Dấu ấn tuổi 30 của một hợp tác xã

Có thể gọi đây là kỳ tích của lịch sử bán lẻ hiện đại Việt Nam khi Saigon Co.op, sau 30 năm hoạt động, đã đạt mức doanh thu gấp hơn 30 nghìn lần so thời điểm khởi đầu vào năm 1989. Ðiều đặc biệt là Saigon Co.op hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể Hợp tác xã (HTX) mà không phải tư nhân hay công ty cổ phần. Không chỉ có nhiệm vụ kinh doanh đơn thuần mà Saigon Co.op còn có vai trò quan trọng trong việc tổ chức vận động phong trào HTX tại Việt Nam.

Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung chỉ đạo Ðảng ủy, Ban Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh về đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị.
Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung chỉ đạo Ðảng ủy, Ban Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh về đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị.

Hành trình xuyên suốt

Sau Ðại hội Ðảng lần thứ VI, nền kinh tế đất nước chuyển từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Lúc này, mô hình kinh tế HTX kiểu cũ thật sự khó khăn và lâm vào tình thế khủng hoảng phải giải thể hàng loạt. Trong bối cảnh như thế, ngày 12-5-1989, UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương chuyển đổi Ban Quản lý HTX Mua bán thành phố trở thành Liên hiệp HTX Mua bán Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op với hai chức năng là trực tiếp kinh doanh và tổ chức vận động phong trào HTX. Saigon Co.op là tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Sự kiện nổi bật nhất của Saigon Co.op là sự ra đời siêu thị đầu tiên là Co.op Mart Cống Quỳnh vào ngày 9-2-1996. Ðây được xem như bước ngoặt quan trọng tạo nên nền tảng ban đầu cho hệ thống bán lẻ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Co.op Mart đã trở thành thương hiệu quen thuộc của người dân thành phố và người tiêu dùng cả nước.

Giai đoạn 1998 - 2003 đã ghi dấu ấn một chặng đường phát triển mới của Saigon Co.op khi Luật HTX ra đời tháng 1-1997 mà Saigon Co.op là mẫu HTX điển hình minh chứng sống động về sự cần thiết, tính hiệu quả của loại hình kinh tế HTX, góp phần tạo ra thuận lợi mới cho phong trào HTX trên cả nước phát triển. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động bán lẻ theo đúng chức năng, Saigon Co.op dành thời gian nghiên cứu học tập kinh nghiệm của hệ thống siêu thị KF (Thụy Ðiển), NTUC Fair Price (Singapore), Co.op (Nhật Bản) để tạo ra một hệ thống siêu thị mang nét đặc trưng của phương thức HTX tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Trong giai đoạn này, Saigon Co.op đã tái cấu trúc về tổ chức và nhân sự, tập trung mọi nguồn lực của mình để đầu tư mạnh cho công tác bán lẻ. Các siêu thị Co.opmart lần lượt ra đời đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng: hình thành chuỗi siêu thị mang thương hiệu Co.opmart.

Song song với chuỗi Co.op Mart, Saigon Co.op phát triển thành công hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại mới chưa từng có tại Việt Nam: Cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op, Ðại siêu thị Co.opXtra, Trung tâm thương mại Sense City, Cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smiles, Cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt 24 giờ Cheers,… phủ kín hầu hết các phân khúc bán lẻ trước sự thán phục của các nhà bán lẻ ngoại.

Dấu ấn tuổi 30 của một hợp tác xã ảnh 1

Tuyên dương các điển hình thực hiện tốt Chỉ thị 05 tại Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh.

Chặng đường mới

Hiện tại với hơn 700 siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhỏ với ước tính đón tiếp hơn một triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày, Saigon Co.op đạt doanh thu năm gần nhất hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, từ doanh thu chưa đến một tỷ đồng tại thời điểm thành lập, đến nay con số này của Saigon Co.op đã tăng hơn 30 nghìn lần sau 30 năm hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng: Ðối chiếu với Luật HTX 2012, Saigon Co.op hiện đối mặt một vấn đề lớn bất cập đó là giao dịch giữa Saigon Co.op với các HTX thành viên quá ít. Doanh số mua hàng chung của các HTX thành viên với Saigon Co.op chiếm chưa đến 1%, hơn 99% số lượt giao dịch hiện nay của Saigon Co.op là với người tiêu dùng thông qua mạng lưới bán lẻ của mình. Ðiều này đòi hỏi Saigon Co.op phải nhanh chóng triển khai áp dụng mô hình HTX tiêu dùng. Saigon Co.op cần nhanh chóng vận động và tổ chức cho 2,5 triệu khách hàng thân thiết, khách hàng thành viên tham gia góp vốn (khoảng 1triệu đồng/xã viên) trở thành thành viên của HTX. HTX tiêu dùng sẽ là thành viên tham gia mua hàng chung với Saigon Co.op theo mô hình Liên hiệp HTX mua chung bán riêng. Việc thành lập HTX tiêu dùng không chỉ giúp chuyển đổi Saigon Co.op theo đúng Luật HTX 2012 mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi, đem lại cho Saigon Co.op lượng khách hàng ổn định, trung thành, thường xuyên gắn bó mua hàng. Người tiêu dùng vừa là khách hàng, vừa là chủ của HTX; tất cả hoạt động của HTX đều hướng tới phục vụ tốt nhất nhu cầu của thành viên vì vậy họ sẽ không rời bỏ Saigon Co.op, không bị thu hút bởi các đối thủ cạnh tranh. Tổ chức thành công mô hình HTX tiêu dùng không chỉ giúp giữ vững bản chất HTX của Saigon Co.op, khẳng định tính đúng đắn và sức sống mãnh liệt của loại hình kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ vững thị trường phân phối nội địa trước sự cạnh tranh gay gắt của các tập đoàn phân phối nước ngoài".

Năm 2019 sẽ đánh dấu chặng đường mới của Saigon Co.op trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế theo những cam kết, nhiều hiệp định hợp tác song phương và đa phương với các khu vực trên thế giới đã và sẽ có hiệu lực. Ðể đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt hiện tại của thị trường bán lẻ, tiếp tục là hệ thống phân phối hiệu quả của hàng hóa sản xuất trong nước, bên cạnh cần được sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cơ quan, ban ngành, đòi hỏi Saigon Co.op phải có chiến lược xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp để có thể tiếp tục khẳng định vị thế là mô hình HTX thành công điển hình của cả nước, là Nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam và phấn đấu trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.