Đại sứ hạt gạo...

Hạt gạo làng ta/Có bão tháng bảy, có mưa tháng ba … (Trần Ðăng Khoa)

Thẩm thấu trong hạt gạo, những tinh túy kết từ đất, nước, không khí và mồ hôi cùng rất nhiều những giá trị khác đến từ thiên nhiên, từ bàn tay lao động và trí tuệ của con người. Không bỗng dưng mà từ nghìn xưa Sự tích bánh chưng, bánh dày lại chọn hạt gạo (nếp) trong vạn vật để gửi vào đó những thông điệp sâu sắc, có ý nghĩa nhân sinh phù hợp với người Việt chúng ta cả trong thời đại ngày nay.

“Hạt gạo làng ta” nhất định có thể đảm đương sứ mệnh tuyệt vời của một vị đại sứ nhỏ bé trước thế giới. Ảnh: ANH SƠN
“Hạt gạo làng ta” nhất định có thể đảm đương sứ mệnh tuyệt vời của một vị đại sứ nhỏ bé trước thế giới. Ảnh: ANH SƠN

Có lẽ, không gì gần gũi, thân thiết, gắn bó hơn với đời sống người Việt như hạt gạo, củ khoai được gieo trồng, chăm bón, thu hoạch trên đồng ruộng Việt Nam. Tâm hồn người Việt, tính cách người Việt, vẫn được ví như những sản vật này, chính vì sự chất phác, thuần Việt vốn có. Ðất đai nào, sản vật ấy. Những gì được làm ra bởi những bàn tay lao động của người Việt trên đất đai xứ sở, cũng mang hồn cốt, hương vị chỉ quê hương mới có. Người Việt ở xa Tổ quốc, đến bữa cơm nhớ nước mắm cốt, nhớ rau muống, đậu phụ và Tết đến thì cồn cào nhớ bánh chưng xanh cũng bởi vậy. Siêu thị ở các nước phát triển có thể cung cấp mọi thực phẩm xuất xứ từ những nguồn gốc khác nhau, nhưng hạt gạo Việt Nam, tấm bánh chưng Việt Nam, khi xuất hiện trên giá bày hàng, cũng đủ khiến không ít những đôi mắt ứa lệ, những trái tim xao xuyến bởi những giục giã nguồn cội.

Đại sứ hạt gạo... -0
 

Vì đó là đất Việt. Là quê hương. Là mẹ cha. Là mái nhà đầm ấm, là thân thiết chan hòa. Là tâm thức, là tình cảm da diết, chảy trong huyết quản, vang trong trí não.

Nhớ xưa, hạt gạo độc tôn, hạt gạo quý giá trong những bữa cơm độn khoai sắn, sau những vụ mùa thất bát của những gia đình Việt. Nay, trên những cánh đồng cao sản, lúa mẩy bông vàng mỗi năm san sát mấy vụ thu hoạch; trên những chuyến tàu cập bến khắp nhiều quốc gia trên thế giới, có hạt gạo Việt. Không phải tự nhiên mà giá trị của "sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn" ấy ngày càng có thứ hạng cạnh tranh cao hơn trên thị trường thế giới…

Không còn loanh quanh chợ làng, đi đường gần trong nước và khu vực, năm 2020 chứng kiến những cơ hội lớn của gạo Việt tại khắp châu Á rồi đến châu Phi và gần nhất là sự tiếp cận ngoạn mục tại thị trường châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, CHLB Ðức… Tại vùng trọng điểm lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trồng lúa thơm, lúa đặc sản đang ngày càng tăng. Những lô gạo thơm ST 20 và Jasmine xuất ngoại và có mặt ở những thị trường chất lượng cao cho thấy, xuất khẩu gạo của chúng ta đang chuyển hướng từ lượng sang chất, đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe nhất của Liên hiệp châu Âu (EU), như quy định về hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, các chỉ tiêu cơ lý, bảo đảm độ thuần chuẩn và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Câu chuyện những người nông dân tự chế tác máy cày máy bừa, máy gặt đập liên hoàn và cả máy bay thêm một lần nữa cho thấy, trên những cánh đồng truyền thống, những giấc mơ Việt bắt đầu từ lúa gạo đã chạm tới bầu trời, đã vươn tới những vì sao. Nhất là khi bà con nông dân, những doanh nghiệp kinh doanh nông sản đã thật sự giác ngộ, thích nghi với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác và các giải pháp bảo quản, chế biến nông sản khi tham gia vào bài toán hội nhập. Thêm nữa, việc ứng dụng thiết bị máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp cũng đang được tính toán để hiện thực hóa trong một tương lai gần.

Những lối làm ăn thiển cận, manh mún, nhỏ hẹp, không vượt qua lũy tre làng vốn được coi là "căn tính nông dân", "tính xấu người Việt" ngày nào, giờ có nguy cơ làm tổn thương hình ảnh đẹp mà gạo Việt đã xác lập được một cách khó khăn trên thương trường quốc tế.

Người Việt tự trọng, người Việt ân tình, người Việt biết mình biết người có thể lấy gì để đại diện cho mình với thế giới, liệu hạt gạo làng ta rồi có thể đảm đương sứ mệnh tuyệt vời của một vị đại sứ nhỏ bé trước thiên hạ rộng lớn?

Quay trở lại với vấn đề nếp nhà. Từ niêu cơm của Thạch Sanh ăn mãi không vơi để nói lên tấm lòng thơm thảo của một dân tộc vốn là con Rồng cháu Tiên, đến câu chuyện Tìm mẹ của hai người con có tên là Nhà và Gạo, để thấy một thông điệp sâu sắc và luôn "thời sự" ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào: có "nhà" và có "gạo" mà vẫn thiếu "mẹ" thì cuộc sống vẫn bất ổn ngần nào. Sự đủ đầy, giàu có về mặt vật chất rõ là không thể thay thế tình nghĩa máu mủ và sự sum vầy "êm như bông, ấm như nắng"!

Như hạt gạo mang thương hiệu Việt đi ra thế giới, người Việt hôm nay trước biển rộng, trời cao sẽ thấy mình rõ hơn, thấm thía hơn tình yêu mẹ cha, biết ơn hơn mảnh đất quê nhà một nắng hai sương, thương hơn bầu trời tháng bảy tháng ba khuya sớm nhọc nhằn, để bền bỉ vươn lên với khát vọng đi tới của những người con sinh ra trong nghèo khó, có "nếp nhà" luôn tiếp sức và rèn giũa chí lớn…