Quản lý chất lượng nguồn nước

Cấp bách tìm mô hình hiệu quả

Sự cố vừa xảy ra đối với nguồn nước sinh hoạt lấy từ đầu nguồn sông Ðà gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hộ dân Thủ đô Hà Nội cho thấy vấn đề quản lý an ninh nguồn nước còn rất lỏng lẻo, cần phải có giải pháp cấp bách xử lý bất cập. An ninh nguồn nước bao gồm nhiều mặt, trong đó chính yếu là đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của cư dân và bảo đảm an toàn - vệ sinh, loại trừ các rủi ro gây hại.

Người dân Hà Nội tiếp tục phải xếp hàng lấy nước trong thời gian chờ Nhà máy Nước sạch Sông Ðà súc xả đường ống.
Người dân Hà Nội tiếp tục phải xếp hàng lấy nước trong thời gian chờ Nhà máy Nước sạch Sông Ðà súc xả đường ống.

Giải pháp cấp bách xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch

Phó Tổng Cục trưởng Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng, hành động vô trách nhiệm của cá nhân, gây ô nhiễm nguồn nước để lại hậu quả khôn lường với cả triệu dân dùng nước sinh hoạt tại Thủ đô Hà Nội. Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm đổ dầu vào đầu nguồn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Ðà. "Hành động vô trách nhiệm của doanh nghiệp hay cá nhân đã gây ảnh hưởng đến nguồn nước sạch sông Ðà - vốn là nguồn rất quan trọng trong cung cấp nguồn nước cho người dân ở Hà Nội. Do vậy, cần kiểm soát tốt nguồn nước đầu nguồn này, nếu không hậu quả sẽ khôn lường", ông Thức bức xúc nói.

Giải pháp cấp bách hiện nay đó chính là xử lý dầu thải. GS, TS Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho biết, công nghệ xử lý hiện nay của các nhà máy nước sạch tại Việt Nam cũng như Nhà máy Nước sạch Sông Ðà là lấy nước vào bể để lắng, lọc, sau đó bơm vào bể xử lý tiếp bằng dung dịch clo cho hết mùi, xong đưa ra hệ thống đường ống cung cấp cho người dân. Với Nhà máy Nước sạch Sông Ðà quy trình xử lý này còn đơn giản hơn nhiều vì đây là nước mặt.

Nói thêm về hướng xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch, GS, TS Nguyễn Văn Liên cho rằng, nếu nguồn nước đầu vào Nhà máy Nước sạch Sông Ðà bị ô nhiễm dầu máy công nghiệp thì rất khó công nghệ nào hiện tại trên cả nước xử lý được. Theo ông, hiện nay, công nghệ xử lý nguồn nước ô nhiễm hiện đại nhất là công nghệ xử lý nano của Pháp, song công nghệ này rất tốn kém và chưa có nhà máy nước sạch nào ở Việt Nam xử lý theo công nghệ này.

Ðại diện Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng nêu quan điểm, việc cần làm đầu tiên là cơ quan chức năng cần kiểm tra và có kết luận về chất lượng nguồn của Nhà máy Nước sạch Sông Ðà. Từ đó, cần có giải pháp cụ thể nếu nguồn nước bị ô nhiễm. Tiếp theo đó, thành phố Hà Nội cần phối hợp với Tổng cục Môi trường đánh giá tác động tổng thể của sự việc trên và có thông báo rộng rãi tới nhân dân. Khi đưa ra giải pháp xử lý, cần trưng cầu ý kiến người dân và các tổ chức xã hội.

Cần mô hình bảo đảm an toàn

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay việc quản lý nguồn nước thuộc thẩm quyền của bốn bộ là: Xây dựng, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Môi trường, thì có sự "giao thoa" nhất định về mặt quản lý nhà nước đối với nguồn nước. Ông dẫn chứng: Quản lý chất lượng nước sạch cấp cho người dân sinh hoạt thuộc Bộ Y tế, quản lý về tài nguyên nước nói chung thì có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do vậy, đối với sự việc nước Hà Nội có mùi lạ, ông Thức nhấn mạnh cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng để cùng làm rõ và đưa ra hướng giải quyết.

Về vấn đề bảo vệ nguồn nước sinh hoạt để tránh các sự cố như đổ trộm dầu thải vừa qua, trao đổi ý kiến với phóng viên, một chuyên gia ngành nước cho biết, việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đã quy định chặt chẽ tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Các vùng bảo vệ nước đầu nguồn như hành lang bảo vệ nguồn nước, đới (vùng) bảo hộ vệ sinh nguồn nước này thì công ty nước sạch sẽ lập rồi báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường rồi trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Thông tư này cũng quy định rõ trách nhiệm bảo vệ nguồn nước thuộc về đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng. Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước thì phải kịp thời ngăn chặn và báo cáo ngay đến chính quyền địa phương.

Chính vì vậy, vụ việc xả dầu thải vào nguồn nước nói trên cho thấy trách nhiệm của đơn vị kinh doanh và địa phương chưa cao và buông lỏng. Bảo đảm an ninh cho nguồn nước đang đòi hỏi có những giải pháp hiệu quả và cấp thiết. Cụ thể, vị chuyên gia phân tích: tại Việt Nam, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hằng năm khoảng 80,6 tỷ m3, trong đó hơn 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm). Hội Tài nguyên nước quốc tế từng khuyến cáo, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải nhiều thách thức về tài nguyên nước. Chúng ta hiện có 7.500 hồ chứa nước và đập dâng với dung tích khoảng 20 tỷ m3, trong khi nhu cầu nước dự kiến đến năm 2020 của một số lĩnh vực lên tới khoảng 125 tỷ m3. Vì vậy, so nhu cầu cấp thiết thì lượng nước được cấp chủ động từ các hồ chứa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lại phụ thuộc chủ yếu vào lượng nước mưa tự nhiên và nguồn cung từ các con sông. Sông gặp vấn đề thì biết bao hệ lụy sẽ xảy ra. Vị chuyên gia cho rằng, về lâu dài cần xem xét, có thể sửa Luật Tài nguyên nước để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nguồn nước sinh hoạt. Và cần xem lại mô hình quản lý các công ty cấp nước sinh hoạt, trên cơ sở tham khảo những mô hình hiệu quả của các quốc gia khác, để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.