Ðừng đánh tráo khái niệm!

Thời gian gần đây, tình trạng chụp ảnh ở khu vực đường sắt, trên đường ray tàu hỏa đang nổi lên như một hiện tượng, thu hút rất nhiều thanh niên “sống ảo”. Từ người Việt đến khách du lịch nước ngoài, già trẻ gái trai đều bất chấp nguy hiểm để có những bức ảnh mà họ cho là mang lại cảm giác mạo hiểm. Thực chất đây là hành vi vi phạm hành lang an toàn đường sắt, gây nguy hiểm tính mạng mọi người và gây mất an toàn chạy tàu.

Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị UBND thành phố Hà Nội di dời, tái định cư cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt. Ảnh | Thanh Giang
Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị UBND thành phố Hà Nội di dời, tái định cư cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt. Ảnh | Thanh Giang

Khi những quán cà-phê phố đường tàu Phùng Hưng nở rộ, thu hút hàng trăm lượt du khách mỗi ngày từ khắp mọi miền tới trải nghiệm, chụp ảnh, thử cảm giác mạnh, khách du lịch quốc tế cũng tìm đến đây, vì nơi đây được đánh giá là một trong ba tuyến đường sắt nội đô nguy hiểm nhất thế giới. Chính vì sự phát triển nóng đó, hành lang an toàn đường sắt trên thực tế đang bị xâm phạm càng trở nên hẹp hết mức có thể. Họ bày cả bàn, ghế ra giữa đường ray để cho khách ngồi khi tàu hỏa chưa chạy qua, hoặc nhiều du khách đứng giữa đường tàu, chờ tàu đến gần cố chụp một vài kiểu ảnh rồi mới chạy vào.

Sau khi xóm cà-phê này bị chính quyền Hà Nội dẹp bỏ, cầu Long Biên lại nổi lên như một điểm “thay thế”. Nhiều người đến đây chụp ảnh đã kéo theo nhiều hệ lụy gây mất an toàn không chỉ với đường sắt mà cả tuyến đường bộ hai bên cầu Long Biên. Họ vô tư dừng đỗ xe máy trên lòng đường hẹp gây cản trở giao thông, bên cạnh đó, hàng quán bán đồ ăn vặt cũng vì thế đông đúc hơn để phục vụ nhu cầu ăn uống cho nhóm người quen “sống ảo” này.

Hơn một tháng sau khi xóm cà-phê đường tàu Phùng Hưng bị “xóa sổ”, một xóm cà-phê đường tàu mới lại xuất hiện ở khu vực Lê Duẩn - Khâm Thiên, nhanh chóng thu hút hàng trăm du khách quốc tế mỗi ngày. Nhiều hộ dân đã sửa chữa, cơi nới nhà để mở quán cà-phê ngay sát hành lang đường tàu để đón khách khiến cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn giao thông (ATGT) đường sắt tại đây bị đe dọa nghiêm trọng. Theo nhận định thì tuyến đường sắt này có tần suất tàu chạy nhiều hơn, là cửa ngõ đầu tiên của tuyến đường sắt Bắc - Nam ra vào ga Hà Nội, do vậy, nguy cơ mất an toàn hành lang đường sắt là rất lớn. Ngày 27-11 vừa qua, một lần nữa, lực lượng chức năng lại phải ra quân dựng rào chắn, phong tỏa các lối ra vào khu vực giáp đường sắt tại hai đầu phố Khâm Thiên và ngõ 222 đường Lê Duẩn, đồng thời nhắc nhở các hộ kinh doanh gây mất ATGT đường sắt.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan phối hợp các quận, huyện trên địa bàn thành phố kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt, ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà-phê trong lòng đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Đồng tình với việc dẹp bỏ các hàng quán, tụ điểm cà phê, chụp ảnh quanh khu vực đường sắt tại Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải khẳng định: “Việc kinh doanh, sinh hoạt ở khu vực giao thông đường sắt lúc nào cũng rất nguy hiểm. Từ trước đến nay, Hà Nội đã không kiên quyết với những xâm phạm này nên càng ngày việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt càng phức tạp. Chúng ta đang quản lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, cứ có tai nạn, vụ việc nghiêm trọng xảy ra mới bắt đầu kiểm tra, rà soát. Chưa xảy ra tai nạn không có nghĩa là an toàn bởi tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào. Khi đấy ai chịu trách nhiệm?”.

Không thể vì sở thích ưa mạo hiểm của một số người, thực chất là gây nguy hiểm không chỉ cho chính bản thân và cả cho những người khác, cho cả đoàn tàu mà đánh tráo khái niệm, cho đó là nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách quốc tế, phát triển du lịch. Bởi nếu vậy thì việc những người dừng xe, dàn hàng ngang để chụp ảnh tại những điểm phong cảnh đẹp trên các tuyến đường bộ, đường cao tốc cũng vin vào cớ đó, để rồi lại mọc lên những tụ điểm, hàng quán tự phát, rồi lấn chiếm lòng lề đường... thì sẽ nhếch nhác, nguy hiểm đến mức nào?

Trên các tuyến đường sắt, đường bộ đang khai thác, bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn đều phạm luật. Chính vì vậy việc mở quán hay buôn bán trên đường ray là không thể chấp nhận, không thể gọi là nét văn hóa được, phải dẹp bỏ ngay, nếu không quyết liệt cái sảy sẽ nảy cái ung!