Cảnh báo thiếu hụt lao động biển

Nhiều chủ tàu ở các tỉnh miền trung đang lao đao vì thiếu lao động đi biển. Thực tế này cho thấy, nếu thiếu đi chính sách đồng bộ để phát triển thủy sản bền vững, không sớm thì muộn, ngành đánh bắt thủy sản sẽ gặp khó vì không còn nhân lực bám biển, sống cùng biển.

Cần thêm chính sách khuyến khích ngư dân bám biển.
Cần thêm chính sách khuyến khích ngư dân bám biển.

Nỗi lo thiếu “bạn biển”

Ông Nguyễn Văn An, thuộc xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên, Quảng Nam), chủ tàu QNa-93188, đã phải nhiều lần “xuống nước” thuyết phục người lao động, thậm chí còn ứng trước cho nhân công đi biển 10 triệu đồng/chuyến nhưng vẫn không giữ chân được người làm. Vậy nên, ông không thể ra khơi được.

Tiếng thở dài của ông An khi kết thúc câu chuyện với chúng tôi còn lan đến làng biển Cửa Ðại (TP Hội An). Trên bờ cát, không ít con tàu nằm phơi nắng mưa. Ông Nguyễn Văn Nhất, một chủ tàu đánh bắt xa bờ nhiều năm kể rằng: “Trước đây biển cả rất hào phóng, nhất là thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 tôm cá nhiều lắm. Giờ thì tàu ra biển tốn rất nhiều chi phí mà hiệu quả không cao. Nguồn lợi thủy hải sản vơi cạn, người lao động cũng bỏ nghề đi kiếm ăn xa. Cả làng hiện thiếu đến 50% số nhân lực cần thiết, nên các chủ tàu chỉ còn nước neo thuyền trên bến mà thôi!”.

Những ngư dân bỏ biển đi đâu? Trả lời câu hỏi của tôi, một ông lão sạm nắng chỉ lên bờ: họ đi làm du lịch, buôn bán rồi. Tìm gặp ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND phường Cửa Ðại (TP Hội An), câu trả lời cũng như vậy! Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Duy Xuyên cho biết thêm, do sản xuất không hiệu quả nên nhiều chủ tàu trên địa bàn đang hết sức khó khăn vì các khoản nợ lãi mẹ đẻ lãi con...

Không chỉ ở Quảng Nam, mà ở nhiều tỉnh, thành phố khác như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Ðà Nẵng… lao động đi biển, đánh bắt thủy hải sản cũng khan hiếm. Tìm hiểu tại làng chài thuộc xã Phước Ðồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa), được biết nhiều người có thâm niên đi biển cũng bỏ nghề cá chuyển đi làm phu hồ vì nghề này “ăn” hơn. Ông Huỳnh Văn Toàn, ở làng Hòn Rớ (xã Phước Ðồng) cho biết: “Nghề đi biển đối mặt với nguy hiểm, mấy năm nay thu nhập kém nên rất khó tìm bạn biển. Ði 10 chuyến thì chỉ lãi bốn, còn hòa hoặc lỗ vốn thì ăn gì!”.

Vì thiếu lao động, bạn biển nên nhiều chủ tàu “ngồi chơi xơi nước”, hoặc một số chuyển sang nghề câu ở gần bờ, như hộ ông Võ Văn Nam, ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi). “Tôi là chủ của ba chiếc tàu đánh bắt xa bờ, do không tìm đủ bạn đi biển nên cho anh em đi câu cá, câu mực là thượng sách”, ông Nam chia sẻ.

Tại xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi), nhiều chủ tàu đang gặp phải cảnh lao đao vì đã ứng trước tiền cho lao động, nhưng họ đã cầm tiền trốn đi tàu khác. Ông Lê Văn Vương, chủ tàu cá QNg 91979, ở xã Tịnh Khê bỏ ra hơn 300 triệu đồng ứng trước cho các thuyền viên, một vài trường hợp không đi làm. Tiền ứng cho thuyền viên bỏ trốn đến nay đã hơn một năm chưa thu hồi được.

Gỡ bằng cách nào?

Bài toán nguồn nhân lực đi biển không thể được giải quyết một cách đơn giản. Nó đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện mới đủ sức khuyến khích ngư dân tăng tàu công suất lớn, vươn khơi. Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 4.300 phương tiện khai thác hải sản, tuy nhiên chỉ mới có hơn 530 tàu hoạt động trên các vùng biển xa. Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, tỉnh đã phân công Sở NN và PTNT phối hợp với các địa phương chuyển đổi cơ cấu nghề cá ven bờ theo hướng cho phép ngư dân tham gia sản xuất với các nghề có chọn lọc, không bức hại môi trường. Không để phát sinh thêm người tham gia các nghề giã cào, pha xúc gây ảnh hưởng đến môi trường. Bộ phận ngư dân này sẽ được tạo điều kiện để chuyển nghề, lên bờ lao động hoặc tiếp cận vốn vay ưu đãi để cải hoán, nâng cấp thành tàu cá có công suất lớn, vươn khơi khai thác xa bờ.

Cụ thể hơn, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Nam Ngô Tấn cho biết, sẽ giúp ngư dân nhân rộng các nghề sản xuất xa bờ hiệu quả trong thời gian qua như câu mực khơi, chụp mực, lưới vây. Ngư dân sẽ được đào tạo nghề, hướng dẫn, khuyến khích thực hiện mô hình đội tàu khai thác hải sản gắn với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, sơ chế trên tàu để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí vận chuyển.

Có thể nói, trong thời gian qua Nhà nước, các cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành đã tạo điều kiện giúp ngư dân bám biển, trong đó có chính sách đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ. Song nhiều khó khăn, vướng mắc đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhiều lãnh đạo Hiệp hội Nghề cá khẳng định, phải coi nghề cá là một nghề thật sự, nên cần có sự đào tạo, đi từ cơ giới hóa đến hiện đại hóa, chứ không chỉ là nghề cha truyền con nối, làm theo bản năng. Bởi thế, ông Trần Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Ðà Nẵng, đề xuất giải pháp: Nhà nước cần có những chính sách bền vững như đầu tư hạ tầng cảng, khu neo đậu tàu thuyền giúp ngư dân an tâm bám biển. Cùng với đó, là xây dựng đội ngũ lao động có trình độ, có quy chế hành nghề, thứ bậc nghề, bậc lương...