Bão Damrey, thêm bài học ứng phó

Hai mươi năm sau cơn bão Linda (2-11-1997) gây nhiều mất mát ở Nam Bộ, để lại cho chúng ta bài học đau đớn về ứng phó với bão, thì một cơn bão mang tên Damrey (Bão số 12) và mưa lũ sau bão đã gây tổn thất rất nặng nề về người, tài sản ở khu vực miền trung, đặc biệt các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Ứng cứu giúp người dân ổn định lại cuộc sống, bảo vệ an toàn hồ đập sau mưa lũ… đang là vấn đề cấp thiết, mà phóng viên chúng tôi ghi nhận tại các địa phương ảnh hưởng nghiêm trọng của bão.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC số 2 (Quảng Ngãi) giúp vệ sinh trường học trên địa bàn. Ảnh: Đông Huyền
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC số 2 (Quảng Ngãi) giúp vệ sinh trường học trên địa bàn. Ảnh: Đông Huyền

Cái giá mặn chát

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Công ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, địa phương bị thiệt hại nặng nhất của Khánh Hòa. Bão 12 làm anh bị thương, đang điều trị ở TP Hồ Chí Minh. Người nhà cho biết, toàn bộ lồng bè nuôi tôm hùm của gia đình bị bão đánh tan hết. Thiệt hại ước tính khoảng chừng 35 tỷ đồng. Nói được chừng ấy, người vợ òa khóc. Tôi hiểu. Ở đó là cả ước mơ về một cuộc sống an lành.

Phía biển, ngoài đó còn có hàng trăm con người đang lênh đênh, không biết còn hay mất. Đó là những chủ bè, những người lao động trên bè nuôi trồng thủy hải sản. Chính quyền địa phương đã cảnh báo, buộc phải rời bè về nơi an toàn nhưng do tài sản lồng bè quá lớn, họ đã tìm cách ở lại. Bão lớn, một số người kịp vào trú trên đảo, một số khác không kịp. Lãnh đạo huyện trực tiếp liên hệ với lực lượng cảnh sát biển, Hải đội 302, cứu viện. Mãi cho tới chiều ngày 7-11, vẫn còn 8 người chưa liên lạc được. Không khí trĩu nặng, căng thẳng phủ trùm cả làng chài Vạn Giã. Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh Trần Kim Bảo cho biết, Vạn Ninh có hơn 12.400 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản bị sóng đánh vỡ, thiệt hại vật chất ước tính hơn 1.500 tỷ đồng.

Ngay chiều 7-11, chúng tôi trở lại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Cả làng chài sau cơn bão điêu tàn, hầu hết nhà cửa của bà con đều bị tốc mái. Những người đàn ông thất thần nhìn ra biển. Những người phụ nữ mắt đỏ hoe ngóng chờ người thân. Toàn xã Vạn Thạnh có khoảng 3.000 lồng nuôi tôm hùm. Bão số 12 đánh tan gần hết số lồng nuôi tôm, hơn 1.000 tỷ đồng của người dân cuốn theo bão. Người nuôi ít thì thiệt hại vài tỷ đồng, người nuôi nhiều lên đến cả chục tỷ đồng. Ông Trương Văn Thu (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) than thở: “Bây giờ trắng tay rồi. Đến nước này chỉ còn biết chờ người mua tôm chết đây…”.

Thống kê mới nhất, số người chết do bão số 12 tại Khánh Hòa là 37 người. Tổng thiệt hại ước tính hơn 7.000 tỷ đồng. Với người dân Khánh Hòa, bão số 12 sẽ là lời cảnh tỉnh sâu sắc, một cách đau xót, rằng Khánh Hòa không phải là vùng đất không có... bão. Để người dân Khánh Hòa không còn chủ quan trong công việc phòng chống, ứng phó với bão. Ở đây, không chỉ là sự chủ quan trong chống bão mà chủ quan ngay trong cả cách thiết kế, xây dựng nhà cửa. Theo giới chuyên môn về xây dựng, ở những địa phương có nhiều bão, người dân gắn mái nhà xuống đà, rồi giằng đà xuống tường; xong, chằng nhiều bao cát lên trên. Còn ở Khánh Hòa, cứ để đà, mái lên trên tường, không chằng, giằng, bao cát… gì cả. Thực tế từ bão 12 cho thấy, những ngôi nhà có mái được giằng kỹ lưỡng đã trụ lại được.

Ứng cứu trong mưa lũ

Chiều tối 7-11, vùng trũng của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế nước lũ còn lai láng. Nhiều khu dân cư ba xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương còn bị cô lập. Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Siêu Quần, xã Phong Bình) kể: Nước lên nhanh, nhiều nhà cửa chìm dần trong lũ. Cả thôn bị chia cắt, thóc gạo chưa kịp kê lên cao đã bị ướt hỏng hết rồi. “Vất vả lắm, giờ hết thức ăn ra quán mua mì tôm mà không biết đi có được không. Bây giờ thiếu ruốc thì mượn ruốc, thiếu muối thì mượn muối, thiếu cái chi thì mình mượn về ăn tạm. Nước ngập sâu quá không đi mô được”.

Làng Siêu Quần có 350 hộ dân, với 1.200 nhân khẩu bị nước lũ cô lập suốt ba ngày qua. Trong hoạn nạn, tình làng nghĩa xóm nơi vùng lũ càng thêm sâu nặng. Mấy ngày nay, ông Phan Thanh Đấu, 60 tuổi ở thôn Siêu Quần không quản ngày đêm, chèo ghe quanh xóm giúp người già, trẻ nhỏ, bà con lối xóm có nhà ngập sâu di chuyển lên cao. Theo ông Đấu, ở đây những nhà thấp, nhà neo đơn thì có thôn giúp đỡ di dời vào nhà cao hơn, nhà tầng. Về cơm gạo, ai thiếu thì bà con sẻ chia, đùm bọc. Lúc này tình làng nghĩa xóm càng gắn bó hơn.

Hơn 1.100 ngôi nhà ở huyện Phong Điền ngập chìm trong nước bạc. Nhưng theo ông Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, huyện Phong Điền, bà con vùng bị cô lập đã san sẻ nhau từng bát cơm, tấm áo, không để ai phải đói rét. “Hiện nay có một số hộ đã về nhà, còn một số hộ đang bị ngập nặng thì bà con tiếp tục ở những vùng bảo đảm an toàn. Trong những ngày tới, chính quyền địa phương tiếp tục bố trí lương thực, thực phẩm để hỗ trợ bà con” - ông Huy khẳng định.

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 triển khai bốn đoàn công tác với hơn 20 nghìn cán bộ, chiến sĩ quân khu cùng lực lượng dân quân tự vệ ở các địa phương xuống địa bàn bị thiệt hại nặng do thiên tai ở nam Tây Nguyên; Phú Yên - Khánh Hòa; Bình Định - Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam giúp di dời dân, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sạt lở tìm kiếm người mất tích. Phía ngành giao thông, ông Trần Quang Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 2 (Tổng Cục đường bộ, Bộ GTVT) cho biết: Cục chủ động phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo các đơn vị trực 100% quân số và huy động phương tiện xe, máy để đoạn đường nào bị sạt lở là huy động khắc phục bằng mọi giá để kịp thông xe sớm nhất.

Bảo đảm an toàn hồ đập

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị những ngày này có mưa rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp là rất cao. Hiện nước trên các sông ở nơi đây tiếp tục dâng cao trở lại.

Bão Damrey, thêm bài học ứng phó ảnh 1

Bác sĩ Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) đang hồi sức cho thủy thủ bị tai nạn chìm tàu do bão số 12. Ảnh: Cát Hùng

Do mưa lớn, tại Quảng Nam, hồ Rôn (xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My) dung tích 1,1 triệu m3, đập cao 21,5 m, dài 111 m, tràn xả lũ tự do ngưỡng (+108) m, rộng 30 m. Theo báo cáo, trong hai ngày 4 và 5-11, tổng lượng mưa trong khu vực hồ là 1.215 mm. Rạng sáng 6-11, hồ nước Rôn bị vỡ tràn xả lũ, đã xói đến nền đá gốc ở cao trình (+101) m. Huyện Bắc Trà My đã di dời 250 hộ dân ở hạ du, không có thiệt hại về người.

Lo ngại nhất hiện nay là các hồ chứa nước, thủy điện tích trữ nước dung lượng lớn, nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về. Những ngày qua lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, chỉ đạo tăng cường giám sát hồ đập, thủy điện và chủ động ứng phó bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu. Công trình hồ chứa Nước Trong nằm trên địa bàn sáu xã của hai huyện Sơn Hà và Tây Trà, là hồ chứa nước lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Hồ có tổng lưu vực 460 km2, với dung tích chứa 290 triệu m3. Hiện nước về hồ trung bình 203 m3/s trong tầm kiểm soát, chủ công trình tiếp tục quan trắc, theo dõi lượng nước đổ về để có phương án xả lũ khi mưa lớn.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, các đơn vị quản lý hồ đập đã chấp hành nghiêm túc quy trình vận hành liên hồ trên các lưu vực sông. Tuy nhiên, hiện trữ lượng nước ở các hồ chứa, thủy điện còn cao nên các đơn vị vận hành không chủ quan sau khi lũ đi qua. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ công trình phải theo dõi chặt chẽ lượng nước tích trữ trong hồ, quan trắc đo mưa, lưu lượng tự động đến hồ để chủ động tham mưu, hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành kịp thời, nhất là đối với tình huống khẩn cấp, bất thường nếu tiếp tục xảy ra lũ lớn.

Còn theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hiện các hồ đã ở mức cao, cho nên vận hành hồ chứa phải rất cẩn trọng, vừa bảo đảm an toàn vùng hạ du vừa bảo đảm an toàn đập. Cần phải tăng cường dự báo mưa để vận hành một cách khoa học.

Thiết nghĩ, sau thiệt hại lớn, những bài học ứng phó với bão từ các địa phương ở miền trung vừa qua, mỗi người dân cần có những thay đổi nhận thức về bão, chủ động ứng phó chứ không chủ quan, lơ là như trước dự báo bão. Các cấp chính quyền địa phương cũng cần phải thay đổi tư duy về công tác phòng, chống lụt bão. Phải nâng cao nhận thức về phòng tránh thiên tai, quyết liệt nhiều giải pháp tiến bộ trong ứng phó với bão lũ.