Đổi mới tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư:

Chớ vội vàng bỏ qua gốc vấn đề

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa lên mạng để thăm dò ý kiến về việc sửa đổi tiêu chuẩn và quy trình công nhận, bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (CDGSPGS) đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp rất đa dạng và phong phú. Với bất cứ nội dung nào của Bộ tiêu chuẩn và quy trình đều bắt gặp những ý kiến trái chiều, ý kiến nào cũng có những chỗ dựa vào lý luận và thực tiễn; trong khi lại chưa có cách nhìn thống nhất về chất lượng đội ngũ GS, PGS mà chúng ta muốn xây dựng thông qua Bộ tiêu chuẩn và quy trình này.

GS, TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (người đứng ở bên trái) trao Quyết định công nhận Phó Giáo sư. Ảnh: ĐỨC KIM
GS, TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (người đứng ở bên trái) trao Quyết định công nhận Phó Giáo sư. Ảnh: ĐỨC KIM

Trước tiên, hãy để xã hội đánh giá

Nếu lựa chọn chất lượng như là sự đáp ứng mục tiêu thì trước khi bàn về các tiêu chí cụ thể của các chức danh GS, PGS rất nên làm một cuộc điều tra khảo sát rộng rãi trong xã hội về câu hỏi xã hội cần gì ở các GS, PGS. Hãy bắt đầu từ người học, tức là sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh rồi đến phụ huynh, các nhà tuyển dụng lao động, các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp, rồi sau đến các nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách giáo dục, khoa học công nghệ và nhân lực quốc gia và các đối tác khác có liên quan. Một cuộc khảo sát về mục tiêu như vậy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Bởi vì các CDGSPGS không phải là đặc ân dành cho các ứng viên mà là vị trí công việc mà xã hội cần tuyển những người có đủ năng lực và phẩm chất để đảm nhận.

Sau đó mới là những cuộc bàn thảo về các tiêu chí tiêu chuẩn. Tiêu chí và tiêu chuẩn chỉ nên xem là những thang đo được xây dựng theo mục tiêu để lựa chọn cho nên cũng không nên quá câu nệ mà phê phán hoặc bình phẩm. Không ít những GS được giải thưởng quốc tế lại có ít công trình công bố trong những tạp chí có IF cao, có cả những GS được giải thưởng Nobel nhưng chưa và sẽ không bao giờ có bằng Tiến sĩ. Cái gì cũng có ngoại lệ, và cái ngoại lệ ấy không thể đưa thành quy luật mà chỉ có thể chấp nhận theo nguyên tắc đa số cho dù có thể không thích hợp với những hoàn cảnh cụ thể, thời điểm cụ thể và con người cụ thể. Lúc ấy mới cần đến phiếu tín nhiệm của các Hội đồng. Những thành viên của các Hội đồng phải có cả tâm và tài để nhận thức đầy đủ trách nhiệm và vinh dự của mình không bị động cơ cá nhân làm thay đổi lá phiếu; để biết được giá trị của những công trình khoa học và để có thể chấp nhận những điều trái với những giả thuyết hoặc kết quả khoa học đã làm nên danh tiếng của mình. Bởi vì đâu có nhiều giả thuyết hoặc kết quả khoa học luôn đứng vững và được quan tâm năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác (các giải thưởng như là Nobel hoặc Field là dành cho những giả thuyết và kết quả như vậy)?

Cuối cùng, chúng ta không nên vội vàng đối với một công việc có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng và giáo dục nói chung như xét công nhận và bổ nhiệm CDGSPGS. Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước trong thời gian hai năm còn lại của nhiệm kỳ, có trách nhiệm phải tập trung trí tuệ và sức lực để đổi mới căn bản và toàn diện công tác xét công nhận đủ tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các cơ sở GDĐH.

Làm rõ khái niệm “chất lượng”

Có rất nhiều khái niệm về chất lượng, đặc biệt là chất lượng giáo dục. Tranh luận cũng rất nhiều, hàng chục năm nay trên thế giới, không chỉ ở nước ta. Chất lượng luôn là vấn đề quan trọng nhất đối với tất cả các trường đại học, và việc phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ cơ sở đào tạo đại học nào. Mặc dù có tầm quan trọng như vậy, nhưng chất lượng vẫn là một khái niệm khó định nghĩa, khó xác định, khó đo lường, và cách hiểu của người này cũng khác với cách hiểu của người kia. Chất lượng có một loạt định nghĩa trái ngược nhau và rất nhiều cuộc tranh luận chung quanh vấn đề này đã diễn ra tại các diễn đàn khác nhau mà nguyên nhân của nó là thiếu một cách hiểu thống nhất về bản chất của vấn đề.

Green và Harvey (1993) đã xác định năm phương pháp khác nhau để xác định chất lượng. Theo đó, chất lượng được hiểu là: Sự xuất sắc (vượt một tiêu chuẩn bắt buộc và đạt tiêu chuẩn cao hơn); Sự hoàn hảo (thể hiện qua việc “không mắc lỗi” và “đúng ngay lần đầu tiên” tạo thành văn hóa chất lượng); Chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu; Xứng với giá trị đồng tiền đã bỏ ra (thông qua năng suất và hiệu quả), và Sự thay đổi (sự thay đổi định lượng).

“Sự phù hợp với mục tiêu” là định nghĩa về “chất lượng” phổ biến nhất được chấp nhận và sử dụng trong giáo dục nói chung. Đây là một sự tổng kết khá đầy đủ các quan điểm về chất lượng trong cặp phạm trù: chất (chất lượng) và lượng (quy mô giáo dục). Tuy vậy, cũng nên nêu hai nhận xét sau đây:

Thứ nhất là, chất trong GDĐH được định nghĩa rất khác nhau tùy theo những người liên quan: sinh viên, giảng viên, người sử dụng lao động, các tổ chức tài trợ và các cơ quan kiểm định. Trong nhiều bối cảnh, nó còn phụ thuộc vào tình trạng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước ở từng thời điểm. Khái niệm “chất là có giá trị gia tăng” được vận dụng để khuyến khích các cơ sở GDĐH quan tâm đến việc không ngừng nâng cao chất dạy và học. Một số tổ chức khác vận dụng khái niệm “chất là sự xuất sắc” để so sánh chất GDĐH giữa các quốc gia hay giữa các trường đại học khác nhau khi tiến hành xếp loại để tiếp thị. Nếu nói Đại học Quốc gia Hà Nội là một cơ sở GDĐH có chất. Đấy là so sánh với các trường đại học khác của Việt Nam. Vậy sẽ ra sao nếu so với Đại học Harvard hoặc rộng hơn với top 100 của thế giới?

Thứ hai là, theo quan điểm duy vật biện chứng thì “lượng đổi” sẽ dẫn đến “chất đổi”. Lâu nay chúng ta hiểu theo nghĩa tích cực của hai phạm trù này. Lượng đổi theo hướng tốt lên thì chất cũng đổi theo hướng tốt lên. Vậy điều này có đúng với giáo dục không? Xuất phát từ quan điểm thực tiễn của hệ thống giáo dục thì sẽ là không tưởng nếu chúng ta muốn mở rộng quy mô GDĐH mà vẫn muốn chất chung của hệ thống phải giữ vững. Nước Pháp đã từng thất bại trong việc này. Buộc phải chấp nhận việc giảm chất khi mở rộng quy mô và việc phân tầng để duy trì tầng tinh hoa là việc rất cần thiết. Xuất phát từ quan điểm xã hội thì không phải ngành nghề nào, vị trí nào cũng cần những người được đào tạo hàn lâm một cách có chất lượng cao. Người Việt Nam ta có câu “bắt voi đi cày”, “trăm hay không bằng tay quen” là với hàm ý đó.

Từ hai nhận xét trên dễ nhận thấy rằng ở đây có vấn đề về chất lượng nhân lực đáp ứng mục tiêu của chính sách quốc gia. Câu hỏi đặt ra là: Vậy nhân lực cần cho mỗi giai đoạn phát triển phải có những tố chất gì, giáo dục, đặc biệt là GDĐH phải đảm nhận đến đâu? Ai cũng biết là có càng nhiều Ngô Bảo Châu càng tốt, càng có chất nhưng bài toán chất phải được giải trên cơ sở cân bằng giữa yêu cầu phát triển quốc gia - năng lực đầu tư cho giáo dục - năng lực đào tạo của hệ thống - năng lực của xã hội sử dụng sản phẩm giáo dục đào tạo. Cân bằng này bảo đảm cho hiệu quả đầu tư giáo dục quốc dân là cao nhất. Đòi hỏi quá sức làm cho hệ thống trở nên bất ổn và mất phương hướng phát triển, thậm chí còn phát sinh bệnh thành tích, tiêu cực học đường. Với đội ngũ GS, PGS Việt Nam cũng vậy.

Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nước ta theo Nghị quyết 29 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, thì việc xét công nhận và bổ nhiệm CDGSPGS rất nên đi lại từ đầu, từ gốc mà không chỉ sửa trên ngọn như hiện nay.