Bác sĩ thời... 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” ngành Y tế, không chỉ đòi hỏi các bệnh viện (BV), cơ sở y tế phải không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, mà đội ngũ y sĩ, bác sĩ (BS) luôn phải nỗ lực học hỏi, nâng cao tay nghề để không trở nên lạc hậu với thời cuộc.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh thực hiện ca mổ thận có sự hỗ trợ của robot.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh thực hiện ca mổ thận có sự hỗ trợ của robot.

Khi robot cùng đồng hành khám chữa bệnh

Bàn về bác sĩ thời… 4.0, BS Trần Bá Thoại, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nội tiết Việt Nam cho rằng, trong thời công nghệ 4.0, các chatbot, robot nghe, nhìn, trao đổi thính giác hoặc văn bản, sẽ là những trợ lý đắc lực cho thầy thuốc, chuyên gia y tế giải quyết nhanh, chính xác các vấn đề y tế như chẩn đoán, điều trị, quản lý sức khỏe… Thầy thuốc thời công nghệ 4.0 đôi lúc có thể không cần phải dùng hết bốn thủ pháp thăm khám cổ điển là nhìn, sờ, gõ, nghe mà đã có các công nghệ CADe, CDx, Chatbot… hỗ trợ.

Và để bắt nhịp với xu thế phát triển như vũ bão của cách mạng 4.0, phía các BV, cơ sở y tế đã không ngừng đổi mới. Như chia sẻ của BS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương, hiện BV này đang đẩy mạnh việc phẫu thuật nội soi bằng robot trên nhiều ca bệnh phức tạp như phình đại tràng bẩm sinh, u nang ống mật chủ, hội chứng hẹp khúc nối bể thận niệu quản, các khối u trong ổ bụng... “Với phẫu thuật robot, vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn, không gây sang chấn và ít chảy máu, mức độ cảm giác đau của bệnh nhân được hạn chế tối đa, vết thương không phải tiếp xúc nhiều với môi trường, vì vậy mà khả năng nhiễm trùng rất nhỏ so với mổ thông thường”, BS Lê Thanh Hải thông tin.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tham gia vào các khâu quản lý hành chính tại các cơ sở y tế, đem lại nhiều lợi ích. Đó là sự ra đời của bệnh án điện tử - được cập nhật tự động mỗi khi có một y lệnh về chỉ định xét nghiệm, và khi có kết quả ngay lập tức sẽ thông tin đến những người có liên quan, kể cả bệnh nhân. Chẳng hạn như tại BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh, BS có thể tra cứu các kết quả xét nghiệm trong vòng vài phút trên hệ thống thông tin của BV. Thậm chí, việc trả kết quả cho bệnh nhân cũng đang được thực hiện trực tuyến. BV Đa khoa TP Vinh cũng đã vận hành hệ thống ki-ốt thông minh giúp bệnh nhân tự đăng ký khám bệnh. Chỉ cần quét thẻ BHYT là bệnh nhân có ngay số thứ tự trong phòng khám và bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án.

Hay như vừa qua tại Bệnh viện K và một số BV đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn hỗ trợ điều trị ung thư bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan và tương lai sẽ được ứng dụng trên diện rộng, mở ra hy vọng lớn trong điều trị cho bệnh nhân. Chưa kể, nhiều BV còn mua và sử dụng các phần mềm ứng dụng hiện đại liên tục tích hợp các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân với các thông số trên máy theo dõi người bệnh và kết quả xét nghiệm, ngay lập tức sẽ đề xuất can thiệp và thậm chí bắt đầu điều trị, và sau đó theo dõi hiệu quả của can thiệp điều trị, tương tự như cơ chế hoạt động của máy bay không người lái.

Thách thức và động lực

Phía Bộ Y tế, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh phát triển công nghệ y tế trực tuyến Telemedicine (y khoa từ xa/bệnh viện vệ tinh). Theo đó, nhiều BV tuyến trên đã hỗ trợ hội chẩn từ xa, tư vấn cấp cứu, giúp các bác sĩ tuyến dưới phẫu thuật thành công, cứu sống nhiều người bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xây dựng xong phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID) để đến cuối năm 2019 sẽ hình thành hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân.

Còn theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, xác định trong tương lai ngành Y tế Việt Nam còn tiếp tục thay đổi tích cực nhờ vào những tiến bộ của công nghệ, giúp bác sĩ “gần” hơn với người bệnh, khả năng khám bệnh của bác sĩ cũng được nâng lên. Bộ Y tế đã đặt ra các Đề án Y tế điện tử như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với một trung tâm phân tích dữ liệu y tế, xây dựng trung tâm thống kê điện tử, số hóa bệnh án điện tử, hiện đại hóa thủ tục hành chính... nhằm nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh và cải cách quản trị hành chính y tế. Song, nhiều chuyên gia cho biết, việc triển khai các đề án còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, mỗi bác sĩ khám từ 70 - 100 bệnh nhân/ngày, với 8 giờ làm việc liên tục. Do lượng thời gian dành cho bệnh nhân ít, nên việc thu thập dữ liệu về tình trạng bệnh của bệnh nhân bị hạn chế.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, khoa học và công nghệ phát triển vừa là thách thức, vừa là động lực đối với đội ngũ y sĩ, bác sĩ. Dù phát triển thì máy móc, khoa học cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ, không thay thế được con người, đặc biệt về vấn đề tâm lý tiếp xúc và chẩn đoán bệnh thông qua kinh nghiệm và khả năng tư duy của mỗi một bác sĩ. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế hiện còn thiếu và yếu. Trong khi, Việt Nam hiện vẫn chưa có ngành đào tạo công nghệ thông tin về y tế, muốn học ngành này, phải ra nước ngoài với chi phí không nhỏ. Chưa kể, dữ liệu khám, chữa bệnh cần được bảo mật như thế nào, quyền riêng tư có bị rò rỉ hay không; tiêu chí về thiết bị kết nối và chia sẻ ra sao khi ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh vẫn đang là bài toán khó với ngành Y tế, cần thời gian để giải quyết.

Để nhân viên y tế bắt nhịp và làm chủ được khoa học - kỹ thuật trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi bản thân mỗi người phải nỗ lực không ngừng trong học tập, nghiên cứu khoa học, song, để đạt được hiệu quả tốt nhất, rất cần phải có chính sách hỗ trợ đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý.