Bảo vệ môi trường thời chống dịch

Trước hiện trạng khẩu trang y tế (KTYT) sau sử dụng bị vứt bỏ bừa bãi, gây ra ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, Bộ Y tế đã ra văn bản về việc xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý này sẽ rất khó khăn, đòi hỏi sự quyết liệt trong triển khai của các đầu mối thực thi.

Bảo vệ môi trường thời chống dịch

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, văn bản do Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên ký ngày 14-2 gửi các bộ, ngành liên quan và các địa phương có nội dung đề nghị các UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo bỏ khẩu trang. Sau khi tháo cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín theo quy định và rửa sạch tay. Các địa phương cần bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại nơi công cộng. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định theo Ðiểm c, Ðiểm d, Khoản 1, Ðiều 20 Nghị định số 155/2016/NÐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, đối với hành vi vứt, thải, bỏ KTYT không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt tối đa lên tới 7 triệu đồng.

Tại thời điểm cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, việc thống nhất giữa Bộ Y tế và Bộ TN&MT đưa ra công văn này là đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên, trong triển khai thực thi đang có không ít băn khoăn. Trước hết là khó khăn về việc phân loại rác và bố trí thùng rác chuyên dụng để bỏ KTYT. Chị Hoàng Thị Hoa, công nhân vệ sinh trên địa bàn phường Hàng Bông, Hà Nội chia sẻ, người dân hiện vẫn chưa hình thành thói quen phân loại rác từ nguồn nên rất khó cho công nhân vệ sinh trong việc thu gom rồi quá trình xử lý rác thải sau đó. “Chưa kể, có nhiều người thường đi xe qua, tiện tay rồi vứt luôn KTYT trên đường, chúng tôi không thể kịp nhắc nhở được”, chị Hoa nói. Việc bố trí lực lượng chức năng đủ thẩm quyền xử phạt cũng là một cái khó nữa. Phân tích về những khó khăn trong xử lý KTYT sau khi sử dụng, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Môi trường cho rằng: “Nhìn một cách đa chiều, đây cũng chính là một cơ hội để việc phân loại rác thải tại nguồn trở nên gần hơn, và cấp thiết hơn tới cộng đồng. Chúng ta tuyên truyền, vận động người dân loại KTYT ra riêng khi bỏ rác từ đó hình thành thói quen phân loại rác”.

Ngay sau khi Bộ Y tế gửi công văn nói trên, Bộ TN&MT cũng lập tức đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương tăng cường thực hiện một số công tác cần thiết để chống dịch. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức cộng đồng về việc sử dụng KTYT. Ðồng thời tăng cường kiểm tra giám sát nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom KTYT đã qua sử dụng để tái sử dụng nhằm trục lợi bất chính, trường hợp phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng, mấu chốt của việc bảo đảm thu gom, xử lý KTYT đã qua sử dụng đúng cách theo hướng dẫn của ngành y tế phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân và sự hưởng ứng từ cộng đồng! Ðiều đó đòi hỏi sự vào cuộc trong tuyên truyền vận động của đội ngũ cán bộ cơ sở. Bảo vệ môi trường, ngăn chặn dịch bệnh cần được bắt đầu từ việc nâng cao ý thức của mỗi người trong việc phòng ngừa bệnh, cụ thể từ việc xử lý KTYT. Hãy dùng một cách hợp lý, tiết kiệm KTYT và xả bỏ đúng quy định, chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ!