Những năm tháng chưa phai

Dù đã gần 90 tuổi nhưng ông Đỗ Viết Thông vẫn còn minh mẫn. Hào hứng nhắc lại những năm tháng đi làm cách mạng, ánh mắt ông rạng ngời, tinh anh đến lạ. Cách mạng đã mang lại cho cả gia đình ông và mọi người cơm no áo ấm và hun đúc, tôi luyện cho người lính bản lĩnh kiên trung luôn vững vàng trước mọi gian khó, trong chiến đấu cũng như đời sống thường ngày.

Ông Ðỗ Viết Thông được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng.
Ông Ðỗ Viết Thông được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng.

Sớm giác ngộ cách mạng

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành, bố là ông đồ ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, cậu bé Đỗ Viết Thông cũng như các anh được quan tâm dạy dỗ, cho ăn học chu đáo cả chữ Nho lẫn theo Tây học. Thông rất chăm học, sáng dạ. Mẹ làm ruộng, bố mở nhà tràng dạy học, nhà đông con, chỉ tạm đủ ăn. Thế nhưng từ khi Nhật chiếm đóng Hà Nội, ép dân phá lúa trồng đay, mất mùa triền miên lũ lượt tha hương, không có cái ăn lâm vào cảnh chết đói, xác chồng xác chất đầy đường. Gia đình cậu cũng lâm vào cảnh đói khổ, rất may còn có cháo loãng húp cầm hơi. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn gắng gượng cho con theo học tại trường Bưởi (Hà Nội) và trường cấp 3 ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Tuổi còn nhỏ nhưng Thông cũng đủ cảm nhận nỗi cơ cực và căm phẫn tội ác của những kẻ xâm lược.

Từ cuối năm 1941, Ðông Anh được Trung ương Ðảng chọn xây dựng an toàn khu cách mạng. Nhiều gia đình ở các xã là những cơ sở nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ lãnh đạo của Ðảng, cơ quan báo Cờ Giải phóng đặt trụ sở tại thôn Viên Nội (xã Vân Nội), đình Cổ Loa là nơi các Ủy viên Thường vụ Trung ương Ðảng gặp gỡ, trao đổi công tác với các đồng chí ở cơ sở. Những ngày hè, Thông thường về quê ngoại ở xã Vân Nội chơi. Được anh họ làm nghề dạy học giác ngộ, Thông hăng hái tham gia. Nhiệm vụ đầu tiên được giao là canh gác cho cơ sở in báo, truyền đơn tại một nhà dân. Căn buồng nhỏ có ngách trông ra ao, Thông ở ngoài học bài canh chừng, nếu thấy có lính, lý trưởng tuần tra thì mật báo để bên trong kịp thời tẩu tán. Hồi đó, in truyền đơn bằng cách lấy mực tàu xoa lên mặt tipo, nội dung bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, ông Thông kể. Vốn nhanh nhẹn, lại biết tiếng Pháp, Thông được giao thêm nhiệm vụ sắp chữ và kiểm tra lại các bản dịch truyền đơn. Học lịch sử, đọc báo, cậu biết rõ bối cảnh thế giới quân Phát xít đang ở thế thua, quân Đồng minh đang giành chiến thắng và càng tin tưởng chủ trương của Mặt trận Việt Minh vận động toàn dân vùng lên giành độc lập. Đó cũng là tâm nguyện của mọi người muốn thoát khỏi lầm than, trở thành người dân một nước độc lập, không bị cúi luồn. Luôn sục sôi lòng yêu nước, căm hờn bè lũ cướp nước, Thông tự nhủ được tham gia cách mạng là vinh dự, phải cống hiến hết mình. Cậu được cử tham gia sinh hoạt của tổ Việt Minh bí mật, đội thiếu niên cứu quốc. Nguyên tắc hoạt động tuyệt mật, ai ở nhóm nào biết nhóm đó và thực hiện nhiệm vụ mà người chỉ đạo trực tiếp giao cho mình. Mặt trận Việt Minh ngày càng lớn mạnh, tổ chức chỉ đạo nhân dân các địa phương đứng dậy cướp kho thóc của Nhật để chia cho dân nghèo, phong trào càng lên cao dự báo cách mạng sẽ thành công trong một ngày không xa.

Sau khi quân Nhật được tay sai chỉ điểm phát hiện cơ sở in của Đảng ta, việc in truyền đơn ở Đông Anh tạm ngưng nhưng truyền đơn vẫn được chuyển về các cơ sở cách mạng. Hằng ngày vào sáng sớm trên đường đi học, Thông xuống khu vực ven đê sông Hồng, tới các xã bí mật rải truyền đơn ở các nhà, chợ, ném qua tường, cổng nhà lý trưởng, chánh tổng. Tháng 8-1945, cao trào kháng Nhật, cứu nước và không khí sửa soạn khởi nghĩa của nhân dân trong huyện sục sôi. Ðêm 18-8-1945, lực lượng cách mạng tới chiếm huyện lỵ, thu súng và các tài liệu; bọn thừa phái, lục sự trao ấn tín và đầu hàng. Từ mờ sáng ngày 21-8-1945, Thông hòa trong đoàn người rầm rập từ các ngả đổ về phố huyện Đông Anh biểu tình vũ trang với hàng ngũ uy nghiêm, bừng bừng khí thế, hô vang các khẩu hiệu, tiến vào chiếm lĩnh huyện lỵ, kêu gọi binh lính đầu hàng. Sẵn nỗi căm thù vì bị quân Nhật o ép phá lúa trồng đay, lính về cướp bóc quá khổ cực, vận động khởi nghĩa đến đâu quần chúng ào ào theo đến đó. Mặc dù công cụ đấu tranh đơn sơ nhưng với khí thế dâng lên như vũ bão áp đảo, khiến chúng phải run sợ, tháo chạy. Sau khi làm chủ hoàn toàn huyện lỵ, Ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh và thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời.

Những năm tháng chưa phai ảnh 1

Ông Thông kể cho con gái về những năm tháng đi làm cách mạng.

Cuộc đời binh nghiệp

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Thông tiếp tục tham gia thanh niên cứu quốc, vinh dự được kết nạp vào Đảng, đảm nhiệm trưởng ban tuyên truyền, bình dân học vụ ở xã, vận động, giáo dục thanh thiếu niên ủng hộ Việt Minh, tham gia canh gác bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Năm 1946, thực dân Pháp gây chiến, Việt Minh kêu gọi toàn dân đoàn kết, không phân biệt đảng phái, tập trung kháng chiến, khích lệ thanh niên tham gia quân đội. Là đảng viên trẻ duy nhất trong chi bộ, Thông xung phong đi bộ đội, được Huyện ủy Đông Anh giao làm chính trị viên trung đội lực lượng vũ trang, rồi về cơ quan tuyên huấn của Huyện ủy, Tỉnh ủy công tác. Năm 1950, khi Trung ương có chủ trương đưa cán bộ đảng viên vào quân đội làm nòng cốt, ông Thông về làm Phó Ban Chính trị cơ quan quân lực Bộ Quốc phòng đóng ở Định Hóa (Thái Nguyên) phát triển lực lượng quân sự toàn quốc. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, chuẩn bị cho trận đánh quyết liệt tiêu diệt lực lượng chủ công của địch đòi hỏi huy động tổng lực xông trận. Với tinh thần tiên phong và bản lĩnh can trường, ông Thông được điều sang đơn vị phòng không làm chính trị viên đại đội, với trọng trách củng cố tư tưởng chiến sĩ và giáo dục tinh thần đoàn kết, quyết chiến quyết thắng, ý thức chấp hành kỷ luật. Giữa chiến trường ác liệt, người chính trị viên gan dạ thật sự là linh hồn của đại đội, trực tiếp xông trận chỉ huy, đánh đâu thắng đấy.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, ông Thông về đơn vị phòng không bảo vệ không phận Hà Nội. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng cam go và ác liệt, mặc dù muốn cùng anh em “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” nhưng khi đế quốc Mỹ đánh phá miền bắc, tuân lệnh cấp trên, ông Thông ở lại xây dựng lực lượng phòng không không quân lớn mạnh, chiến đấu chống kẻ địch ngay tại thủ đô. Công việc gian khó đến đâu ông cũng không nản lòng. Rồi đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Năm 1976, khi thành lập Tổng cục Hàng không dân dụng, ông Thông giữ cương vị Cục phó Cục Chính trị, đến năm 1990 mới nghỉ hưu. Phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ không lùi bước trước khó khăn, thử thách vẫn còn vẹn nguyên, ông Thông cần mẫn học hỏi, nghiên cứu để tìm ra phương thức lãnh đạo hiệu quả, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, hàng loạt Huân, huy chương cao quý là những phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghỉ hưu nhưng ông Thông vẫn tích cực tham gia công tác địa phương làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh và hội khuyến học, luôn được yêu mến, tín nhiệm bởi sự gương mẫu, mẫn cán, tận tâm với công việc chung và thân thiện, gắn bó với dân phố. Ông Thông vận động cựu chiến binh phát triển kinh tế, năng nổ tham gia phong trào khu dân cư, dạy bảo con cháu chăm ngoan; kêu gọi các đoàn thể, gia đình, mạnh thường quân hỗ trợ giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học. Một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử tại chiến trường miền nam bị chất độc da cam mắc bạo bệnh được đồng đội quyên góp, ủng hộ rất cảm động, quà tuy không lớn nhưng chan chứa nghĩa tình. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” lan tỏa, người thân, bè bạn và bà con khối phố chung tay góp sức. Gia đình ông Thông là gia đình văn hóa điển hình của quận Long Biên, luôn đi đầu trong các phong trào, hết lòng, hết dạ làm việc thiện. “Đồng đội nhiều người khó khăn, còn không ít người nghèo khó, mỗi người san sẻ một chút, góp lại thành nhiều, tạo “điểm tựa” tiếp thêm nghị lực để những mảnh đời kém may mắn vượt qua nghịch cảnh. Tình người ngập tràn ấm áp yêu thương, cuộc sống sẽ càng thêm ý nghĩa”, vị cán bộ lão thành cách mạng trải lòng.