Ðể người thầy không đơn độc

Bắt đầu từ tháng 12 này và sang năm 2020, đội ngũ giáo viên (GV) cả nước sẽ được hưởng một số chính sách, ưu đãi mới của Nhà nước. Tuy thế, trước những đòi hỏi cấp bách từ công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện” của ngành giáo dục, trước đòi hỏi của thực tiễn xã hội, các nhà giáo đang gặp phải vô vàn những áp lực, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Giảm áp lực, tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo, tập trung nhiệm vụ chuyên môn đang là đòi hỏi bức thiết.
Giảm áp lực, tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo, tập trung nhiệm vụ chuyên môn đang là đòi hỏi bức thiết.

Tin vui đầu tiên phải kể đến là việc tăng mức lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 đối với cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời cũng áp dụng với các GV trên cả nước. Theo đó, GV sẽ được xếp lương theo bảng lương chức vụ hoặc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ dựa vào mức độ phức tạp của công việc. Ðáng chú ý là, nếu như trước đây, GV trung học phổ thông, GV trung học cơ sở và GV tiểu học có Chương trình bồi dưỡng riêng, thì kể từ thời điểm này, sẽ có một Chương trình bồi dưỡng chung cho GV ở cả ba cấp học. Cùng với đó, từ ngày 1-12-2019, các chế độ, chính sách đối với GV đang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được nâng cao, nhiều ưu đãi mới được thực hiện theo Nghị định 76/2019/NÐ-CP của Chính phủ (thay cho Nghị định 116/2010/NÐ-CP và một số điều khoản của Nghị định 61/2006/NÐ-CP trước đây).

Tuy thế, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) theo lộ trình khiến nhiều thầy giáo, cô giáo cảm thấy còn băn khoăn. Bởi, do đặc thù nghề nghiệp, để đáp ứng với độ tuổi nghỉ hưu hiện nay (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) cũng đang là một cố gắng lớn với không ít GV.

Chưa kể, trước đòi hỏi của xã hội hiện đại, bên cạnh áp lực đổi mới từ bên trong ngành giáo dục, các thầy giáo, cô giáo cũng đang phải chịu những áp lực không nhỏ từ bên ngoài xã hội, từ xu thế thời đại, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Cũng cần phải nhìn nhận rằng, văn bản quản lý thường chậm hơn thực tế, vì thế khi tham chiếu văn bản, các quy định phải có “độ trễ” nhất định nhằm kiểm chứng và điều chỉnh cho phù hợp từng địa phương, từng vùng miền. Ðể đổi mới đạt hiệu quả phải có sự cân bằng, hài hòa giữa quy định và thực tế, trong đó đặc biệt lưu ý những điều kiện đặc thù của nghề giáo, thậm chí là của mỗi nhà giáo.

Quan trọng hơn, trong quá trình dạy học, người thầy không thể “đơn độc” mà phải được hợp sức, bọc lót trong một tập thể đội ngũ, có sự chia sẻ, đồng cảm. Ðó không chỉ là tinh thần đồng đội trong các cơ sở giáo dục, mà còn là sự ủng hộ, trân trọng và đồng hành của xã hội.

Hơn lúc nào hết, nhà giáo hôm nay cần phải được tạo điều kiện, không chỉ về chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, mà còn cần nhiều hơn sự hỗ trợ trong công việc; làm sao để mỗi GV có nhiều hơn không gian, thời gian tập trung cho sáng tạo trong giảng dạy, quan tâm hơn đến học trò. Muốn thế, đã đến lúc, ngành giáo dục cần tìm cách tháo gỡ dần những “áp lực” không cần thiết, nằm ngoài chuyên môn cho GV. Bớt đi những thủ tục hành chính rườm rà, giảm tối đa các công việc mà GV phải kiêm nhiệm nằm ngoài nhiệm vụ giảng dạy; giảm bớt các cuộc thi dành cho GV mang nặng tính hình thức… nếu thực tế không nhờ đó mà nâng cao chất lượng dạy và học.

Và, cuối cùng, để tạo động lực, nguồn cảm hứng cho đông đảo đội ngũ GV, nhất là các nhà giáo trẻ gắn bó và cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục, đòi hỏi sự cảm thông sâu sắc từ ban giám hiệu, lãnh đạo ngành giáo dục cho đến các bậc phụ huynh, các học sinh và toàn xã hội.