Cần thêm những hồ Gươm

Nhiều người đã ngất xỉu trong đêm đón mừng năm mới 2017 bên bờ hồ Gươm. Có những bạn trẻ chưa kịp chen chân gần đến sân khấu biểu diễn, không chịu nổi, đã phải quay ra. Nhưng thế là đã muộn. Biển người đông nghẹt, khiến sau đó, những nỗ lực cấp cứu gặp không ít khó khăn.

Thay vì niềm vui, nhiều người đã đón năm mới trong mệt mỏi và căng thẳng tột cùng, khi sự chen lấn làm người ta vẫn nguyên cảm giác chết hụt. Thói quen đón Tết quanh hồ Gươm, hoặc về đây trong những ngày lễ trọng đã thành một nếp sinh hoạt với những người sống ở Hà Nội. Nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng hồ Gươm bị quá tải đã được đề cập. Ở đêm đón mừng năm mới cách đây vài ngày, lượng người đổ về và xô đẩy đến nỗi nhiều hàng rào bảo vệ cũng thành vô tác dụng. Nếu không có giải pháp, chuyện buồn trong ngày vui sẽ còn tiếp diễn, thậm chí với mức độ nghiêm trọng hơn.

Với dân số hơn bảy triệu người, cộng với số người ngoại tỉnh cư trú thường xuyên, tổng dân số sống trên địa bàn Hà Nội hiện hơn mười triệu người. Hà Nội từ lâu đã được xác định phải trở thành một thành phố đa trung tâm. Không gian hồ Gươm rất đẹp, nhưng chỉ thích hợp khi thành phố có quy mô nhỏ hơn, chí ít là như khi chưa được sáp nhập Hà Tây. Nhưng chừng ấy năm trôi qua, Hà Nội đã làm gì để tạo nên những trung tâm khác, để tạo cảnh quan, cũng như làm “đối trọng” thu hút dòng người khỏi hồ Gươm? Câu trả lời gần như là không.

Khoan hãy nói giá trị lịch sử văn hóa hồ Gươm là điều mà khó nơi nào bì kịp, cái cần so sánh ở đây là cách tổ chức không gian. Hồ Gươm là không gian mở, không có rào chắn, có sự hài hòa giữa đường đi bộ ven hồ và hệ thống cây xanh. Kế đến, quanh hồ Gươm có tổng cộng 17 tuyến phố hướng về. Chính những tuyến phố này khiến việc tập trung, rồi giải tỏa một lượng lên đến vài chục nghìn người trở nên thuận lợi. Sau khi kết thúc những cuộc vui, người ta thường chỉ bị ùn tắc giao thông trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Gần đây, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật được tổ chức tại quảng trường sân vận động Mỹ Đình, nhưng không gian tại đây, kém xa hồ Gươm về mọi mặt. Trong nội đô, chỉ có một không gian có thể so sánh với hồ Gươm - là hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất. Nhưng ngoài việc bị rào kín, những đường thoát chung quanh hồ Bảy Mẫu là quá ít. Và mỗi lần xem bắn pháo hoa, hay tham gia những sự kiện văn hóa lớn ở những địa điểm trên, là một lần người ta ra về trong mệt mỏi bởi nạn tắc đường.

Những trung tâm mới là điều khá bức thiết trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Bài học về tổ chức không gian quanh hồ Gươm vẫn còn nguyên giá trị. Cũng cần nhớ rằng, việc đón năm mới, hay tụ về hồ Gươm trong những ngày lễ trọng được xem là truyền thống. Nhưng thật ra, tập tục này hình thành chưa lâu lắm, sớm nhất cũng phải sau khi người Pháp quy hoạch hồ Gươm. Nói vậy để thấy, một “hồ Gươm mới” có được hình thành hay không, phụ thuộc chính chúng ta.