Bay lên... những “cánh diều không trọn vẹn”!

KOTO, mới đây đã được CNN vinh danh là “Nhà hàng truyền cảm hứng nhất Việt Nam”. Chặng đường hơn 20 năm qua đã cho thấy lựa chọn của doanh nghiệp xã hội (DNXH) đầu tiên tại Việt Nam này đã mang lại trái ngọt như thế nào!? KOTO không đơn độc khi ngày một nhiều DNXH lựa chọn con đường tạo nên cơ hội có được “cần câu” cho người yếm thế!

Thành viên của Cánh diều tham gia giới thiệu sản phẩm của lớp học tại hội chợ về DNXH.
Thành viên của Cánh diều tham gia giới thiệu sản phẩm của lớp học tại hội chợ về DNXH.

Dấn thân

Khởi đầu với chín thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và một kế toán viên, năm 1999 cửa hàng bánh kẹp đầu tiên, tiền thân của nhà hàng KOTO, được ông Jimmy Nguyễn mở ra nhằm mục đích tạo một nơi làm việc lành mạnh cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Sau đó là khoảng thời gian để phát triển cửa hàng thành nhà hàng, một nhà hàng đặc biệt mang đến cơ hội học tập miễn phí và được cấp chứng chỉ nghề trong ngành dịch vụ khách hàng, nghề bếp chuyên nghiệp. Đến nay, đã có gần 1.000 học viên tốt nghiệp. Sau khi hoàn thành khóa học, có đến gần 50% số cựu học viên trở thành nhân viên tại nhà hàng KOTO.

Có thể nói, ở thời điểm KOTO dấn thân vào con đường trở thành một địa chỉ tiên phong trao “cần câu” cho người yếm thế, mọi sự không hề đơn giản, khó khăn chồng chất. Thiếu kinh nghiệm của người đi trước, thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu cả sự thấu cảm của cộng đồng, thậm chí còn không ít định kiến xã hội…, nhưng họ đã không dừng lại. KOTO đã định vị mình trở thành thương hiệu được biết đến như là nơi tạo nên cơ hội đổi đời cho người yếm thế, và hơn nữa, còn góp phần tạo nên động lực, cảm hứng cho các DNXH khác dấn thân vào con đường chông gai này. Chị Nguyễn Thị Thảo - người sáng lập “Pots ‘n Pans”, nhà hàng liên kết giữa KOTO và Small Giants, công ty đầu tư lớn của Ô-xtrây-li-a, có một tuổi thơ bám vào đường phố Hà Nội, kiếm sống qua ngày. Thế rồi, Thảo đến với KOTO, và từ đây, chị đã tốt nghiệp, vươn ra học hỏi ở môi trường quốc tế. Đến một ngày, Thảo đã đủ hành trang để trở về Việt Nam, tạo nên cơ hội “thay đổi số phận” cho những bạn trẻ có cùng hoàn cảnh như chị…

Lớp học “tự bay”

Một trong những “người tiên phong” khác chính là chị Lê Thị Ngọc Anh, người đang tìm tòi những bước đi đầu tiên trên chặng đường trao cơ hội tự lập cho các bạn tự kỷ, khuyết tật trí tuệ (KTTT), nhóm người khuyết tật còn thiếu cơ hội được hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng. Không chờ đợi những chính sách hỗ trợ được ban hành, chị Lê Thị Ngọc Anh hành động để tạo cơ hội cho nhóm yếu thế ấy được chính sách và cộng đồng biết đến. Tháng 2-2018, sau nửa năm tìm tòi, nghiên cứu, chị Ngọc Anh chính thức đăng ký kinh doanh, đưa Lớp học Cánh diều trở thành DNXH giáo dục đặc biệt.

Nằm khiêm tốn trong ngõ nhỏ của đường Nguyễn Phúc Lai (Hà Nội), lớp học có sáu cô giáo (đã tính cả “tổng giám đốc” Ngọc Anh) và 21 học sinh. Lớp bao gồm hai hoạt động chính: thứ nhất, là can thiệp cho trẻ chậm phát triển và trẻ rối loạn phổ tự kỷ (dành cho các bạn dưới 18 tuổi); thứ hai, là hướng nghiệp cho các bạn thanh thiếu niên là người tự kỷ, KTTT trưởng thành (dành cho các bạn trên 18 tuổi). Mục tiêu là mong muốn giúp họ có cuộc sống độc lập hơn, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Ít ai biết rằng, trước khi mở ra “Cánh diều”, chị Ngọc Anh từng phá sản với câu lạc bộ Chi chi Chành chành. Dù biết trước là thử thách chưa hết, nhưng chị vẫn không từ bỏ bởi canh cánh nỗi lo: “Nếu không được mở ra cơ hội, các bạn ấy sẽ lại phải trở về với gia đình và tiếp tục cuộc sống phụ thuộc, tiếp tục… đứng bên lề cuộc sống. Trong khi khả năng các bạn ấy tự lập được là rất lớn”. Lần thành lập DNXH này, chị phải đi vay, đi mượn khắp nơi, cốt sao để mở ra một cơ hội mới, đưa các bạn KTTT về với mái nhà “Cánh diều”.

Nhưng đúng là đường đi của lớp học đặc biệt này thật không ít chông gai. Sách handmade, sản phẩm đầu tiên mà chị Ngọc Anh và các cô giáo ở Lớp hướng dẫn học sinh làm lại không được thị trường đón nhận, thu nhập cho các bạn khá bấp bênh. Mãi đến tháng 9 vừa rồi, khi chị Ngọc Anh quyết định chuyển hướng cho Lớp làm túi giấy, cơ hội mới mở ra. “Mình chỉ chia sẻ lên mạng để phụ huynh các bạn ủng hộ thôi, ai ngờ cộng đồng mạng ủng hộ rộng rãi như thế!”- chính “tổng giám đốc” cũng phải ngỡ ngàng thốt lên như thế khi những đơn hàng liên tục bay đến... Các cô tại Lớp còn “tham vọng” sau Tết sẽ mở ra một Cánh diều Food, chuyên bán những món ăn do các bạn KTTT tự tay chế biến và đóng gói, khởi đầu thử nghiệm là khô gà lá chanh - thức quà vặt dễ ăn, dễ làm.

“Cánh diều” nói riêng, các DNXH hỗ trợ hòa nhập cho người KTTT nói chung chắc chắn phải cần thêm thời gian mới có thể cất cánh. Nhưng từ những gì các DNXH nói trên đã trải qua và đạt đến thành công, tin rằng, sự lớn mạnh của mạng lưới các DNXH là hoàn toàn có thể! Nhà văn Lỗ Tấn từng viết: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi!”. Đam mê và trách nhiệm đến cùng với sự lựa chọn của mình là cách thức mà những người sáng lập các mô hình DNXH góp phần tạo dựng một xã hội bao dung và ấm áp.