Bình đẳng trong quan hệ lao động

Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua có đến mười nội dung mới liên quan mật thiết đến người lao động (NLĐ) và sáu nội dung mới đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Làm sao để việc thực thi bộ luật lần này đạt hiệu quả cao là vấn đề được dư luận quan tâm.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Đổi mới trong quan hệ lao động

Được đánh giá là có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng quan hệ lao động và phát triển lực lượng lao động, lần đầu tiên Bộ luật Lao động (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động. Đồng thời quy định về nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện NLĐ và tổ chức đại diện NSDLĐ trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Theo các chuyên gia lao động, các chế định về hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng được quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với NLĐ, cụ thể như: NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại HĐLĐ; NLĐ được quyền yêu cầu NSDLĐ cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt HĐLĐ (các chi phí của việc cung cấp này do NSDLĐ trả). Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm, nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho NLĐ; bổ sung một ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với NLĐ liền kề với ngày Quốc khánh 2-9; bổ sung thêm trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương.

Đáng chú ý là Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể nhiều DN nhằm khuyến khích áp dụng các thỏa thuận có lợi hơn đối với NLĐ. Ngoài ra, Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này còn có những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới; bổ sung quy định trường hợp HĐLĐ hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết HĐLĐ mới...

Lần đầu tiên, Bộ luật Lao động cũng luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (LMHTX) và các tổ chức đại diện của NSDLĐ khác. Có một điểm đáng lưu tâm khác là Bộ luật Lao động cũng mở rộng quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ; NSDLĐ được quyền ký kết nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn đối với lao động cao tuổi và lao động là người nước ngoài.

Về tiền lương, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN, tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa các bên. Ngoài ra, DN cũng được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; bổ sung quy định trường hợp phải ngừng việc hơn 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận. Quy định đối thoại định kỳ tại DN được nâng lên mỗi năm một lần. Ngoài quy định linh hoạt về đăng ký nội quy lao động (có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp huyện), các quy định về giải quyết tranh chấp lao động cũng linh hoạt hơn nhằm tạo thuận lợi cho cả NLĐ và NSDLĐ.

Đòi hỏi sự chuyển động của bộ máy

Nhìn lại quá trình chuẩn bị, xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 là cả một quá trình thỏa thuận, thương lượng và cũng có phần chia sẻ với nhau. Bộ luật có nội dung, phạm vi rất lớn và tác động sâu rộng đến hàng chục triệu NLĐ, bao gồm cả lực lượng ở khu vực chính thức và phi chính thức. Giờ đây, rất cần quá trình thực thi để làm thế nào đưa bằng được đầy đủ, trọn vẹn những giá trị tiến bộ của luật vào cuộc sống. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, điều đầu tiên phải tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cặn kẽ cho NLĐ thấy đâu là quyền lợi, đâu là trách nhiệm. Phải chuyển tải các nội dung của Bộ luật đến chủ sử dụng lao động và NLĐ thông qua báo chí, hệ thống Công đoàn Việt Nam, tổ chức đại diện NSDLĐ (bao gồm cả VCCI, LMHTX, Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hiệp hội doanh nghiệp có liên quan).

Đánh giá về Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019, Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho biết, đây là một tiến bộ quan trọng sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng.

Nhiều chuyên gia lao động cũng cho rằng, lần này không chỉ điều chỉnh lao động trong quan hệ lao động mà điều chỉnh cả lao động thuộc khu vực phi chính thức hay còn gọi là lực lượng lao động không có quan hệ lao động, làm việc không có hợp đồng lao động. “Vì thế, phải tuyên truyền, giải thích làm chuyển biến nhận thức để mọi NLĐ thấy được trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mình tại Điều 35 của Hiến pháp: Quyền được làm việc, quyền được lựa chọn việc làm, nơi làm việc, quyền được hưởng lợi thành quả lao động của mình, quyền được bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Chính phủ, các bộ liên quan phải sớm ban hành tất cả nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật để bảo đảm thời điểm Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 thì các văn bản hướng dẫn cũng phải có hiệu lực đồng thời, tránh tình trạng chậm trễ như với Bộ luật Lao động năm 2012”, ông Bùi Sỹ Lợi kiến nghị.

Chỉ còn hơn một năm nữa là dự luật mang tính đổi mới này có hiệu lực, nếu các cơ quan quản lý không chuyển động kịp thời đáp ứng đòi hỏi rất lớn của việc xây dựng các văn bản dưới luật, e rằng, lo ngại trên là có cơ sở.

Điểm đáng chú ý, Bộ luật Lao động mới điều chỉnh quyền, nghĩa vụ hợp pháp của NSDLĐ và NLĐ trong quan hệ lao động. Hai đối tượng này bình đẳng với nhau nhưng mang tính tương đối. Vẫn phải có một phần nhỏ ưu tiên người lao động. Quan điểm này phải nhất quán, xuyên suốt trong các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật cũng như tổ chức triển khai thi hành cụ thể.