Bảo đảm quyền lợi người lao động ở nước ngoài

Việt Nam hiện có khoảng 650 nghìn lao động làm việc ở nước ngoài. Bảo hộ cho công dân đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona (Covid-19) đang lan rộng trên quy mô toàn cầu.

Hiện có gần 50 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc, trong đó hơn 4.000 lao động ở hai vùng dịch lớn là Daegu và Bắc Gyeongsang. Anh Nguyễn Xuân Mười, làm việc tại tỉnh Daegu, cho biết, để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, Cục Xuất nhập cảnh Hàn Quốc sẽ đóng cửa tại một số khu vực đến ngày 30-4-2020 và tự động gia hạn thời gian lưu trú đến ngày 30-4-2020 cho những visa hết hạn lưu trú từ ngày 24-2 đến ngày 29-4-2020. Thông tin chia sẻ từ facebook của Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc và Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, người lao động ở Daegu và Bắc Gyeongsang lo lắng, có nguyện vọng về nước nhưng từ đầu tuần này, các chuyến bay từ Daegu và Bắc Gyeongsang về Việt Nam đã bị giảm tần suất. Cũng có ý kiến cho rằng, các lao động Việt hãy ở nguyên khu vực đang sinh sống, hợp tác và chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch của nước sở tại. Dù ở Seoul tình hình chưa căng thẳng như hai tâm dịch nói trên, nhưng chị Nguyễn Khánh Lan và nhiều người lao động Việt Nam khác cũng đang nghe ngóng tình hình và có nguyện vọng về nước tránh dịch.

Nhằm xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chủ trì, phối hợp Trung tâm lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các nước này; nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước (phương án theo quy mô lao động, như dưới 1.000 người, từ 1.000 - 5.000 người, từ 5.000 - 20 nghìn người…). Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện bảo đảm… Triển khai ứng dụng kết nối, hỗ trợ khẩn cấp trên điện thoại cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và các chương trình mà Trung tâm lao động ngoài nước đang triển khai.

Tại cuộc họp bàn về tình hình và kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 trong ngày 25-2, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền ứng dụng “Kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài” (COLAB SOS) của Trung tâm lao động ngoài nước, cũng như cần có những bài viết chuyên sâu, thông tin, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người lao động Việt Nam ở nước ngoài và người dân để khuyến khích sử dụng ứng dụng một cách có hiệu quả.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần tuyên truyền, động viên, khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các doanh nghiệp dừng ngay việc đưa lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp không chấp hành.

Lúc này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần đề xuất phương án chỉ đạo và ứng phó kịp thời khi tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, nhất là khu vực đúng tâm dịch. Theo đó, cũng cần mau chóng tính toán các biện pháp để sau khi dịch bệnh được khống chế, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm mục tiêu của năm 2020 là 130 nghìn lao động đến các nước có thu nhập cao.