Hiểm họa ma túy

Kỳ 2 - Cuộc chiến sống còn

Bao giờ cũng thế và ở đâu cũng vậy, từ miền núi xuống miền xuôi, từ nông thôn ra thành thị, cuộc chiến với các loại tội phạm liên quan ma túy luôn phức tạp, cam go, gian khó. Chỉ khi đến với các chiến sĩ an ninh, biên phòng mới phần nào hiểu được cuộc đấu trí với tội phạm ma túy gian truân và hiểm nguy như thế nào. Có những bài học rút ra từ sự hy sinh xương máu của đồng đội.

Ðối tượng Hạng A Kỷ cùng tang vật là 20 bánh hê-rô-in cùng 400 viên ma túy tổng hợp tại cơ quan điều tra (Công an tỉnh Yên Bái).
Ðối tượng Hạng A Kỷ cùng tang vật là 20 bánh hê-rô-in cùng 400 viên ma túy tổng hợp tại cơ quan điều tra (Công an tỉnh Yên Bái).

Trinh sát kể chuyện

Ði thực địa ở các tuyến vùng cao, nghe các trinh sát kể chuyện đánh án, chúng tôi hiểu nỗi gian nan của những người đang góp phần vì bình yên cuộc sống. Như khi gặp Ðại úy Mai Tiến Phúc, Phó Ðội trưởng, Phòng CSÐTTP về ma túy (PC04), Công an tỉnh Lào Cai, lúc anh vừa cùng đồng đội di lý đối tượng Phạm Thị Yến, trú tại tỉnh Ðiện Biên bị truy nã về tội mua bán trái phép chất ma túy về Lào Cai. Sau hàng tháng trời bám theo đối tượng truy nã luôn lẩn trốn, tinh vi, với chiều dài hơn 3.000 km, Phúc bộc bạch: “Ðã đánh án ma túy thì chẳng có chuyên án nào dễ dàng. Yến là đối tượng bị truy nã từ năm 1996 vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Giờ bắt được đối tượng, chúng tôi phần nào thở phào, xã hội bớt đi một đối tượng nguy hiểm”.

Nước da sạm vì nắng gió, nở nụ cười tươi, Ðại úy Mai Tiến Phúc cho biết, trong nhiều chuyên án anh tham gia và thành công thì việc tìm lại manh mối, bắt đối tượng Yến cũng được lãnh đạo Công an Lào Cai quan tâm và giao trọng trách. Có những lúc manh mối về đối tượng tưởng đi vào ngõ cụt, hình ảnh đối tượng truy nã đã mờ nhạt. Nhưng rồi, với những cố gắng, các anh đã bóc gỡ những lớp “vỏ ngụy trang” của đối tượng khi ả lẩn trốn tại xã Suối Nghệ, huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Yến phải cúi đầu quy án.

Là chiến sĩ trinh sát, năm 2017, Phúc tham gia bốn chuyên án, bắt 60 đối tượng. Trong đó chuyên án tốn nhiều công sức nhất có bí số 127K, bóc gỡ đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào về Ðiện Biên, Sơn La và Lào Cai để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Lào Cai có cửa khẩu, nhiều lối mở dân sinh qua biên giới và hoạt động mua bán ma túy nhiều năm qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Năm 2018, anh tham gia nhiều vụ, điển hình là chuyên án 316S dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ðại tá Ðinh Tiến Quân, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai. Ðại úy Mai Tiến Phúc, thổ lộ: “Chúng tôi phải theo dõi, điều tra, nắm được tâm lý, quy luật hoạt động của đối tượng. Từ đó sẽ báo cáo lãnh đạo Ban chuyên án để lập tổ trinh sát, theo dõi di biến động của đối tượng. Kể từ khi phát hiện đối tượng, sau hơn hai tuần nằm bờ, ngủ bụi, đầu tháng 5-2018, khi các đối tượng di chuyển bằng ô-tô về huyện Mường Khương, các mũi đồng loạt tiến công. Chúng tôi đã bắt giữ Nguyễn Văn Ðài và Nguyễn Văn Lý, thu giữ trong xe 329 bánh hê-rô-in”.

Ở một địa bàn khác là Yên Bái, loại tội phạm này cũng hết sức manh động. Ðầu tháng 4-2019, khi đang tham gia một chuyên án, Thượng tá Phạm Song Tùng, Phó Trưởng phòng PC04, Công an tỉnh Yên Bái đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện ngắn ngủi. Thượng tá Tùng nhớ những ngày bám bản giữa mùa đông lạnh buốt năm 2018, leo dốc vào một khe núi vắng lặng theo “mối hàng”, bằng các nghiệp vụ, đã tóm gọn bọn buôn bán ma túy, cắt đứt một “vòi bạch tuộc” trên tuyến Tây Bắc. Rồi chuyện bản thân và đồng đội bị đối tượng nhiễm HIV tiến công, phải điều trị chống phơi nhiễm, khiến cả gia đình suy sụp về tinh thần. Rất may, sau khi kiểm tra lại tất cả đều âm tính với HIV. Thượng tá Tùng bộc bạch: “Kẻ buôn bán, vận chuyển ma túy dùng đủ mánh khóe như: Cất giấu ma túy trong cơ thể hoặc để trong yên xe, thớt gỗ, bình xăng hai đáy… thay đổi sim điện thoại, dùng tiếng lóng, tiếng dân tộc giao dịch; nơi nào nghi có mật phục thì mang hàng xuyên rừng đi bộ, luôn chuyển đổi phương tiện di chuyển; các đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy thường khép kín, có quan hệ dòng họ, gia đình mật thiết nên rất khó khăn trong tiếp cận trinh sát; chống trả quyết liệt mỗi khi bị phát hiện, bắt giữ. Hơn nữa, địa hình vùng núi Yên Bái hiểm trở, việc chọn thời điểm phá án phải rất sâu sát, tỉ mỉ và bảo đảm tuyệt đối an toàn”.

Có tìm hiểu chuyên án 318 bắt giữ hai đối tượng người Mông, thu giữ 20 bánh hê-rô-in và 400 viên ma túy tổng hợp tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, mới thấy việc chuẩn bị kỹ và hợp đồng tác chiến đã tạo nên thắng lợi. Ðối tượng Giàng A Ðua, sinh năm 1979, và Mùa Thị Sao, sinh năm 1989 cùng trú tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu, Hòa Bình (điểm nóng về ma túy vùng Tây Bắc) đều rất tinh vi. Ðua sử dụng xe máy vận chuyển ma túy, còn Sao thì đi xe ô-tô đến thuê một nhà nghỉ tại thị trấn nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn “ém” sẵn chờ “hàng” đến giao dịch. Thượng tá Tùng cùng sáu trinh sát chọn địa điểm cách nhà nghỉ của Sao đến 40 km để phá án. Ðây là tuyến đường núi độc đạo, một bên vách núi cao, một bên vực sâu, ít người qua lại. Khi Ðua xuất hiện, các trinh sát ép xe máy dừng lại thì tên Ðua bật ngã lăn ngang sang ven đường tìm cách chạy thoát. Ba trinh sát áp sát lại không giữ nổi vì tên Ðua to khỏe, lại hung hãn chống trả, Thượng tá Tùng lao tới đá quét khiến Ðua ngã sát mép vực, tất cả sáu người khống chế Ðua. Tang vật thu được là hai bọc ni-lông, mỗi bọc có 10 bánh hê-rô-in, 400 viên ma túy tổng hợp. Tại trại tạm giam, cả Ðua và Sao không hiểu được vì sao đã chuẩn bị kỹ đường vận chuyển thế mà vẫn bị bắt!

Những “điểm nóng” tội phạm ma túy

Ma túy hoành hành ở vùng biên cương, vùng núi cao, “bò” về vùng đồng bằng, nông thôn, trong đó có cả Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh… và tạo thành những “điểm nóng” về tội phạm ma túy ngay tại vùng đồng bằng, đô thị. Nhìn vào những con số thống kê mà thấy rợn người: Toàn tỉnh Bắc Ninh 97 điểm nóng về ma túy, có 1.100 người nghiện ma túy; toàn tỉnh Lào Cai có 3.316 người nghiện; Hưng Yên có hơn 1.600 người nghiện… Một trong những nguyên nhân do ma túy chưa được kiểm soát.

Hậu quả của những hành vi “gieo cái chết trắng” là khiến trên toàn quốc có 222.582 người nghiện có hồ sơ quản lý, chưa kể hàng vạn người chưa được quản lý. Qua làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi nắm được là thời gian qua có hàng chục vụ án mạng do người nghiện có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”, gây ra những trọng án thương tâm, khiến chính những người thân của kẻ nghiện bị tước đoạt mạng sống oan uổng. Như trường hợp của Mong Văn Hòa trú xã Tiền Phong (Quế Phong, Nghệ An), vào ngày 25-2-2019, do “phê thuốc” nên đã giết chết vợ mình và chị hàng xóm. Hay như Nguyễn Hoàng Nam (trú tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), vào ngày 12-3 trong cơn vật vã đã sát hại bốn người thân và bị tóm khi đang trên đường tìm giết chị ruột.

Nhiều vụ việc diễn ra ở Long An, Nghệ An hay tại TP Hồ Chí Minh… cũng khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng phòng PC04, Công an TP Hà Nội, lo lắng: “Mối nguy khi ma túy được bán lén lút, tràn ra cộng đồng thật nguy hiểm và luôn khó lường. Nhưng lực lượng đấu tranh còn thiếu, công tác phối hợp trong quản lý về các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm còn nhiều sơ hở, khiến cho ma túy vẫn được mua bán và sử dụng…”.

Thượng tá Phạm Quỳnh và Trung tá Nguyễn Văn Thắng - Giám thị Trại giam Ðồng Sơn (Cục C10, Bộ Công an), đồng kiến nghị: “Ðể giảm bớt nỗi đau cho cộng đồng, phải đánh mạnh vào các đối tượng cầm đầu các đường dây mua bán lớn, chặt đứt các mối nhỏ”.

Nhắc lại muôn vàn khó khăn khi triệt phá chuyên án 218LP, may mắn không có thiệt hại về người, Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 (Bộ Công an) cho biết: Khó khăn, trở ngại nhất của chuyên án này là đường dây tội phạm do người nước ngoài cầm đầu, điều hành và chúng sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, địa bàn hoạt động của các đối tượng rất rộng và xa, từ địa điểm giám sát theo dõi đến địa điểm bắt giữ dài 700km, chưa kể đường rừng núi hiểm trở và nghi phạm nhiều lần kiểm tra địa hình để đánh lừa các trinh sát. Chúng tổ chức hoạt động khép kín và chỉ liên lạc với nhau bằng tín hiệu trong quá trình giao nhận hàng, khiến các trinh sát phải mất nhiều công sức tìm hiểu, giải mã. Chưa kể, trong quá trình đeo bám hoạt động đường dây này, các trinh sát đã gặp không ít khó khăn. Các đối tượng là người nước ngoài nên gặp phải “rào cản” về mặt ngôn ngữ. Bởi thế, công việc của người điều tra là vô cùng thầm lặng, khó nhọc nhưng quả cảm.

(Còn nữa)

Theo Cục C04, năm 2018, toàn lực lượng đã phát hiện 24.552 vụ, bắt giữ 37.842 đối tượng liên quan tội phạm ma túy, thu giữ 1.584 kg hê-rô-in, 136 kg cocain, 196 kg thuốc phiện, 254 kg cần sa khô, 4 kg “cỏ Mỹ”; 6,23 kg ketamine, 2,5 tấn lá khát, 1,8 tấn và 1,4 triệu viên ma túy tổng hợp. Lực lượng CSÐTTP về ma túy trong cả nước đã thụ lý điều tra 20.211 vụ với 24.918 bị can. So năm 2017 thì năm 2018 tăng 10,53 số vụ, 10,59 đối tượng, số hê-rô-in thu giữ tăng 102%, ma túy tổng hợp tăng 125% .