Giảm giờ làm việc - Tăng giờ làm thêm

Bảo đảm lợi ích các bên

Tăng giờ làm thêm và giảm giờ làm việc là hai nội dung trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang gây tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Doanh nghiệp đồng tình tăng giờ làm thêm mà ngại giảm giờ làm việc. Người lao động thì ngược lại và còn muốn tăng thêm ngày nghỉ lễ trong năm...

Công nhân trong một ca sản xuất tại Công ty May Hưng Hà (Thái Bình). Ảnh: ÐĂNG ANH
Công nhân trong một ca sản xuất tại Công ty May Hưng Hà (Thái Bình). Ảnh: ÐĂNG ANH

Tăng giờ làm thêm chỉ nên cho một số ngành

Theo quy định của pháp luật lao động hiện nay, số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). Phía doanh nghiệp hầu hết ủng hộ việc tăng, bởi làm thêm giờ có thể được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp (DN), quyết định năng lực cạnh tranh của các DN với nhau. Cùng một đơn hàng nếu một DN ở quốc gia khác hoàn thành nhanh hơn một DN ở Việt Nam thì đương nhiên nhà đầu tư sẽ chọn DN ở quốc gia kia. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đề xuất tăng giờ làm thêm là phù hợp xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Cũng theo ông Lộc, thời gian qua nhiều DN than thở không ít đơn hàng xuất khẩu bị lỡ do không thể huy động được lao động vì số giờ làm thêm đã vượt trần. Quy định này, vì thế, có thể được xem như "cởi trói" cho một số DN thường xuyên phải sản xuất các đơn hàng theo thời vụ, mùa vụ.

Khác với ý kiến của DN, đại diện người lao động lại phản đối. Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Hansae Việt Nam, phân tích: hầu hết người lao động có nhu cầu làm thêm để tăng thêm thu nhập nhưng tăng mà không khống chế thời gian làm thêm tối đa trong tháng là đi ngược với xu thế chung. Có thể phải quy định thời gian tối đa theo tuần để bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Mới đây, trong phiên thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, đồng thời trả tiền lương lũy tiến. Và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải cân nhắc điều này vì việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Giảm giờ làm việc - khó cho doanh nghiệp

Ngoài việc tăng giờ làm thêm thì đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần như dự thảo luật cũng có những ý kiến trái chiều. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LÐ - TB & XH) giữ nguyên số giờ làm việc là 48 giờ/tuần như quy định hiện hành. Lý do giảm giờ làm trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn sẽ làm gia tăng gánh nặng, gây tác động xấu tới nền kinh tế. Quy định về thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần như hiện nay thì các DN của nhiều ngành nghề như: dệt-may, thủy sản, da-giày cũng đang phải đề nghị tăng giờ làm thêm đến 400 giờ/năm mới tránh bị phạt khi bố trí làm thêm giờ hết mức để có thể giao hàng đúng hạn. VASEP cho rằng: "Nếu giảm từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần, đương nhiên các đơn vị sẽ phải tăng thêm chi phí cho 4 giờ/tuần từ thời gian làm việc bình thường sang trả lương theo giờ làm thêm tối thiểu 150%; 200%; 300% đơn giá tùy theo ngày làm thêm. Ðối với DN quy mô 2.000 lao động sẽ phải trả thêm khoảng 5 tỷ đồng/năm".

Ðồng tình với VASEP, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, chưa nên bàn đến việc giảm thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần. "Kinh tế thế giới đang trong xu thế giảm tốc nhanh hơn. Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo như vậy. Nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp. Các DN đã bắt đầu cảm nhận được khi có tới 60% không có lãi trong nửa đầu năm 2019. Ðây là lúc cả người lao động và chủ sử dụng lao động phải đồng cam cộng khổ, mọi người cùng làm việc nhiều hơn", ông Lộc nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, bảo đảm tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của DN nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian để người lao động chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Ðiều này còn tạo ra động lực để DN cải tiến trang thiết bị, đổi mới quản trị, nâng cao năng suất.

Phải khẳng định rằng, đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động và chủ sử dụng lao động. Chính vì vậy, để có thể đưa ra giải pháp sao cho dung hòa được lợi ích của cả hai bên rất cần sự nghiên cứu, cân đo kỹ lưỡng. Hiện tại, quy định tăng giờ làm thêm đến 400 giờ/năm chỉ nên áp dụng cho một số ngành nghề, và phải được sự nhất trí của công đoàn, nhằm mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Mới đây, đại diện người lao động cũng đề nghị bổ sung vào Dự thảo Bộ luật Lao động tăng thêm một ngày nghỉ dịp Tết Dương lịch. Nếu vậy thì việc giảm giờ làm cũng nên tính đến "sức khỏe" hiện nay của DN. Tuy nhiên, về lâu dài, xu hướng phát triển tiến bộ của đời sống kinh tế - xã hội vẫn phải là giảm giờ làm và tăng lương.