Gỡ khó trong cấp sổ đỏ

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị 09/CT-TU về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu, tính đến tháng 7-2017, Hà Nội phải cơ bản hoàn thành đăng ký và cấp GCNQSDĐ. Đối chiếu với khối lượng công việc và những tồn tại hiện có, hoàn thành mục tiêu đặt ra là vô cùng khó khăn.

Nằm ngay phía sau SVĐ quốc gia Mỹ Đình, 20 năm qua, khu Tân Mỹ vẫn “trắng” sổ đỏ, cuộc sống của cư dân gặp nhiều khó khăn.
Nằm ngay phía sau SVĐ quốc gia Mỹ Đình, 20 năm qua, khu Tân Mỹ vẫn “trắng” sổ đỏ, cuộc sống của cư dân gặp nhiều khó khăn.

Ngổn ngang vướng mắc

Mệt mỏi, căng thẳng vì nhiều năm đôn đáo xin cấp sổ đỏ không được, ông Dương Văn Minh dường như muốn buông xuôi. Số là, gia đình ông và 85 hộ dân khác được Xí nghiệp Cơ khí Giao thông (nay là Công ty Cơ khí Giao thông Thăng Long) làm nhà, phân phối tại tổ 4, khu dân cư số 1, phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai) từ năm 1970. Năm 1995, Xí nghiệp Cơ khí Giao thông đã bán hóa giá cho các công nhân. “Từ đó đến nay do chưa được cấp GCNQSDĐ - sổ đỏ nên chúng tôi luôn gặp rắc rối trong xây dựng, cải tạo và sang nhượng. Ngay cả việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng không được làm”, ông Minh chia sẻ.

Vì sao có sự chậm trễ này, theo Ủy ban Kiểm tra quận Hoàng Mai, lãnh đạo Công ty Cơ khí Giao thông Thăng Long đã không thực hiện đúng các quy định trong công tác cấp sổ đỏ. Hơn thế theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, những hộ được cơ quan, xí nghiệp giao đất chưa có sổ, thì nay phải nộp 40% trên tổng số tiền thửa đất theo khung giá Nhà nước. “Giờ nếu phải nộp hàng trăm triệu đồng, chúng tôi lấy tiền đâu?”, ông Minh lo lắng.

Thiếu tấm sổ đỏ, nhiều hộ dân còn lâm cảnh chịu thiệt thòi khi đất ở liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án đầu tư. Thí dụ như 17 hộ dân thuộc tổ 15 phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Chiểu theo hướng dẫn của Điều 11 Nghị định 41/2004, do người dân chưa nộp đủ tiền nghĩa vụ thuế nên không được bồi thường 100% giá trị về đất ở, và tài sản gắn liền với đất. Bởi vậy, khi đưa ra phương án bồi thường, đã thực hiện theo Nghị quyết 08-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, mỗi hộ được hỗ trợ 60% giá bồi thường, chưa có đất ở thì được hỗ trợ 30m2 đất. Nhiều hộ thốt lên: “Vô lý quá. Có hộ 400m2 mà bảo chỉ đền bù 30m2 thì làm sao nghe được”. Không đồng ý với phương án này, người dân đã làm đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng cầu cứu. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nam Từ Liêm cho biết: “Trên địa bàn quận có tới 25 tổ chức đã giao nhà đất như vậy. Đây là vấn đề phức tạp mà chúng tôi đang kiến nghị lên thành phố, chờ ý kiến giải quyết”.

Thật khó tin, ngay giữa Hà Nội, suốt 20 năm qua cả một khu dân cư với 700 hộ dân ở khu Tân Mỹ, xã Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) vẫn “trắng” sổ đỏ. Nguồn cơn của vấn đề là từ năm 1999 khu vực thuộc diện thu hồi phục vụ cho Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Do quá nhiều vướng mắc dẫn đến không thể GPMB. Ông Lê Văn Lễ, cụm 3 khu Tân Mỹ, cho hay, vì cả khu chưa được cấp sổ đỏ nên đến nay người dân không được chia tách, chuyển nhượng. Sau rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo các cấp đã làm việc, xin điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án trả lời người dân.

Vướng mắc kéo dài, trong quá trình người dân tiếp tục sinh sống đã nảy sinh vướng mắc khác bức xúc hơn là nhiều hộ dân cố tình xây dựng không phép, khiến chính quyền địa phương tiếp tục phải tìm cách xử lý. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Phòng TN-MT Nam Từ Liêm cho biết, đây là dự án trọng điểm của quốc gia, UBND quận đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên chờ giải quyết và đến nay chưa thống nhất được phương án đền bù, nên dự án vẫn còn treo đó.

Không ngại khó, nhưng…

Có mặt tại chi nhánh Phòng đăng ký đất đai huyện Thanh Trì, không khí làm việc khá căng thẳng, gấp gáp do phải liên thông với cấp xã, phường thực hiện mục tiêu chung thành phố đề ra. Cùng lúc cán bộ, nhân viên phải làm nhiều việc: cấp đổi, cấp lại sổ đỏ đất nông nghiệp sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa; đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ đất ở; kết hợp với Đài phát thanh huyện tăng cường phát tin tuyên truyền chủ trương của thành phố, đề nghị người dân phối hợp thực hiện… Từ đầu năm 2016 đến nay, chi nhánh Phòng đăng ký đất đai huyện Thanh Trì đã tiến hành cấp được 449 sổ đỏ, số tồn đọng là 7.659 thửa.

Ông Nguyễn Mạnh Hiến, Phó Trưởng phòng TN-MT Thanh Trì, cho biết, những cán bộ liên quan hiện không có ngày nghỉ và ngày nào cũng tối muộn mới về nhà. Việc cấp sổ đỏ vô cùng phức tạp, vì đất đai có nhiều dạng, nào lấn chiếm, giao trái thẩm quyền, chuyển đổi sai quy định từ đất nông nghiệp, tranh chấp, chia tách không phù hợp…

Áp lực cũng đổ dồn lên mỗi cán bộ của chi nhánh Phòng đăng ký đất đai, Phòng TN-MT quận Nam Từ Liêm. Từ đầu năm 2016, quận đã cấp được 500 sổ đỏ, dự kiến đến tháng 6-2017 thực hiện cấp nốt 1.300 sổ. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng TN-MT Nam Từ Liêm cho hay: “Với nỗ lực rà soát, đơn vị đã thống kê được toàn quận có 9.061 thửa đất và hướng tới mục tiêu tất cả phải được quản lý. Quận đã thực hiện nghiêm chỉ thị, nếu đảng ủy địa phương không hoàn thành nhiệm vụ thì những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nhiều người dân, tổ chức không hợp tác làm tăng áp lực cho chúng tôi. Có tổ chức trước đây giao đất cho dân trái thẩm quyền đã giải tán hoặc cổ phần hóa nên bây giờ rất khó quy trách nhiệm”.

Là người trực tiếp làm việc với người dân, ông Nguyễn Văn Quyền, cán bộ địa chính phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) tâm sự: Chúng tôi không ngại khó. Chỉ có điều cán bộ chuyên môn ở cơ sở thiếu quá, chúng tôi còn vướng phải phản ứng của người dân, khi họ phải đối diện với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế. Ông Quyền chỉ ra: “Những hộ được cơ quan, xí nghiệp giao đất chưa có sổ, thì nay phải nộp 40 đến 50% trên tổng số tiền thửa đất theo khung giá Nhà nước. Khoản tiền lớn như vậy thì thật khó cho người dân”.

Để mục tiêu khả thi

Nỗ lực thực hiện Chỉ thị 09/CT-TU của Thành ủy Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đều chọn hướng giải pháp lập các Tổ công tác giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ. Hằng tháng đều họp để nghe các phường, xã phản ánh, cập nhật những khó khăn để bàn cách tháo gỡ. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo lên cấp trên xin ý kiến. Với niềm mong mỏi sự hợp tác của người dân, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện tiêu chí “Mời người dân đi làm sổ đỏ, chứ không để người dân đi xin”. Một số đơn vị cũng được đồng ý thực hiện cơ chế nhận nhân viên theo diện ký hợp đồng thời vụ, bổ sung phương tiện, kinh phí cho cấp phường, xã.

Trước câu hỏi với mục tiêu đến tháng 7-2017 cơ bản hoàn thành việc cấp sổ đỏ có khả thi? Ông Hiến cho hay: “Anh em chúng tôi động viên nhau cố gắng. Không còn đường lùi nữa. Chúng tôi cắt cử người xuống các xã, làm việc với cán bộ chuyên môn. Tất cả ưu tiên số một để thực hiện mục tiêu chung”.

Song nếu chỉ có quyết tâm, cùng với sự ủng hộ của một bộ phận người dân, trong khi đó người dân vẫn bị “đụng chạm” về quyền lợi, hoặc thiệt thòi thì hoàn thành mục tiêu là khó khả thi. Ông Nguyễn Trọng Sơn, Trưởng ban Bồi thường, GPMB Nam Từ Liêm, và ông Nguyễn Mạnh Hiến, Phó Trưởng phòng TN-MT Thanh Trì nêu giải pháp: “Nên điều chỉnh Quyết định số 35 của UBND thành phố Hà Nội và Nghị định 41 quy định về mức hỗ trợ bồi thường GPMB cho các hộ dân trước đây được giao đất trái thẩm quyền”.

Một kiến nghị khác để triển khai công việc được thuận tiện, ông Phùng Mạnh Dũng, Phó Trưởng phòng Đăng ký đất đai (Sở TN-MT Hà Nội) cho rằng, thành phố nên tập hợp ý kiến của các đơn vị, rồi có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc xác định nghĩa vụ tài chính. Qua làm việc, chúng tôi được nhiều hộ dân cho rằng họ đã chấp hành nộp tiền thuế đất nhưng không giữ được phiếu thu. Hay nhiều hộ sống trên thửa đất cha ông để lại từ trước năm 1993, thậm chí 50 năm qua nhưng cũng không có các giấy tờ theo quy định. Thành phố cần xây dựng lại các quy định cởi mở hơn, sát với thực tế.

Xét đến cùng, công tác cấp sổ đỏ nếu được hoàn thành là cơ sở tốt để quản lý nghĩa vụ thuế và đất đai, trật tự xây dựng. Vậy nên, việc có hoàn thành mục tiêu đặt ra hay không tùy thuộc rất lớn vào những điều chỉnh chính sách cần thiết để tháo gỡ những khó khăn tồn tại bấy lâu, làm khó cả cho người dân lẫn người thực thi công vụ.

Hiện Hà Nội còn khoảng 146 nghìn thửa đất tồn đọng vướng mắc, chưa thể cấp được GCNQSDĐ do không có giấy tờ, chưa phù hợp với quy hoạch hoặc liên quan đến những vi phạm về đất đai. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi các cấp quản lý phải có cách làm mới, linh hoạt hơn. Bắt đầu từ tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế chính sách.