Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan – Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc:

“Tỉnh Vĩnh Phúc đổi mới sáng tạo, tạo bước phát triển đột phá”

Nhân dịp đầu xuân mới Canh Tý, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh bên) đã chia sẻ với báo Nhân Dân những kết quả nổi bật về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh Vĩnh Phúc và những định hướng lớn năm 2020 - năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

“Tỉnh Vĩnh Phúc đổi mới sáng tạo, tạo bước phát triển đột phá”

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới sáng tạo để có những bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội. Xin đồng chí chia sẻ một số đổi mới sáng tạo tiêu biểu của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020?

Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 với cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Quan điểm của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội là thực hiện nhất quán 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định, bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường để cụ thể hóa thành quan điểm, mục tiêu của cả nhiệm kỳ, đó là: phát triển kinh tế, gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mà trước hết là Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt, như: (1) Đổi mới về mặt nhận thức, Đảng lãnh đạo toàn diện, sâu sát đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề lớn, trọng tâm thông qua chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, định hướng, song tuyệt đối không bao biện làm thay, không “lấn sân” hay quyết đáp các công việc cụ thể của chính quyền hay của các cơ quan, đơn vị. (2) Đổi mới trong cách thức ban hành nghị quyết, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, tạo điểm nhấn, động lực cho các lĩnh vực khác và cho cả hệ thống chính trị, sau đó bàn bạc, thống nhất ban hành các nghị quyết, chỉ thị để tập trung lãnh đạo (Trong nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 06 nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực: cải thiện môi trường đầu tư, y tế, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân). Hằng tháng, hằng quý đều lựa chọn các vấn đề nóng, bức xúc trong nhân dân đưa ra thảo luận và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. (3) Đổi mới trong cách thức lãnh đạo tổ chức thực hiện: Căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết được cấp ủy ban hành; chính quyền có trách nhiệm phát huy tính chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; sau đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để đạt mục tiêu. (4) Đổi mới thông qua công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ: Xác định rõ, cán bộ là “khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt”, Tỉnh ủy đã chú trọng sàng lọc, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết, nghiêm minh trong thi hành kỷ luật, cho nghỉ hoặc chuyển công tác khác với cán bộ hạn chế về năng lực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; mạnh dạn đề bạt cán bộ có năng lực. Đồng thời, quan tâm đến nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; coi chi bộ là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các mặt công tác.

Với sự lãnh đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra với một số điểm nhấn quan trọng, như: (1) 23/23 chỉ tiêu phát triển KT-XH đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; (2) Thu ngân sách trên địa bàn đạt từ 32-33 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 28,5 nghìn tỷ và là một trong những tỉnh đứng đầu miền bắc về thu nội địa; (3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các ngành công nghiệp với hàm lượng giá trị công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn có tốc độ tăng trưởng hằng năm cao (Từ 30-54% tùy từng lĩnh vực) thay thế dần mức độ phụ thuộc vào các ngành công nghiệp lớn như ô tô, xe máy, vốn là thế mạnh của tỉnh trong những năm trước. (4) Thu hút đầu tư tăng mạnh; triển khai thêm 3 khu công nghiệp lớn là SUMITOMO (250 ha) , Bá Thiện 2 (247ha) , CCN Đồng Sóc (75 ha) và thu hút được các nhà đầu tư rất lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (BH flex, Inter flex, Compal, Fuchuan). (5) Triển khai đồng bộ các khu du lịch lớn như: Tam Đảo 1, Đại Lải, Vĩnh Tường. Xây dựng hạ tầng giao thông hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu cụm công nghiệp, các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Ninh và kết nối giữa các trung tâm huyện với thành phố Vĩnh Yên. (6) Xây dựng 2 bệnh viện với quy mô lớn, hiện đại của tỉnh (Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Sản – Nhi) , 5 Bệnh viện tuyến huyện và thành phố và 137/137 trạm y tế xã đạt chuẩn. Xây dựng hơn 1.000 phòng học Mầm non, hoàn thiện và nâng cấp hàng trăm trường Tiểu học, Trung học cơ sở; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên (Vĩnh Phúc luôn đứng trong tốp đầu cả nước về kết quả thi THPT Quốc gia và thi Học sinh giỏi). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực văn, hóa, xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh Vĩnh Phúc?

Năm 2019 là năm “tăng tốc” thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Vì thế, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự cố gắng của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ được tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung của cả nước; các lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được nâng lên; an ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Một số kết quả nổi bật là:

13/13 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 2016 đến nay có 100% các chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, đây là nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 8,05%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng, vượt ngưỡng 100 nghìn tỷ đồng (ước đạt hơn 118 nghìn tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người vượt ngưỡng 100 triệu đồng (đạt 102,5 triệu đồng/người), hướng tới mục tiêu năm 2020 đạt hơn 110 triệu đồng/người. Thu ngân sách đạt cao, gần 32.500 tỷ đồng, tăng 16,8% so với dự toán, trong đó thu nội địa đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 17,6% so với dự toán, chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách. Tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh có số thu ngân sách cao và đóng góp ngân sách cho Trung ương. Thu hút vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt xa so với kế hoạch, trong đó lũy kế vốn FDI đã vượt mốc 5 tỷ USD (đạt 5,02 tỷ USD); 100% số xã (112/112 xã) đã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ có nhiều tiến bộ; giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, bảo đảm. Tỷ lệ hộ còn 1,46%; không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,5%.

Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; tạo thuận lợi cho thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Có thể khẳng định, những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước và là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện thành công các nhiệm vụ của năm 2020 – một năm đặc biệt với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thế nào, thưa đồng chí?

Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ trong sự phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định về khoa học và công nghệ. Với nền tảng hiện có và định hướng tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang chỉ đạo rà soát, xây dựng Chương trình hành động của Tỉnh ủy để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KHCN để thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Trong đó, định hướng vào một số nội dung lớn như Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn tạo động lực và hành lang pháp lý cho khoa học và công nghệ phát triển; Ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài giai đoạn 2020-2025; Chủ động xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng đô thị thông minh; Tiếp tục định hướng thu hút đầu tư, thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào đầu tư tại Vĩnh Phúc...

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

“Tỉnh Vĩnh Phúc đổi mới sáng tạo, tạo bước phát triển đột phá” ảnh 1

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa tân binh tại huyện Bình Xuyên.