Cuộc chiến không cân sức

Cứ đến những tháng cuối năm, dân buôn lậu lại vào “mùa làm ăn” với đủ chiêu trò ngày một tinh vi và nguy hiểm hơn. Vì sao suốt nhiều năm qua, vấn đề nhức nhối này vẫn chưa được giải quyết? Vì lợi nhuận lớn mà các đối tượng làm liều, hay còn có sự làm ngơ của một số người trong lực lượng thực thi nhiệm vụ?

Đội Quản lý thị trường số 4 (thành phố Móng Cái) tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: QUANG THỌ
Đội Quản lý thị trường số 4 (thành phố Móng Cái) tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: QUANG THỌ

Còn sức, còn cõng hàng!

Chúng tôi từng theo chân các chiến sĩ biên phòng dựng các lán trại, túc trực chặn buôn lậu ban đêm, nơi các đường mòn tại thôn Na Mèo, Tà Mèo thuộc xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn) và chứng kiến có lúc cả đoàn hàng trăm người ào ạt, vượt biên cõng hàng lậu. Sức nóng "mùa cõng hàng lậu" các năm 2017, 2018 và tiếp đó là năm 2019 tại các đường ngang, đường mòn vẫn chưa giảm nhiều.

Chúng tôi cũng giáp mặt các "chim mồi" - đối tượng theo dõi lực lượng chức năng để cảnh báo an toàn cho đội quân cõng hàng lậu, cửu vạn. Ðể được việc, các đối tượng sử dụng nhiều điện thoại, có đối tượng mang dao, súng bên mình sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Một đối tượng cho biết, mỗi ngày cửu vạn bình thường cõng hàng có thể kiếm được 500 nghìn đồng, người khỏe hơn kiếm được 1 triệu đồng. Người cõng hàng ở bản Rọ Bon, tên Dương, cho biết: "Ði cõng hàng kiếm nhanh, chả tội gì! Chứ tôi làm phu hồ, cũng mệt mà lâu. Ở đây thiếu gì người thuê cõng hàng, gom hàng đâu".

Tìm hiểu thực tế tại các xóm, bản quanh khu vực, nhiều người dân địa phương xã Tân Mỹ, Tân Thanh đã "góp mặt" vào dòng người cõng hàng lậu từ bên kia biên giới. Ở xóm Ðồng Cáu, xã Tân Mỹ, người trẻ còn sức là sẵn sàng lên đường làm nghề cõng hàng lậu thuê, trong đó có cả phụ nữ. Một số gia đình nghèo còn kéo theo trẻ em. Người dân các địa phương khác cũng đổ về "hành nghề" ngày một đông. Các cửu vạn cho biết, hàng lậu thường được tập kết về thị trấn Ðồng Ðăng, rồi được tuồn vào sâu trong nội địa tiêu thụ. Nhìn người dân cõng hàng vượt dốc, vai vừa cõng hàng, vừa đu dây từ trên vách núi Na Mèo, Khơ Ða xuống đất, đến lực lượng chức năng cũng… choáng! Ông Hoàng Văn Quyến, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, xác nhận: "Người dân các nơi khác về làm cửu vạn thời vụ rất đông, chúng tôi không thể kiểm soát hết. Họ lại di chuyển liên tục".

Lào Cai là địa phương có gần 200 km đường biên giới, có cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu quốc gia Mường Khương và nhiều cửa khẩu phụ, lối mở truyền thống trên sông Hồng, sông Nậm Thi và đất liền. Ðó là các điều kiện tạo "đất diễn" cho kẻ xấu. Từ đầu tháng 11-2018 đến nay, tình trạng buôn lậu cũng diễn biến phức tạp. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong dịp tết, hàng điện tử, may mặc, thuốc tân dược, gia súc, gia cầm, nội tạng động vật... đặc biệt là các mặt hàng không được phép nhập khẩu vào Việt Nam như pháo nổ, dao, kiếm, đồ chơi bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy... Một cán bộ chuyên đánh án cho hay: "Tâm điểm của buôn lậu trên tuyến biên giới Lào Cai từ trước đến nay vẫn là những địa danh như: Duyên Hải, Cầu Sập, khu Ðền Thượng thuộc TP Lào Cai; Nậm Sò, Bản Quẩn thuộc huyện Bảo Thắng, Na Lốc thuộc huyện Mường Khương. Thành phố Lào Cai được ví như là cái "rốn" của hàng nhập lậu. Từ đây, hàng lậu được xé lẻ, vận chuyển đi tiêu thụ, thu lợi bất chính".

Ba tuyến đê ngăn "lũ"

Nhìn vào những con số thống kê, những diễn biến phức tạp của loại tội phạm buôn lậu, dễ thấy cuộc chiến này sẽ còn dai dẳng, và nếu không có đột phá thì chưa thể hạ nhiệt nhanh chóng. Như tại Lào Cai, năm 2018, các lực lượng chức năng của Lào Cai đã kiểm tra 2.877 vụ, xử lý 685 vụ, xử phạt hành chính nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng. Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý 377 vụ buôn lậu với tổng số tiền phạt gần 8,8 tỷ đồng. Hơn thế, những con số này chưa phản ánh hết sự nhức nhối trong thực tế, bởi vẫn còn nhiều loại hàng đã được đưa đi tiêu thụ.

Ðội trưởng Ðội Quản lý thị trường số 4, TP Móng Cái Trần Sơn, thốt lên: "Mặc dù lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp, quyết liệt bằng các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, nhưng tình hình vẫn phức tạp. Các đối tượng vô cùng ngoan cố, với nhiều thủ đoạn tinh vi!" Làm việc tại Lạng Sơn, bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cũng bộc bạch: "Lợi nhuận đã làm mờ mắt đối tượng buôn lậu. Lực lượng hải quan đã cố gắng, nhưng do địa hình phức tạp, nhiều đường mòn lối tắt qua lại biên giới nên công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại gặp nhiều khó khăn".

Theo các đơn vị chức năng, gần đây tình trạng đối tượng lợi dụng chế độ hóa đơn đối với hộ kinh doanh để hợp thức hóa hàng nhập lậu vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để, gây khó khăn trong quá trình kiểm soát và xử lý vi phạm. Dẫu biết, đây là công việc gian nan, không dễ làm trong một sớm một chiều, thậm chí còn bị đe dọa đến tính mạng, nhưng không thể không làm. Ông Lê Ðức Thọ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn quyết tâm: "Lực lượng chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành để ngăn chặn buôn lậu, xử lý nghiêm. Ðồng thời chủ động rà soát các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn". Ông Thọ cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn thường xuyên diễn ra hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trước thực trạng nhức nhối nhiều năm, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch 326, nhằm tập trung phát hiện, ngăn chặn, xử lý buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại… Theo quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai Nguyễn Bá Bình, để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại có hiệu quả, lực lượng chức năng đã rà soát các địa bàn trọng yếu, tăng cường lực lượng theo phương châm "chốt chặn, kiểm soát toàn tuyến biên giới và truy quét sâu trong nội địa", hình thành ba tuyến phòng, chống ngay từ biên giới đến hết địa phận của tỉnh. Tuyến thứ nhất là biên giới gồm có hải quan, biên phòng. Tuyến thứ hai là vùng đệm sát biên giới có các lực lượng nội địa, các lực lượng liên ngành. Tuyến thứ ba sâu trong nội địa là công an cùng với lực lượng khác của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đã thành lập các tổ công tác liên ngành cơ động chống buôn lậu trực thuộc Ban Chỉ đạo 389, nhằm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.

Một điều khác mà Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thường xuyên yêu cầu các đơn vị là phải rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm cán bộ có sự tiếp tay, bao che cho đối tượng buôn lậu; kiểm tra, minh bạch trong luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ… Bởi ngoài những nỗ lực trên mặt trận nóng ở thực địa, thì công tác cán bộ cũng vô cùng quan trọng, góp phần vào thành công của công tác chống buôn lậu.

Từ nay cho đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng Quản lý thị trường Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; ngăn chặn thực phẩm bẩn thẩm lậu vào nội địa, tập trung vào các địa bàn trọng điểm liên quan đến tuyến biên giới, các khu vực cửa khẩu các chợ, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển… kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.