Bình minh dưới ánh sao vàng

Ngay từ tháng 2, khi đại dịch Covid-19 còn chưa nhấn chìm cả thế giới trong nỗi sợ hãi đến tê liệt như bây giờ, Việt Nam đã được không ít hãng thông tấn hàng đầu thế giới đề cập như một điểm sáng kỳ lạ. Hiện tại, hữu xạ tự nhiên hương, sự nể phục ngày càng rõ rệt hơn từ bạn bè quốc tế khẳng định hùng hồn tính ưu việt của "thế trận toàn dân chống dịch" - điều đang được tiếp tục triển khai và củng cố với sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả mọi trái tim Việt Nam.

Người dân Việt Nam giữ khoảng cách nghiêm ngặt khi xếp hàng đợi đến lượt xét nghiệm. Ảnh REUTERS
Người dân Việt Nam giữ khoảng cách nghiêm ngặt khi xếp hàng đợi đến lượt xét nghiệm. Ảnh REUTERS

Việt Nam - đất nước an toàn

"Chúng ta rất may mắn được sinh sống và làm việc tại Việt Nam (vào thời điểm này)!" - đó là một câu trong thông điệp chính thức được phát đi từ Ðại sứ quán Anh ngày 30-3, nhằm kêu gọi các công dân Anh đang có mặt tại đất nước ở Ðông - Nam Á này tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh mọi khuyến cáo, quy định, điều luật, để "chung sức góp phần ngăn chặn đại dịch toàn cầu".

Nhìn từ bất cứ khía cạnh nào, thông điệp ấy cũng là sự xác nhận rằng Việt Nam đang đi đúng hướng, khi đối diện với cơn tai ách lớn ập xuống nhân loại. Và ở đây, chỉ cần làm đúng những gì đơn giản mà mọi công dân Việt Nam đang thực hiện một cách nghiêm túc (hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc gì thật sự cần thiết, đeo khẩu trang khi xuất hiện ở nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với những người chung quanh, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, chia sẻ thông tin y tế và hành trình khi được yêu cầu…), bất cứ ai cũng sẽ giữ được an toàn cho chính bản thân mình, cũng như cho cả xã hội.

Minh chứng cho tất cả, ngày 5-4, tờ The Star (Malaysia) giật tít: "Một ngày chủ nhật hạnh phúc cho Việt Nam, khi không có thêm ca nhiễm dịch Covid-19 nào". Nói như ngôn ngữ của một bài viết đăng trên trang điện tử Diễn đàn Kinh tế thế giới ngày 30-3: "Việt Nam có thể trở thành một ngọn hải đăng về cách kiểm soát Covid-19 với nguồn lực hạn chế".

Bình minh dưới ánh sao vàng ảnh 1

Một hình ảnh đẹp khác về cuộc sống ở Việt Nam "thời Covid" của hãng Reuters.

Ðiều bất ngờ rạng rỡ

"Làm thế nào mà một quốc gia có mật độ dân số cao, có đường biên giới giáp Trung Quốc, có hệ thống y tế không hề hiện đại và chỉ có ngân sách eo hẹp lại có thể giữ tỷ lệ nhiễm virus ở mức thấp như vậy?" - Ðài Truyền hình Ðức DW đã phải đặt câu hỏi từ hôm 26-3.

Trước đó 10 ngày, The Diplomat - một trong những trang bình luận quốc tế uy tín nhất thế giới - cũng đã đưa Việt Nam vào tâm điểm, nhưng với một mệnh đề "điềm đạm" và thực tế hơn: "Việt Nam đã học được gì từ những sai lầm của Trung Quốc (trong đại dịch Covid-19)?". Còn từ ngày 28-2, Hãng thông tấn Haaretz (Israel) đã "giật mình": "Israel có thể học gì từ Việt Nam, về cách đánh bại Coronavirus (tên gọi lúc đó của virus SARS-Cov-2)?". Trong khi đó, tờ Financial Times (FT) nhấn mạnh: "Việt Nam được ngợi ca như một hình mẫu chống dịch bệnh với chi phí thấp".

Không ít quốc gia đã bị Covid-19 tàn phá nghiêm trọng, chịu tổn thất nặng nề về sinh mạng người dân. Song, đến lúc này, ở Việt Nam, vẫn chưa có bệnh nhân nào thiệt mạng. Trong cuộc chiến đấu đang diễn ra chống lại dịch bệnh toàn cầu, tiếng nói của Việt Nam mỗi lúc lại giàu thêm sức nặng, chính là bởi thực tế không thể phủ nhận đó.

Bởi vậy, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jok Hoi khẳng định: "Chúng tôi đánh giá rất cao sự chủ động và điều phối của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hẹp về đối phó với dịch Covid-19. Ðó sẽ là bước khởi đầu thuận lợi cho các Hội nghị ASEAN sắp tới do Việt Nam tổ chức. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra được một Tuyên bố về ứng phó của ASEAN với dịch bệnh, thể hiện sự đoàn kết và sự ủng hộ lẫn nhau trong việc đối phó với dịch bệnh. Tôi chắc chắn rằng đây cũng là một hình mẫu cơ bản của việc ASEAN có thể hợp tác, phối hợp để chung tay bảo vệ sức khỏe cho người dân trong khối ASEAN".

Hãy vững niềm tin, như người Việt!

"Khi đại đa số người dân Việt Nam còn đang ăn Tết Nguyên Ðán, thì Thủ tướng của họ đã chủ trì một cuộc họp của Chính phủ về Covid-19" - chi tiết ấy trong bài viết của FT đã khắc họa toàn bộ sự nghiêm túc và sự kích hoạt hệ thống y tế dự phòng toàn quốc của Việt Nam từ rất sớm - vấn đề mấu chốt để Việt Nam đứng vững trước Covid-19.

Truyền thông thế giới đã "mổ xẻ" rất kỹ các chi tiết kỹ thuật như vậy, nhằm giải mã một thành công ngoài sức tưởng tượng. Nếu đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ca ngợi "sự chủ động và nhất quán của Việt Nam trong quá trình chống dịch", thì FT ấn tượng với việc Việt Nam "đã huy động hiệu quả hệ thống nhân viên y tế, quân đội và mạng lưới thông tin". Nếu The New York Times chú ý đến việc "Việt Nam đã nhận định đúng đắn về những nguy cơ, để đưa ra những quyết định kịp thời và hiệu quả", thì DW khâm phục chuyện "mọi người đang làm tất cả những gì có thể, vì họ tin vào chính phủ trong cơn khủng hoảng này và tin vào thành công của cuộc chiến chống lại dịch bệnh". Nếu hãng Reuters hay tờ The National Post (Canada) theo sát để đưa tin về các biện pháp mà Nhà nước Việt Nam thực hiện nhằm giúp đỡ người dân (điều trị miễn phí, cung cấp lương thực, kích hoạt các gói cứu trợ cho nhiều tầng lớp trong xã hội...), thì The Diplomat lại bị lay động bởi những sự hy sinh thầm lặng, như cách "các quân nhân Việt Nam nhường chỗ ngủ cho những người đến cơ sở cách ly do quân đội quản lý".

Và Sputnik (Nga) đúc kết: "Nhân dân Việt Nam có truyền thống đoàn kết một lòng, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn và thách thức".

Niềm tin, sự đồng thuận, khả năng phán đoán và ứng phó linh hoạt. Tất cả những điều đó hòa quyện vào nhau, và được thắt chặt bằng một điều cao cả: Tình yêu dành cho Tổ quốc.

Dư luận thế giới có lẽ không để ý nhiều đến thứ chất xúc tác vô giá ấy. Song, không phải là khi họ ca ngợi bài hát ngắn và vui nhộn về dịch Covid-19 xuất phát từ Việt Nam, hay khi họ nhắc đến câu khẩu hiệu đang lan truyền trên mạng xã hội: "Ở nhà là yêu nước!", họ chẳng đã gián tiếp thừa nhận sức lan tỏa vô song của lá cờ đỏ sao vàng trong mỗi trái tim người Việt đó sao?