Đi, để... trở về

Trên đỉnh Thới Lới, hoàng hôn đổ tràn lên một bóng người bé nhỏ. Nếu không có gió xô nghiêng nghiêng, hẳn hình bóng của Cao Ngọc Cảnh, chàng trai 30 tuổi, cao 1,2m, vẫn bất động, như đá.

Cao Ngọc Cảnh muốn đóng góp để Lý Sơn trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ trên bản đồ du lịch của Việt Nam.
Cao Ngọc Cảnh muốn đóng góp để Lý Sơn trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ trên bản đồ du lịch của Việt Nam.

Thâm niên phượt thủ hơn bảy năm, chinh phục được “bốn cực một đỉnh”, Cảnh không ngán độ cao, không sợ gian khổ, không chán các cung đường… Nhưng lúc này, đứng trên mũi cao nhất của đảo Lý Sơn, cảnh chia sẻ về một chặng đường mới: Tìm kiếm cơ hội ngay chốn quê nhà.

Giữa ào ạt gió

Với những người sợ độ cao, đứng ở mỏm đá nhô ra trước biển là một trải nghiệm thót tim, nhất là khi nhìn hút xuống dưới, chỉ thấy sóng bạc xô bờ. Lần đầu tôi ý thức rõ về lợi thế không sợ độ cao của mình. Nhờ đó mà tôi có được trải nghiệm thú vị: Trò chuyện với một “phượt thủ” thật đặc biệt, giữa không gian phiêu phiêu gió. Cảnh bé nhỏ, Cảnh thường xuyên bị rơi vào những cảnh trớ trêu khi người khác nhầm lẫn với một đứa trẻ. Nhưng chỉ cần nhìn sâu vào gương mặt ấy, nghe Cảnh nói chuyện, người ta sẽ quên mất sự khác biệt về hình hài, chỉ để hút vào những “câu chuyện đường xa”.

Cảnh kể, làm con của đảo mà hình hài bé nhỏ là một bất lợi lớn. Không “ăn sóng nói gió”, không thể đi biển mưu sinh. Nhưng bù lại cho vóc dáng dừng lại mãi ở độ tuổi của học sinh lớp 1, Cảnh lại có một quyết tâm từ rất sớm: Theo đuổi việc học hành. Với điều kiện của Cảnh, theo học đến hết ba cấp không phải chuyện đơn giản, lại quyết tâm khăn gói thi đại học thì đúng là ít ai ngờ. Năm 2004, thí sinh “bé nhỏ nhất” (theo nghĩa đen) ấy đã đỗ vào ngành công nghệ thông tin ở trường Cao đẳng TP Hồ Chí Minh.

Với con người này, dường như câu hỏi: “Làm sao để vượt qua sự thiệt thòi về hình thể để hòa nhập với cuộc sống?” là không cần thiết. Không phải vì e ngại tính bất nhẫn của câu hỏi, mà quan trọng hơn, ở Cảnh toát lên sự tự tin cũng như quyền được bình đẳng như những người có chiều cao bình thường khác. Ra trường, Cảnh đầu quân vào làm bộ phận khách hàng cho một công ty máy tính tại TP Hồ Chí Minh. Cũng nhận khoán định mức công việc, cũng đi các tỉnh bán hàng, Cảnh có đủ “bản lĩnh” để thuyết phục khách, để hoàn thành doanh số, kiếm được tiền và tích lũy.

Dù không hỏi, nhưng tôi vẫn tin rằng, con người bé nhỏ ấy hẳn khó lòng thích nghi hoàn toàn với phố thị đông đúc. Có lẽ, thẳm sâu, vẫn là nỗi nhớ biển, nhớ sự hoang dại của tự nhiên, vẫn là nỗi khao khát được sải những bước chân của mình ở những nơi thật là gian nan, xa xôi mà Cảnh từng đọc được, từng mơ đến… Dường như, phần bản năng ấy đã dẫn dắt Cảnh đến với những cung đường phượt khắp dải đất hình chữ S. Cảnh chinh phục nóc nhà Đông Dương bằng đường bộ, chinh phục các cực Bắc Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây A Pa Chải (Điện Biên), cực Đông Vạn Ninh (Khánh Hòa), cực Nam Đất Mũi (Cà Mau). Cảnh tự ví mình gọn nhẹ như một hành lý xách tay, để sẵn sàng cùng bạn phượt chinh phục các cung đường. Có chặng chinh phục miền đất mới, có chặng đi thiện nguyện, chia sớt cùng những hoàn cảnh khó khăn… Nhanh nhẹn, tháo vát, vui tươi, Cảnh trở thành “hành lý” khó có thể thiếu được của đội… Mỗi chuyến đi, mỗi điểm đến lại được Cảnh chia sẻ với cộng đồng mạng qua trang facebook cá nhân. Những dòng chia sẻ cảm xúc đã tiếp thêm niềm đam mê cho những con người ưa khám phá.

Viết tiếp tuổi 30

Cảnh có một sinh nhật đặc biệt: Đón tuổi 30 trên đỉnh Phansipan. Sau khi vượt hơn 3.000m dốc, chạm tay vào chóp nhọn, Cảnh đã có một quyết định cho mình: Trở về lại với Lý Sơn. Phải chăng vì bước chân đã mỏi, hay chợt nhận thấy thế giới quá mênh mông với bước chân khám phá của mình…? Cảnh nói rằng, quyết định ấy đã được ấp ủ từ rất lâu rồi, trên những chặng đường xuyên giữa núi và đồng bằng, giữa đô thị và miền hẻo lánh… Và tôi tin, Cảnh đã đi đủ để thấy yêu Lý Sơn hơn. Để thấy, “Ồ, quê mình là mỏ vàng!”, có thể phát triển được đủ các loại hình du lịch! Dắt lưng số vốn tích lũy trong những năm ở TP Hồ Chí Minh, Cảnh chọn đầu tư mở nhà hàng. Đi nhiều, nếm trải lắm, ấy thế mà thất bại, số vốn đầu tư tan biến. Hỏi Cảnh có sốc không? Cười. Cảnh tự nhận mình “sai lãng xẹc”, từ cái cơ bản là chọn lựa địa điểm. Học từ thất bại, Cảnh bàn với bố mẹ nuôi thay đổi mô hình kinh doanh, đầu tư vào homestay. Lại hăm hở đầu tư sửa nhà, đầu tư cả chục cái xe máy phục vụ khách… Lần này, độ tự tin lên cao hơn. Cứ nhìn Cảnh lúc nào cũng lăm lăm điện thoại, tí lại có khách gọi đặt chỗ, hỏi kinh nghiệm đi, cũng đủ thấy công việc hanh thông thế nào. Kể từ khi Lý Sơn có điện, hòn đảo được nhiều khách du lịch biết đến hơn. Và ông chủ tí hon đi đến đâu cũng nhận được những nụ cười thân thiện của người dân đảo. Họ trìu mến với Cảnh như với một người đang giúp Lý Sơn “sáng” hơn lên, trong những lựa chọn điểm đến của khách phương xa.

Và như thế, chàng phượt thủ tí hon tìm thấy mình ở ngay chính hòn đảo quê hương. Vẫn còn những cái hẹn đi chinh phục vùng đất mới, vẫn có những ngày rời công việc để sống cho mình. Nhưng tôi nghĩ, rồi Cảnh sẽ đi với tâm thế khác. Sẽ không chỉ đi để khám phá, đi để bồi đắp, mà là đi để kết nối, để học hỏi, và có thêm nhiều ý tưởng mới...

Tôi mong, một ngày trở lại Lý Sơn, sẽ lại có một hoàng hôn trên mỏm Thới Lới, cùng Cảnh chia sẻ về một mốc khác, một chặng đường khác của “con người khác” vô cùng đặc biệt ấy… Ai biết được, sau tuổi 30, sẽ còn thêm những cuộc chinh phục nào?