Đừng chỉ ở hô hào!

Bộ Y tế vừa phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu nâng chiều cao người Việt, đến năm 2025 sẽ tăng thêm hơn 2 cm so với 10 năm trước đó. Thời gian còn lại không dài, vậy nên, muốn hiện thực hóa mục tiêu trên sẽ phải tìm ra con đường để mỗi người dân đều có ý thức rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Đừng chỉ ở hô hào!

Lười vận động, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra cảnh báo sẽ có hơn 1,4 tỷ người trưởng thành trên thế giới đang đặt mình vào nguy cơ cao của nhiều bệnh lý nguy hiểm do thiếu các hoạt động thể chất.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều người dân do tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít vận động thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, như đau người, mỏi mắt... Bên cạnh đó, việc hút thuốc, uống rượu bia nhiều cũng làm gia tăng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm, như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư… Trong khi đó, thói quen và tâm lý người dân Việt Nam mới chỉ quan tâm đến sức khỏe khi có bệnh, tật, chưa chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe ngay trong cuộc sống hằng ngày. “Đến khi vào bệnh viện điều trị là giải quyết “sự đã rồi”, còn muốn phòng bệnh phải tích cực vận động rèn luyện cơ thể, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và loại bỏ các thói quen ăn uống thiếu lành mạnh”, Bộ trưởng cho hay.

Mặc dù người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao, nhưng trung bình có tới gần 10 năm phải sống với bệnh tật, chất lượng cuộc sống giảm sút rất nhiều. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, qua ba thập kỷ vừa qua, người Việt có cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ tăng thêm 1 cm. PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, có nhiều lý do khiến người trẻ Việt Nam thấp bé nhẹ cân, trong đó có nguyên nhân do lười vận động. Vậy nên, trong chương trình “Sức khỏe Việt Nam” lần đầu được thực hiện, Bộ Y tế luôn nhấn mạnh đến vai trò của tập luyện thể thao. Cùng việc tập thể dục, các thông điệp mà ngành y tế mong muốn hướng người dân thực hiện là giảm ăn muối, giảm tiêu thụ đường, ăn nhiều rau xanh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, ngưng hút thuốc lá, giảm bia rượu…

Cần lan tỏa lối sống lành mạnh

Mục tiêu của chương trình Sức khỏe Việt Nam là chiều cao nam nữ thanh niên người Việt năm 2025 sẽ tăng thêm hơn 2 cm so với 10 năm trước đó. Đến năm 2030, tiếp tục tăng thêm 1,5 cm và đạt 168,5 cm với nam thanh niên, 157,5 cm với nữ thanh niên. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm xuống còn 32,5% (giảm nhiều so với hơn 40% hiện nay).

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, từ nay đến năm 2025 không còn dài để thực hiện hàng loạt mục tiêu mà thông thường cần thời gian hàng thập kỷ. Nhưng quan trọng nhất nếu muốn thực hiện các mục tiêu này là thay đổi hành vi. Chia sẻ với phóng viên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Phạm Văn Tác cho biết, chương trình này nhấn mạnh sự thay đổi, mong muốn mọi người hiểu rằng, sức khỏe là của mình, phải chăm sóc từ khi còn khỏe.

Trên thực tế, có rất nhiều môn thể dục thể thao như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền hơi, đi bộ... đang được người dân tích cực hưởng ứng và tham gia đều đặn. Tại các điểm công cộng như vườn hoa, công viên ở các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vào các buổi sáng sớm hay chiều tối, có rất nhiều người mà trong đó đa phần là người cao tuổi, học sinh đến đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ, đạp xe, chơi bóng chuyền hơi, đá cầu, aerobic... Tuy nhiên, những hoạt động trên ở nhiều địa phương, phần lớn mới chỉ dừng lại ở phong trào, nhóm, hội kêu gọi, sự tự thân yêu thích thể thao để tự rèn luyện, tự tập với mỗi cá nhân đang còn ít.

Chính vì vậy, hướng đến mục tiêu sức khỏe cho mỗi người dân, để chương trình Sức khỏe Việt Nam đạt hiệu quả thiết thực, rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân và toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị và mọi tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư nguồn lực thích đáng, được huy động từ ngân sách nhà nước, từ viện trợ, từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cũng như sự tham gia, đóng góp của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội.

Song, trước hết đòi hỏi cần nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe, nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Như cách làm mà Bộ Y tế đang tiên phong, là phát động thực hiện phong trào thể dục giữa giờ tại công sở, bằng bài tập Rajio taiso có xuất xứ từ Nhật Bản, với các động tác vươn cao tay và hít thở rất đơn giản, giúp nâng cao sức khỏe, phòng tránh các bệnh không lây nhiễm. Mô hình này sẽ tiếp tục mở rộng đến các cơ sở y tế các tỉnh, thành, cũng như ngành y tế sẵn sàng hỗ trợ các chương trình tập thể dục tại công sở, lan tỏa lối sống lành mạnh, thể dục rèn luyện sức khỏe trong nhân dân.

Cùng đó, để thực hiện tốt chương trình bảo đảm dinh dưỡng tăng cường thể lực cho học sinh, sinh viên, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung vào các giải pháp cụ thể như: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý an toàn trong trường học, bên cạnh tổ chức hiệu quả giáo dục thể chất, duy trì thể dục buổi sáng, giữa giờ cho học sinh, sinh viên, đẩy mạnh triển khai hiệu quả dinh dưỡng định hướng đến năm 2025.

Và hơn hết, mỗi người dân hãy chủ động, tự nguyện và hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe của chính mình, chỉ có chính mình mới giữ được sức khỏe cho mình một cách tốt nhất. Rèn luyện thể dục thể thao phải đi vào thực chất, trở thành niềm yêu thích và đam mê của mỗi người.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2-9-2018, nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII. Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên gồm: dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân, sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe người lao động.