Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Giữ trọn khí chất kiên trung, son sắt

Hằng năm cứ đến những ngày thu Tháng Tám, cán bộ lão thành cách mạng Trần Thận (tức Trần Cát), nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lại bồi hồi nhớ về một thời đạn bom, gian khó. Mấy chục năm qua, ông vẫn giữ cho mình thói quen cập nhật tin tức thời sự và đọc sách, vẫn say mê xem lại những thước phim đen trắng về lịch sử, về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Chuỗi ký ức đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người cán bộ một lòng trọn vẹn hai chữ trung - hiếu.

Mấy chục năm qua, ông Trần Thận vẫn giữ thói quen cập nhật tin tức, đọc sách và xem những thước phim lịch sử.
Mấy chục năm qua, ông Trần Thận vẫn giữ thói quen cập nhật tin tức, đọc sách và xem những thước phim lịch sử.

Trong ngôi nhà bình yên nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Đà Nẵng), ông Trần Thận vẫn giữ kỹ những kỷ vật một thời cùng ông vào sinh ra tử. Tuổi 92, giờ làm bạn với chiếc gậy và sách, nhưng khi nhắc về những năm tháng tham gia cách mạng, ông lại được sống dậy ký ức một thời hào sảng nhất của tuổi trẻ. Khi tôi đến thăm, ông đang đọc lại cuốn thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lời giải thích đầy ý nghĩa - những ngày thu tháng tám, đọc và ngẫm thơ của Bác mới thấy thơ Người gần gũi cuộc sống và nhân văn biết bao. Ông nhắc nhở tôi, thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương giành độc lập nên phải quý trọng thành quả đó. Thế hệ lãnh đạo hôm nay cũng như thế hệ thanh niên xứ Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung phải luôn biết trăn trở, học hỏi và phụng sự Tổ quốc, không được phép lãng quên về lịch sử dân tộc mình. Thời hoa lửa là kim chỉ nam, là sợi chỉ đỏ dẫn đường cho các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục cống hiến, dựng xây đất nước.

Ông Trần Thận sinh năm 1926, tại xã Bàn Thạch, tổng An Lạc, phủ Duy Xuyên, nay là xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia cách mạng, được kết nạp Đảng tháng 4-1941, rồi được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ xã Bàn Thạch. Một năm sau ông bị địch bắt và đến tháng 3-1945 được thả tự do. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông liên tục đảm nhiệm công tác xây dựng chính quyền, đoàn thể ở các xã nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam, đôn đốc các địa phương thực hiện chủ trương chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Ông kinh qua nhiều nhiệm vụ Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Huyện đội Hòa Vang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước.

Ông kể, trong thời gian bị giam ở nhà tù Hội An, anh em bàn bạc kế hoạch sẽ tận dụng mọi thời cơ thuận lợi phá nhà lao để lên lập chiến khu trên vùng núi Tiên Phước. Nhưng trong đêm 9-3-1943, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm toàn cõi Đông Dương nên không có cơ hội thực hiện. Đến cuối tháng 3-1945, ông và bảy đồng chí khác được thả, tiếp tục hoạt động cách mạng. Được tôi luyện, trưởng thành trong những ngày tháng đấu tranh chống chế độ lao tù, lại xây dựng, củng cố đội ngũ ngay trong nhà tù của địch, ông Thận được bầu làm Ủy viên vận động Cứu quốc khu đông Duy Xuyên, trực tiếp phụ trách các xã ở tổng An Lạc. Lúc bấy giờ, phong trào cách mạng dâng cao, các Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc... phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Lực lượng Tự vệ Cứu quốc cùng thanh niên địa phương mưu trí phá kho thóc, chặn xe chở lương thực của Nhật, Pháp để chia cho dân nghèo. Với vai trò cán bộ vận động dân, cùng với anh em cán bộ Việt Minh, ông nêu cao mục đích, ý nghĩa của cách mạng, tích cực tuyên truyền gắn với cuộc khởi nghĩa giành độc lập, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân sắp nổ ra. Tất cả đoàn thể cần khẩn trương chuẩn bị gươm giáo, gậy gộc để sẵn sàng nổi dậy cướp chính quyền khi có lệnh.

Nhớ lại những năm tháng đó, ông bồi hồi xúc động bởi lòng biết ơn những gia đình đã cưu mang ông và đồng đội. Đó là những bát cơm trộn ăn vội trong lửa đạn. Thời đó, cán bộ làm việc không lương, không phụ cấp, mà xả thân bởi niềm tin sắt son. "Trong giai đoạn cam go, để vận động được dân tin và theo Đảng, theo cách mạng, chúng tôi trải qua không ít khó khăn. Mừng vì được Đảng giao nhiệm vụ, dân tin yêu, chính sức mạnh quần chúng với sự chỉ huy nhanh nhạy, nắm chắc tình hình của các đồng chí lãnh đạo, chúng ta mới giành được thắng lợi", ông Thận đúc kết.

Để chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 7-1945, Thành bộ Việt minh lâm thời Đà Nẵng được thành lập, do đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ làm chủ nhiệm và Ủy ban khởi nghĩa thành phố Đà Nẵng do đồng chí Lê Văn Hiến làm Trưởng ban. Ngày 14-8-1945, khi Tỉnh ủy Quảng Nam họp tại Tam Xuân (nay là Tam Kỳ) bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa thì có tin báo cấp tốc của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ từ Đà Nẵng "Nhật đã đầu hàng Liên Xô và đồng minh". Nắm lấy thời cơ này, từ đêm 17-8 đến 22-8-1945, cán bộ, nhân dân khắp nơi trong tỉnh Quảng Nam lần lượt xuống đường biểu tình, khởi nghĩa giành chính quyền. Bắt đầu từ ba giờ sáng 18-8-1945, lực lượng khởi nghĩa từ các hướng đổ về trung tâm thị xã Hội An, chiếm các công sở, bến tàu, nhà bưu điện, bao vây đồn lính bảo an và bức hàng toàn bộ quân địch. Tên tỉnh trưởng Tôn Thất Gián và bọn quan lại phong kiến, rồi tri phủ Nguyễn Tú lần lượt đầu hàng. Cùng thời điểm đó, ông Thận và nhiều cán bộ, đông đảo nhân dân xã Bàn Thạch tham gia xuống đường biểu tình trên quốc lộ 1A, hô vang các khẩu hiệu Đánh đổ phát xít Nhật!, Việt Nam độc lập muôn năm!, Hồ Chí Minh muôn năm! Đến 12 giờ cùng ngày, ta đã giành chính quyền thắng lợi trong toàn phủ Duy Xuyên. Tại phủ Điện Bàn, Mặt trận Việt Minh lãnh đạo nhân dân nổi dậy chiếm toàn bộ các cơ quan, công sở của địch. Tin khởi nghĩa thành công ở Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn nhanh chóng lan rộng, thôi thúc các phủ, huyện khác vùng lên phá tan mọi gông xiềng nô lệ. Người người xuống đường biểu tình, tấn công vào các sào huyệt của địch, không khí rất khẩn trương. Tại Đà Nẵng, nơi tập trung nhiều lực lượng Nhật - Pháp và tay sai phản động, hàng chục đại đội Tự vệ Cứu quốc được thành lập, tích cực luyện tập. Các cơ sở của ta ngày đêm hối hả chuẩn bị truyền đơn, biểu ngữ, băng cờ, giáo, gươm, mã tấu... Ngày 22-8-1945, lãnh đạo khu đông Đà Nẵng tổ chức cướp diễn đàn của bọn thanh niên thân Nhật còn tại địa bàn phía tây, đồng bào các xã Thanh Khê, Hà Khê, Liên Trì, công nhân Sở Công chính, nhà ga xe lửa... cũng đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Thực hiện mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa thành phố, đúng 8 giờ sáng 26-8-1945, tất cả lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng và cán bộ đã bố trí phụ trách từng mục tiêu đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền nhanh gọn, không đổ máu. Toàn bộ chính quyền thuộc về tay nhân dân, Đà Nẵng không còn là đất nhượng địa của Pháp.

Ông Thận cho biết, lúc bấy giờ, khí thế giành chính quyền lan rộng, toàn thành phố Đà Nẵng rực mầu cờ đỏ sao vàng và ngay sáng 26-8-1945, tại sân vận động Chi Lăng diễn ra cuộc mít tinh lớn nhất mừng thắng lợi và Ủy ban cách mạng lâm thời thành Thái Phiên do đồng chí Lê Văn Hiến làm Chủ tịch đã ra mắt trước sự chứng kiến của hai vạn người dân thành phố. Từ sự nhạy bén, quyết đoán, Quảng Nam giành được chính quyền. Tại Đà Nẵng, do thực hiện tốt chủ trương phân hóa kẻ thù, vận động quân Nhật án binh bất động, tập hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân, đoàn thể, các lực lượng cách mạng đã đoàn kết cùng tổng tấn công nhanh chóng giành chính quyền. Nghe tin Nhật đầu hàng đồng minh, cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi, nhân dân vui sướng khôn xiết. Các cụ già thì tổ chức "bạch đầu quân", lớp trẻ tổ chức dân quân tự vệ, mấy tuần lễ liền nhân dân khắp vùng miền sục sôi biểu tình, mít tinh, thành lập chính quyền huyện, thị, tổ chức tuần lễ vàng, tuần lễ đồng... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại của dân tộc, tạo bước đệm, đòn bẩy cho cách mạng Việt Nam thành công nối tiếp thành công để đất nước thống nhất vẹn toàn một dải.

Với gần 80 năm tuổi Đảng, những phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước trao tặng như Huân chương Thành đồng hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh... là sự ghi nhận công lao to lớn của ông trong một đời tận hiến cho cách mạng và gánh trên vai nhiều trọng trách. Ông tự hào mình là người tham gia cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 và hạnh phúc tột cùng khi chứng kiến đất nước độc lập, người dân thoát kiếp lầm than, nô lệ. Với người chiến sĩ luôn giữ trọn khí chất kiên trung, son sắt, ký ức đỏ thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt sẽ chẳng bao giờ phai nhạt.