, lương tâm của nhà cung cấp thực phẩm và vai trò giám sát của các bậc phụ huynh.

Kiểm tra việc giao nhận thực phẩm tại một trường mầm non ở Hà Nội.
Kiểm tra việc giao nhận thực phẩm tại một trường mầm non ở Hà Nội.

Tăng cường kiểm soát

Ðúng quy trình là câu trả lời của nhiều nhà trường khi kiểm tra các bếp ăn cho học sinh. Khi kiểm tra việc chấp hành nghiêm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), những trường này đều có đầy đủ hồ sơ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nhiều trường học tuân thủ bếp ăn một chiều và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Thậm chí, hiệu trưởng ở những trường có bếp ăn đã ký cam kết và nhận trách nhiệm nếu để xảy ra việc không bảo đảm ATTP hoặc có trường hợp học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Nhưng trên thực tế, số vụ việc vi phạm ATTP vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ðơn cử như tại Hà Nội, một trong hai địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú lên đến 1.600 trường, chưa kể các bếp ăn ở những nhóm trẻ tự phát. Tuy nhiên, theo Chi cục ATTP Hà Nội, qua công tác kiểm tra, vẫn còn tình trạng một số trường chưa thực hiện đúng quy định chế độ kiểm tra ba bước (trước khi chế biến, trong khi chế biến, trước khi ăn) và lưu mẫu thức ăn. Ngoài ra, một số bếp ăn bán trú chưa có biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) Hà Nội nhìn nhận, một trong những lý do khiến những vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra là do chế tài và xử phạt các vi phạm ATTP chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều người vì lợi nhuận mà không nghĩ đến lương tâm, trách nhiệm trong việc cung ứng thực phẩm, nước uống. Ðể chấn chỉnh công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong nhà trường, Tiến sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ÐT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm ATTP.

Khi phụ huynh nhập cuộc

Trước những vụ việc mất ATTP mới đây, Bộ GD&ÐT đã đề nghị các địa phương huy động sự tham gia của ban phụ huynh các trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học và ATTP. Ở nhiều nơi, ban phụ huynh đã làm khá tốt việc đồng hành cùng nhà trường kiểm soát chất lượng, vệ sinh ATTP.

Tại tỉnh Quảng Ninh, một trong những địa phương đã từng xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm trong nhà trường, chính việc các cơ quan chức năng và phụ huynh vào cuộc rất quyết liệt đã cho thấy những kinh nghiệm tốt. Cụ thể, tháng 4-2019, tại huyện Tiên Yên, phụ huynh ở các trường mầm non trên địa bàn đã đồng loạt phản ứng không đồng tình trước việc Phòng GD&ÐT huyện ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm cho các trường học lại đến từ TP Cẩm Phả. Phía đại diện phụ huynh lập luận, tại sao rau xanh, thịt cá tươi sống ở Tiên Yên đều có sẵn, giá lại rẻ hơn mà Phòng GD&ÐT lại phải đi ký hợp đồng lấy từ nhà cung cấp tận Cẩm Phả? Việc vận chuyển như vậy có bảo đảm ATTP cho các bếp ăn không? Trước sự lên tiếng mạnh mẽ và có cơ sở của phụ huynh, UBND huyện Tiên Yên phải quyết định thành lập một Hợp tác xã chuyên cung cấp thực phẩm an toàn cho các trường học.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, không phải ở đâu ban phụ huynh cũng có thể làm quyết liệt được như vậy. Chỉ khi có sự đồng hành và trách nhiệm từ cơ quan quản lý, từ nhà trường, thì chu trình kiểm soát vệ sinh ATTP mới có thể được khép kín từ nguồn đầu vào lương thực, thực phẩm cho đến khi thành phẩm là suất ăn cho học sinh. Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, việc quản lý bếp ăn trường học mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh, nhân lực, quy trình lưu mẫu thực phẩm... mà chưa chú trọng đúng mức đối với nguồn gốc thực phẩm. Bởi thế, vẫn cần trách nhiệm cao hơn từ phía các cơ quan chức năng, ban giám hiệu các nhà trường.

Về vấn đề này, Nhà giáo Ưu tú Ðặng Lộc Thọ, thành viên Hội đồng Quốc gia phát triển nguồn nhân lực (Bộ GD&ÐT), cũng chia sẻ cái nhìn đồng thuận về việc mời thêm phụ huynh giám sát nguồn cung cấp thực phẩm là rất hiệu quả.

Trước yêu cầu thực tế đặt ra, ngày 23-11 vừa qua, Bộ GD&ÐT đã có Công văn số 5029/BGDÐT-GDTC do Thứ trưởng Ngô Thị Minh ký, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, đề nghị chỉ đạo các sở GD&ÐT phối hợp Sở Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học, ATTP. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành Giáo dục, ngành Y tế, huy động sự tham gia của ban phụ huynh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh.