Ứng phó thời tiết bất thường:

Cần một tầm nhìn dài hạn

Những đợt nắng gắt kéo dài đang khiến không ít người dân làng đào Nhật Tân phải mang những cành đào nở sớm ra chợ bán ngay từ đầu tháng 12-2018 dương lịch. Tại miền trung, ngay giữa mùa mưa nhưng nơi thì ngập úng, nơi lại rơi vào cảnh khô hạn, thiếu nước. Thời tiết “nhảy múa”, với những diễn biến bất thường gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sản xuất của người dân, khi mà Tết Nguyên đán đã cận kề.

Nông dân xã Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam đốt đồng chuyển sang trồng các loại hoa màu chịu hạn. Ảnh: TẤN LỰC
Nông dân xã Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam đốt đồng chuyển sang trồng các loại hoa màu chịu hạn. Ảnh: TẤN LỰC

Khô hạn giữa... mùa mưa

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mùa lũ năm nay rất đặc biệt, gọi là mùa lũ nhưng thực tế là hạn, lượng nước ở các hồ thủy lợi, thủy điện miền trung thiếu hụt 70 - 80%. Tới thời điểm này, ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn còn khô hạn. Nếu từ nay đến cuối năm, tình hình mưa lũ không có những đột biến đáng kể, không có giải pháp tích nước, nguy cơ xảy ra hạn hán ở khu vực này là rất cao. Lượng nước thiếu hụt này còn gây ảnh hưởng rất lớn cho mùa khô năm 2019.

Cùng với đó, theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn các tháng cuối năm thì lượng mưa trên khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 50%. Hiện tượng El Nino cũng đang được dự báo nhiều khả năng sẽ quay lại vào đầu năm 2019. Bão cũng đã đến giai đoạn cuối mùa, nên ít có khả năng mưa lũ, vì vậy, nhiều tỉnh Trung Bộ sẽ phải đối mặt với mùa khô hạn 2018-2019 khá gay gắt.

Chia sẻ với báo chí, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dòng chảy trên sông, dòng chảy đến hồ, bảo đảm việc vận hành các hồ chứa theo đúng quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ. Trường hợp không xảy ra mưa, lũ thì ưu tiên việc tích nước các hồ chứa để bảo đảm đủ nước cấp an toàn cho mùa cạn năm 2019. Đồng thời xây dựng phương án khai thác, sử dụng nước tiết kiệm và có phương án khai thác, sử dụng các nguồn nước thay thế. “Chúng tôi chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng chịu hạn cao, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với diễn biến thời tiết phức tạp, thích ứng với hiện tượng El-Nino và biến đổi khí hậu (BĐKH)”- ông Huỳnh Tấn Đức cho biết.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam trước mắt, trong năm 2018, cho đắp đập tạm bằng bao cát trên đỉnh đập Quảng Huế để giảm lượng nước về sông Quảng Huế, tăng lượng nước về sông Vu Gia cấp nước cho các huyện Đại Lộc, Điện Bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Về lâu dài, TP Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của thành phố Đà Nẵng nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế để xây dựng giải pháp điều tiết, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế nhằm nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia, khôi phục lại trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Nông nghiệp chủ động thích ứng

Theo ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường): BĐKH làm cho tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, như ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, làm thu hẹp các diện tích sản xuất nông nghiệp, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực, sinh thái… Với đặc thù gắn chặt với các yếu tố tự nhiên và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố tự nhiên, các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các cơ quan quản lý nhà nước và cả người dân cần nắm thông tin để có kế hoạch thích ứng, thí dụ như có kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ít cần nước. Cần nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động ứng phó và giảm nhẹ rủi ro.

Về lâu dài, người dân cần tận dụng triệt để nguồn nước mưa và tính tới chuyện bổ sung cho nước ngầm để có thể khai thác, sử dụng trong thời kỳ khô hạn. Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cần rà soát, điều chỉnh và quản lý quy hoạch các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để ứng phó. Đặc biệt, cần tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ và nông dân về các hoạt động thích ứng, giảm thiểu tác động của BĐKH trong các lĩnh vực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong đó ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương. Tăng cường các hoạt động liên kết vùng, các lĩnh vực trong triển khai các hoạt động ứng phó ở các vùng sinh thái ven sông, ven biển, lưu vực và các vùng sinh thái tiếp giáp.