Ðể hotline luôn “nóng”

Chỉ sáu tháng đầu năm 2020, Ðường dây nóng phòng, chống mua bán người 111 đã  tiếp nhận 1.290 cuộc gọi, tăng 526 cuộc so cùng kỳ năm 2019. Thế nhưng, trong đó có đến 1.120 cuộc gọi là để giải đáp băn khoăn về hoạt động của Ðường dây nóng. Cộng đồng vẫn còn chưa biết nhiều về chức năng hỗ trợ nạn nhân mua bán người của Tổng đài 111.

Vẫn chưa có nhiều người dân nhận biết được chức năng hỗ trợ nạn nhân buôn bán người của Tổng đài 111.
Vẫn chưa có nhiều người dân nhận biết được chức năng hỗ trợ nạn nhân buôn bán người của Tổng đài 111.

Nhu cầu không nhỏ

Ðường dây nóng 18001567 được đi vào hoạt động từ tháng 10-2013 do Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, vận hành với sự hỗ trợ hợp tác của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Sau bốn năm hoạt động, Ðường dây nóng tư vấn về phòng, chống mua bán người (PCMBN) được rút ngắn, dùng chung số 111, duy trì hoạt động 24 giờ và hoàn toàn miễn phí, nhằm thực hiện tư vấn, giải đáp tiếp nhận các thông tin về nạn nhân mua bán người và chuyển tuyến tới các cơ quan hữu quan để hỗ trợ, can thiệp. 

Ðối tượng gọi đến Tổng đài phần lớn là người dân (86,8%). Vấn đề được hỏi nhiều nhất liên quan đến xuất khẩu lao động. Tiếp đó là nhóm người thân, bạn bè của nạn nhân bị mua bán (7%). Phụ huynh gọi đến thông báo có con bỏ đi do bị người khác dụ dỗ (nhiều người cho rằng Tổng đài 111 chỉ hỗ trợ vấn đề liên quan đến trẻ em). Gọi khi người thân đi làm ở nơi khác sau đó gia đình không liên lạc được/không thấy liên lạc về.

Chỉ có 0,9% số người gọi tới Tổng đài là nạn nhân của mua bán người. Chị Nguyễn Thuận Hải, Trưởng Tổng đài cho biết, nạn nhân chủ động liên hệ về Tổng đài thường thuộc hai trường hợp: đối tượng có khả năng trở thành nạn nhân hoặc đã trở thành nạn nhân của mua bán người. Thông qua những cuộc gọi như vậy, Ðường dây nóng có thể ngăn chặn kịp thời những vụ việc mua bán người núp bóng những lời dụ dỗ về một công việc hứa hẹn.

Nhưng điều đáng tiếc là không phải ai cũng biết tới Ðường dây nóng để được kịp thời tư vấn như vậy. Có rất nhiều câu chuyện buồn như của chị T (1991), chỉ tìm đến Tổng đài khi bản thân đã rơi vào bế tắc. Chị là người dân tộc Thái, thường trú ở tỉnh Ðiện Biên. Cách đây bốn năm chị bị hàng xóm lừa bán sang Trung Quốc. Khi đó T bị ép quan hệ với nhiều người đàn ông khác và có một cô con gái, năm nay mới ba tuổi, nhưng lại chưa có giấy khai sinh. Rồi chị bị ép gả cho một người đàn ông Trung Quốc. Hắn ta hạn chế sự tự do của T, cho phép chị được về thăm gia đình một lần, nhưng giữ lại cô con gái để làm bảo đảm. Sau nhiều năm cực khổ, chị cùng một nạn nhân khác tên là C (cũng quê ở Ðiện Biên) quyết tâm bỏ trốn. Chị tìm đến trợ giúp, với khao khát được trở về nhà. Ngay khi nhận được cuộc gọi “cầu cứu” đó, Ðường dây nóng đã thực hiện chuyển tuyến tới lực lượng công an gần nhất nơi chị đang trốn, và giải cứu thành công cho T.

Chị T chỉ là một trong chín trường hợp kết hôn bất hợp pháp được Tổng đài tiếp nhận trong sáu tháng đầu năm nay. Ngoài ra còn có năm trường hợp bị khai thác tình dục; ba trường hợp bị bóc lột sức lao động; bốn trường hợp bị mất tích; ba trường hợp bị bắt cóc và năm trường hợp về các mục đích khác...

 Và đó cũng mới chỉ là phần nổi của “tảng băng”, còn rất nhiều nạn nhân của nạn mua bán người không tiếp cận được tới sự hỗ trợ của Tổng đài.

Nỗ lực nối dài “cánh tay”

Việc Tổng đài 18001567 được Chính phủ quyết định nâng cấp, trở thành Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em, phím tắt 111, là để rút ngắn dãy số giúp thuận tiện hơn cho người gọi. Bên cạnh đó, Tổng đài cũng tăng cường cơ chế chuyển tuyến các dịch vụ tại Việt Nam, tiến tới hợp tác xuyên biên giới hiệu quả trong hoạt động PCMBN. Chỉ sáu tháng đầu năm 2020, số lượng cuộc gọi chuyển tuyến là 27 trường hợp (với 39 nạn nhân). Trong đó, có 11 trường hợp chuyển tuyến sang các tổ chức phi chính phủ; bốn trường hợp chuyển tuyến sang Công an; 15 trường hợp chuyển tuyến đến cán bộ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ðể  nâng cao nhận thức trong cộng đồng về chức năng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân nạn mua bán người của Tổng đài 111, cùng với sự hỗ trợ từ JICA, đã có nhiều diễn đàn, tọa đàm được tổ chức để giải đáp thắc mắc về hoạt động và chức năng của Ðường dây nóng. Ðồng thời, Tổng đài phát hành nhiều ấn phẩm như lịch, quạt, biển hiệu trên khắp cả nước, nhằm tăng độ nhận diện.

Khu vực miền núi phía bắc chiếm đến 32,7% cuộc gọi đến Tổng đài (cao nhất trên cả nước). Ðây cũng là khu vực mà đối tượng mua bán người nhắm đến, do đó, để truyền thông hiệu quả tại khu vực này, Ðường dây nóng phải kết hợp, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thôn, bản - những người gần nhất với dân, từ đó mới có thể triển khai đến từng nhà.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục phối hợp với JICA, ký kết hợp tác pha 2, trong đó trọng điểm là duy trì hoạt động các trung tâm vùng của Ðường dây nóng. Cụ thể tại  khu vực phía bắc, Tổng đài đặt tại Hà Nội (sẽ tiếp nhận cuộc gọi từ 28 tỉnh phía bắc); khu vực miền trung và Tây Nguyên đặt tại Ðà Nẵng (tiếp nhận 14 tỉnh miền trung và Tây Nguyên) và khu vực phía nam đặt tại An Giang (tiếp nhận cuộc gọi từ 22 tỉnh Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long); hình thành mạng lưới kết nối các Ðường dây nóng trong khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.

Ðến đầu năm nay, Tổng đài đã hoàn thành lắp đặt trang thiết bị cho Ðường dây nóng tại An Giang, Ðà Nẵng và nâng cấp hệ thống, đào tạo sử dụng phần mềm mới của Ðường dây nóng cho các nhân viên tư vấn.

Những nỗ lực nối dài “cánh tay” của Tổng đài 111 sẽ giúp cho việc tiếp cận của người dân được dễ dàng, hiệu quả hơn. Khi ấy, những bi kịch của nạn mua bán người sẽ được hạn chế, cuộc sống bình yên sẽ hiện diện trong mỗi gia đình.