Nghị định 155 đi vào cuộc sống

Gốc vẫn là ý thức người dân

Sau gần hai tháng triển khai thực hiện Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1-2-2017, việc áp dụng các hình thức xử phạt còn gặp nhiều khó khăn. Giải pháp thúc đẩy thực thi nằm ở việc, cần có cơ chế nâng cao ý thức chấp hành của người dân thay vì chỉ cưỡng ép.

Nạn “xả thải” bừa bãi ở góc đường Yên Phụ, khiến lực lượng chức năng phường Nguyễn Trung Trực phải ra quân làm sạch đường phố.
Nạn “xả thải” bừa bãi ở góc đường Yên Phụ, khiến lực lượng chức năng phường Nguyễn Trung Trực phải ra quân làm sạch đường phố.

Khi hành vi bẩn khó chấp nhận

Anh Nguyễn Trung Phương, 24 tuổi, quê ở Lạng Giang, Bắc Giang làm nghề lao động tự do tại khu vực chợ Long Biên (Hà Nội) ra vẻ ngượng ngùng khi nhắc lại hành vi vệ sinh cá nhân nơi hè phố bị lực lượng chức năng phường Phúc Xá (quận Ba Đình) tuần tra bắt gặp, ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng. Thời điểm ấy, Phương không có nổi 100 nghìn đồng. Song là người có đăng ký tạm trú trên địa bàn phường nên anh được bảo lưu “ghi nợ”. Phương chia sẻ, cùng với số tiền phạt “rất đau” đó, anh có cảm nhận đây là bài học lớn về ứng xử văn hóa nơi công cộng.

Trước nay, chuyện vệ sinh cá nhân là hết sức riêng tư, kín đáo, thế nhưng vẫn còn những người phải “hành sự” giữa chốn đông người, như trường hợp Trung Phương nói trên. Điều đáng nói, từ cổng chợ Long Biên đến khu chờ xe buýt - nơi có nhiều nhà vệ sinh công cộng, nằm trên đường Yên Phụ chỉ cách vài trăm mét, nhưng vẫn có trường hợp vô tư thể hiện hành vi xấu, “xả thải” bừa bãi. Một kiểu xả khác, tưởng như không đáng kể nhưng lại rất phản cảm, đó là tình trạng người dân mua hoa quả nếm thử rồi vứt vỏ ra khu vực này. Ông Nguyễn Dương Hải - Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết, thời gian qua, các tổ xử lý môi trường của phường đã lập biên bản xử phạt hành chính 29 trường hợp vi phạm theo Nghị định 155, đa số là xả rác ra hè phố, vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định. Phần lớn người vi phạm là tài xế ta-xi, lao động tự do, làm nghề xe ôm, bán hàng rong. Bởi vậy, nhiều trường hợp không có đủ số tiền từ một đến ba triệu đồng để đóng phạt, trong khi lực lượng chức năng cũng không thể cưỡng chế phương tiện của họ vì không đúng thẩm quyền.

Một khó khăn nữa, theo ông Hải là cán bộ chuyên trách môi trường hiện nay của phường Phúc Xá quá mỏng. Phường có 2,3 vạn dân, còn có hơn 2.000 người ngoại tỉnh về làm ăn sinh sống, song cán bộ chuyên trách môi trường chỉ có một người, cảnh sát khu vực mỗi tổ dân cư khoảng 4 - 5 người, trong khi địa bàn phường trải rộng, khó bao quát.

Tương tự, như chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực, phường này cũng gặp khó khăn trong xử lý, và bất cập lớn hiện nay là ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn kém. Phường có 2.500 hộ nhập cư và bán hàng rong. Thời gian qua, lực lượng chức năng của phường dù đã vào cuộc quyết liệt, nhưng vẫn có những hộ dân xả rác ra hè phố, vô tư để rác ở những góc cây kiểu “cha chung không ai khóc”.

Xả rác, vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định không là câu chuyện riêng của phường nào. Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, tổng lượng rác thải phát sinh trong khu vực nội thành khoảng 400 tấn/ngày. Ngoài những điểm thu gom rác, thực tế ở những khu vực thưa dân cư, các trục đường phố chính, nơi đông người qua lại đều xuất hiện những túi rác nằm cạnh góc cây hay chỏng trơ giữa đường, gây ảnh hưởng môi trường và mỹ quan đô thị.

Cần thực hiện đồng bộ chính sách về hạ tầng

Nghị định 155/2016 đã triển khai từ ngày 1-2-2017 ở nhiều thành phố lớn của cả nước, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Theo Nghị định này, các hành vi xả thải nơi công cộng sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, hành vi vứt mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng; hành vi vứt rác, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng… Những trường hợp vi phạm nếu tái phạm thì ngoài xử phạt ở mức nặng hơn sẽ phải chịu thêm hình thức cưỡng chế lao động công ích. Với mức phạt nặng trên nhằm đánh vào túi tiền của người vi phạm, làm thay đổi thói quen xấu của một bộ phận người dân hành vi xả thải nơi công cộng.

Theo TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Luật Bảo vệ môi trường 2005 và văn bản dưới luật đã có quy định xử phạt những hành vi vi phạm môi trường, nhưng do làm chưa nghiêm, việc cưỡng chế tuân thủ kém dẫn đến thực trạng có một bộ phận người dân vẫn xả rác ra đường phố, nhất là vệ sinh cá nhân ở ngay nơi công cộng, đây được coi là hành vi xấu, thô tục. Bởi vậy, theo ông Thắng, hạn chế vấn đề trên điều quan trọng đầu tiên, các thành phố lớn cần phải trang bị cơ sở hạ tầng bảo đảm cho người dân thực hiện việc bảo vệ môi trường. Đó là các tuyến phố cần phải trang bị các thùng rác, các nhà vệ sinh công cộng.

Cùng với việc các cấp chức năng triển khai quyết liệt, nghiêm túc, nghiêm khắc trong thực thi pháp luật và đồng đều ở tất cả các địa phương, dần dần, khi một ai đó vô tình hay cố ý vứt rác hay vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định sẽ thấy mình trở nên bị lạc lõng trong cộng đồng, để hòa mình sống theo nếp sống văn minh.