Những lớp học lưng chừng trời

Một trong những điều băn khoăn, trăn trở nhất của anh em đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, Sơn La) khi về các bản làng biên giới xa xôi hẻo lánh, là tình trạng người dân mù chữ, cũng như tái mù khá phổ biến. Đưa con chữ và ánh sáng tri thức đến với đồng bào những địa bàn vẫn được mệnh danh “năm không”, quả là quyết tâm rất lớn của những người lính biên phòng.

Ảnh | Quang Minh
Ảnh | Quang Minh

Cách trung tâm xã gần 20km, Nặm Lạn là bản xa nhất trong số 18 bản của xã Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, Sơn La). Đây cũng là một trong những bản khó khăn nhất của xã. Đường đến bản Nặm Lạn vô cùng khó đi. Gọi là đường nhưng thực ra là một con chỉ ngoằn ngoèo với vô số sống trâu, ổ gà, đất đá lổn nhổn. Chiếc Honda Dream cũ kỹ bám đầy bùn đất cứ leo dốc mải miết, người ngồi sau thót tim hết pha này đến pha khác vì những cú lúc gằn, chồm lên dốc đứng, lúc dằn xóc muốn tung ra khỏi xe. Khi hai tai ù đặc vì chênh lệch độ cao, cũng là lúc nhìn thấy lớp học xóa mù do thầy giáo, Thượng úy Lò Văn Thoại, đội vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Mường Lạn đứng lớp.

Những lớp học lưng chừng trời ảnh 1

Một buổi học ở bản Nặm Lạn. Ảnh | LT

Bản Nặm Lạn nằm chon von giữa trời ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển chỉ vỏn vẹn chưa đến 40 hộ dân người Mông sinh sống. Điều kiện sống khắc nghiệt, không điện đường trường trạm, không cả chợ khiến bà con bao đời nay vẫn chật vật chống chọi với đói nghèo. Bấy giờ đang vào mùa khô. Dòng nước sinh hoạt được dẫn từ khe suối chảy về bản mảnh như lá lúa. Sau nhiều lần đến Nặm Lạn nắm tình hình, thấy tỷ lệ mù chữ và tái mù cao, Thượng úy Lò Văn Thoại đã đề xuất, tham mưu với Ban chỉ huy đơn vị mở lớp xóa mù chữ cho dân bản. Tháng 11-2017, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Sốp Cộp nhanh chóng tổ chức khai giảng.

Ngay từ đầu, xác định đối tượng học là người trưởng thành, cho nên thời gian học được tổ chức vào các buổi tối. Căn phòng nhỏ của Thượng úy Lò Văn Thoại được tận dụng, sửa sang từ nhà văn hóa bản. Đồ đạc bên trong đơn sơ, là những vật dụng cơ bản phục vụ sinh hoạt hằng ngày và chiếc giường kê tạm bằng những thanh gỗ bào mỏng ghép lại. Bốn vách tường cũng được tận dụng bằng loại gỗ này, mùa hè thì mát nhưng vào những đêm đông thì thầy trò ngồi trong lớp trùm nào khăn, nào áo vẫn cảm nhận được luồng khí lạnh buốt từ các vách đá dội vào...

“Thầy giáo Thoại hiền mà tâm lý lắm. Làm toán sai thầy giáo chỉ cách làm lại chứ không mắng đâu” - chị Vàng Thị Pạ Dê thật thà khi nói về thầy giáo của bản mình. Chị Dê vốn là hội trưởng Hội phụ nữ bản. Chị xấu hổ, mặc cảm vì không biết chữ. Đi họp không đọc được tài liệu, giấy tờ sổ sách không ký được. Chị là người háo hức, mong chờ được học chữ nhất, được cả lớp tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Ở cương vị đó, Pạ Dê luôn động viên mọi người, nhất là phụ nữ, vượt lên mặc cảm tuổi tác, rào cản ngôn ngữ, quyết tâm theo học đến cùng.

Thầy giáo Thoại là người dân tộc Lào, cho nên vốn tiếng Mông của anh còn nghèo. Để làm tốt nhiệm vụ, Thoại học thêm tiếng Mông. Nhờ nỗ lực học hỏi, chưa đến hai năm từ ngày nhận nhiệm vụ, đến nay, Thoại không chỉ giao tiếp thoải mái với dân bản, mà trên bục giảng anh đã tự tin giảng bài, không cần sự hỗ trợ như thời kỳ đầu nữa. Việc kết hợp giữa tiếng phổ thông và tiếng dân tộc làm cho người học dễ hiểu, dễ nhớ, hiệu quả bài học tăng lên rõ rệt.

Khóa học đầu tiên ở bản Nặm Lạn thành công, 100% học viên tham gia đọc thông viết thạo, thầy giáo mang quân hàm xanh tự tin hơn để đến những bản biên giới xa xôi, tiếp tục sự nghiệp gieo chữ. Bản Noong Phụ là điểm chinh phục tiếp theo trong những tháng cuối năm này... Từ trải nghiệm “ba cùng” với bà con, anh chiêm nghiệm: “Biết nghe và thấu hiểu cuộc sống của đồng bào, dân tin tưởng, yêu quý, thì việc khó mấy cũng có cách gỡ”. Một kinh nghiệm có lẽ được anh Thoại đúc rút từ ngày mới về đồn biên phòng, khi đi tuyên truyền vận động là luôn dựa vào người già, người có uy tín gương mẫu của bản. Sự nỗ lực không ngừng của Thượng úy Lò Văn Thoại đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Những tập tục lạc hậu cùng với sự thất học khiến người dân phải đối mặt với những vấn đề sống còn. Hôn nhân cận huyết, tảo hôn, nghiện rượu, ma túy... vẫn len lỏi đâu đó đe dọa cuộc sống. Để thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, chỉ bằng con đường nâng cao dân trí cùng với nỗ lực của cả cộng đồng. Học chữ, mở mang kiến thức xã hội, quan tâm đời sống cho người dân luôn được các chiến sĩ biên phòng quan tâm chú trọng. Thượng úy Lò Văn Thoại đề xuất với ban chỉ huy đồn phối hợp với cán bộ quân y của đồn tổ chức tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho học sinh và người dân trên địa bàn; hướng dẫn bà con phòng chống dịch bệnh bằng vệ sinh môi trường thôn bản sạch sẽ, ăn chín uống sôi, mắc màn tránh muỗi khi đi ngủ... Mô hình Tay kéo biên phòng mới được ban chỉ huy phát động triển khai nhưng trước đó, với chút “tài lẻ”, anh cắt tóc cho hầu hết trẻ em, người già, thanh niên trai tráng trong bản. Các bản người Mông thường cư trú trên đỉnh núi cao, địa hình phức tạp, mạng lưới điện quốc gia chưa bao phủ, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong năm nay, bà con các bản Nặm Lạn, Co Muông... vui mừng vì được trang bị những bộ điện năng lượng để thắp sáng.

Đồn Biên phòng Mường Lạn hiện đang nhận nuôi dưỡng năm cháu bé ở các bản xa có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện cho con em ăn học. Bên cạnh đó, nhiều năm nay đồn còn chăm lo bữa sáng cho gần 20 cháu tại điểm trường mầm non và tiểu học bản Buốc Pát. Chương trình Nâng bước em đến trường của Đồn Biên phòng Mường Lạn được đánh giá rất tích cực và hiệu ứng lan tỏa cao. Trung tá, Đồn trưởng Phạm Thái Hòa luôn tự hào khi nói về chiến sĩ của mình: “Dạy chữ cho bà con không chỉ nhiệm vụ mà còn là tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ đối với đồng bào. Tôi cho đây là cách tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước thiết thực mà không kém phần hiệu quả”.