Người đàn ông 30 năm vớt xác trên sông

Người đàn ông 44 tuổi dáng cao to, đầu cạo trọc, thoạt nhìn có tướng giang hồ, nhưng lại hiền khô. Hơn 30 năm vớt xác trên sông Hồng, anh bảo “đó là cái nghiệp vận vào thân từ khi còn bé”.

Người đàn ông 30 năm vớt xác trên sông

Nghiệp vận vào thân

Men theo con đường đất lầy lội gần bãi đá sông Hồng (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Dũng, người chuyên vớt các thi thể trôi trên sông Hồng. Giữa bạt ngàn những vườn đào, ở cuối con đường là ngôi nhà nhỏ bé của anh Dũng. Mọi người còn gọi anh là Dũng “khùng” vì chẳng ai như anh, 30 năm vớt xác chết trên sông Hồng mà chẳng lấy một đồng tiền công, lại bỏ tiền chôn cất cho những tử thi xấu số.

Dũng “khùng” - cao to, đầu cạo trọc, da ngăm đen, đang cặm cụi cắt tỉa, vun xới cho những gốc đào, dừng tay khi chúng tôi đến. Hỏi về câu chuyện đến nay anh đã vớt được 501 người xấu số, Dũng xua tay rồi nói: “Đó là cái nghiệp vận vào thân tôi từ bé mà thôi”.

Sinh ra và lớn lên ở làng đào Nhật Tân, ngay từ nhỏ Dũng đã nổi tiếng bơi lội giỏi nhất vùng. Vốn nhiều lần theo bố là công an xã đi vớt xác nên anh không hề sợ hãi khi nhìn thấy những xác chết. “Trong một lần chăn trâu ngoài bãi sông, phát hiện hai xác chết lập lờ trên mặt nước, tôi lao xuống sông kéo lên bờ. Chờ mãi không ai đến nhận, tôi đưa họ về, tự đào huyệt chôn cất. Năm đó tôi 13 tuổi. Nghiệp vớt xác bắt đầu từ đó”, Dũng nhớ lại.

Nhiều năm qua, người đàn ông này không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu xác chết. Không biết chữ, mỗi lần đưa được xác lên bờ, Dũng lại lấy cục gạch vạch một đường kẻ ngang lên cột nhà. Cột nhà đã chi chít những dòng kẻ ngang. Cột nhà kín lại đánh dấu vào sổ tay.

Vừa nhấp chén trà, đôi mắt nhìn xa xăm, Dũng nhớ lại lần đắm đò 1994 - 1995 - kỷ niệm đáng nhớ mà đau thương nhất: “Như thường lệ, từ sáng sớm tôi dắt trâu ra bãi để cày mấy luống đất, tôi vừa ra tới nơi đã thấy quang gánh, thúng, nón, mì chính, bao thuốc lá,... nổi dập dờ giữa sông. Biết là có chuyện chẳng lành, tôi đi thêm một đoạn thì phát hiện có rất nhiều thi thể đang mắc ở các bụi cây ven sông. Đây là vụ chìm đò từ Phú Thượng trôi xuống, tôi vớt được 29 người, cũng là lần vớt được nhiều nhất”.

Lần khác, khi đang làm việc ở bãi ngô, anh nghe thấy tiếng la hét cứu người chết đuối. Anh vội vàng gọi một người bạn thân đến cứu vớt. Sau nhiều giờ ngụp lặn, hai người kéo được nạn nhân lên nhưng tất cả họ không còn ai sống sót. Nói đến đây, đôi mắt anh đỏ au “Họ đều là sinh viên đại học, đi chơi bên bãi đá rồi gặp nạn, tất cả còn trẻ quá!”.

Gần đây nhất là vụ nhảy cầu Thăng Long tự tử của một thanh niên quê Ninh Bình rồi trôi dạt về bãi đá. “Những nạn nhân hầu như đều là tự tử vì họ có mang giấy tờ tùy thân và có người thân đến nhận ngay sau đó. Còn những người không có người thân thì tôi cùng anh em trong đội cứu hộ đem chôn cất ở miếu Cô Trôi đầu dốc kia” - vừa nói anh Dũng vừa chỉ ra ngôi miếu nhỏ nằm ngay ngã ba đầu đường.

Vì sao lại gọi là miếu Cô Trôi? Vào một ngày trời mưa rất to, nhiều người sống ven sông Hồng phát hiện ra xác một cô gái khoảng 18 tuổi nổi trên sông. Bố Dũng cùng nhiều người ở phường Nhật Tân đã vớt xác và quyết định chôn cất ngay bên bờ sông Hồng. Ngôi mộ sau một đêm được mối xông trở nên to hơn với một cây sung mọc lên. Do không biết cô gái là ai, nên người dân địa phương đặt tên là Cô Trôi. Nghĩa địa ở miếu Cô Trôi ngày một rộng ra, đến nay là nơi an nghỉ của 66 con người xấu số.

Người đàn ông 30 năm vớt xác trên sông ảnh 1

Tự bỏ tiền túi xây mộ

Từ khi gắn với nghiệp vớt xác, anh Dũng được phường Nhật Tân giao làm bảo vệ hoa màu của người dân dọc bãi sông Hồng kéo dài hơn hai km, nên vớt được nhiều xác hơn. Để kéo được xác trôi nổi lên bờ, anh Dũng phải dùng chiếu để bó, rồi buộc hai đầu lại và từ từ kéo.

Thời còn nghèo khó, anh chỉ cuốn cho họ một manh chiếu an ủi rồi mang đi chôn. “Nghĩ lại thấy thương cho những người, khi chết cũng không có manh áo lành lặn, phải đắp chăn. Sau này có sự giúp đỡ của chính quyền thì đã có tiền mua quan tài, xây đắp mộ đàng hoàng chắc họ cũng an lòng nơi suối vàng” - anh Dũng tâm sự.

Anh Dương, anh Sĩ, bạn thân của anh Dũng cũng là người vớt xác hơn chục năm nay chia sẻ: “Những xác lành lặn, còn mới sau khi mang lên bờ tắm rửa, thay quần áo và mang đi chôn cất. Nhưng có những xác đã phân hủy, bốc mùi hôi thối, ấy vậy mà lão Dũng cũng không sợ, cứ xăm xăm làm, có khi phải lấy ni-lông bọc lại rồi mới báo chính quyền”.

Dũng “khùng” còn tự xuất tiền túi mua quan tài, vàng hương, tự tay xây mộ cho nạn nhân mà còn bỏ hàng trăm triệu đồng để mua xuồng máy, lập nên đội cứu hộ cứu nạn dọc sông Hồng - là một bộ phận của Hội Chữ thập đỏ phường Nhật Tân. Hiện nay, đội gồm ba thành viên là anh Dũng, anh Sĩ và chị Bích. Anh Dũng cho hay: “Chị Bích mạnh bạo, cũng xuống sông vớt xác với anh em tôi. Khi xác đưa lên bờ, chính tay chị ấy tắm rửa và thay quần áo. Là phụ nữ nên chị ấy khéo léo những việc đó hơn chúng tôi”. Trong hơn 500 thi thể vớt được, số trẻ em chiếm đến 1/5, trong đó có nhiều hài nhi bọc trong túi ni-lông còn cả dây rốn. “Tôi như rụng rời chân tay, muốn khóc lắm nhưng bản lĩnh không cho phép làm chuyện đó, bởi tôi sợ mình khóc rồi lần sau sẽ không làm được công việc này nữa”.

Nhiều lần được người thân nạn nhân nhờ đi tìm xác, anh Dũng lại bỏ việc nhà đi giúp. Xong việc, họ gửi tiền hậu tạ, có người tặng đến 50 triệu đồng nhưng anh không lấy một đồng bởi việc đó là làm phúc. Nhưng nếu họ mua bao thuốc, lạng chè để anh em uống nước thì anh không từ chối.

“Lão ấy cũng lạ. Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Bỏ tiền túi ra đi tìm người, rồi bán cả lợn, gà để mua quan tài, xây mộ cho người chết. Nếu để dành tiền từ những lần chôn cất thì giờ lão cũng có hàng trăm triệu”, anh Sĩ thán phục.

Dũng “khùng” có cảm giác rất kỳ lạ, hễ người nôn nao ra sông là có xác chết nổi. Vì thế anh sợ cảm giác nôn nao ấy đến, sợ nghĩa địa theo ngày tháng cứ rộng thêm ra, vì có ngôi mộ mới. Bao nhiêu mùa hoa đào Nhật Tân đã nở, Dũng “khùng” chỉ mong sẽ không có những tử thi xấu số trên sông.