Đùa giỡn với tử thần

Chụp ảnh “tự sướng” từ lâu đã trở thành trào lưu, nhưng thái quá đến nỗi bất chấp nguy hiểm, lao ra đường, đứng trên cầu để tạo dáng chụp ảnh, thậm chí ngay cả trên những tuyến đường cao tốc khi dòng xe đang lao vun vút, thì quả là đang đùa giỡn với... tử thần.

Lực lượng CSGT đã phải làm việc rất vất vả nhưng tình trạng dừng, đỗ xe trên cầu Bạch Đằng vẫn không giảm.
Lực lượng CSGT đã phải làm việc rất vất vả nhưng tình trạng dừng, đỗ xe trên cầu Bạch Đằng vẫn không giảm.

Mỗi khi có một cây cầu mới được thông xe, người dân khu vực lân cận và người tham gia giao thông thường lên cầu, dừng xe ngắm cảnh, chụp ảnh, bởi họ quan niệm khi đứng trên cầu, họ được ngắm phong cảnh, thành phố với một góc nhìn mới, khác lạ. Nhiều người dù biết Luật Giao thông đường bộ cấm các phương tiện dừng, đỗ trên cầu, nhưng vì một vài kiểu ảnh, họ có thể bỏ qua sự an nguy đối với tính mạng bản thân, người thân và cả những người đang tham gia giao thông.

Khi mới được đưa vào sử dụng, cầu Nhật Tân đã “được” nhiều người chọn làm “điểm dừng chân lý tưởng” để chụp ảnh, khoe dáng. Nhiều studio còn có... sáng kiến đưa các cặp đôi lên cầu để chụp ảnh cưới. Dù chung quanh xe cộ phóng với tốc độ cao nhưng các cặp cô dâu, chú rể vẫn bất chấp nguy hiểm tạo dáng giữa đường chụp hình. Một số ít người trẻ cho rằng, các cặp đôi này đang “hy sinh vì nghệ thuật” để có được những bức ảnh cưới thật đẹp. Nhưng liệu có đáng để đánh cược tính mạng cho vài bức ảnh như vậy không? Ban ngày đã vậy, khi trời tối, nhất là vào những ngày nóng, người dân lên cầu hóng mát còn nhiều hơn. Ô-tô, xe máy, xe đạp dừng thành hàng dài dọc thành cầu, có người còn leo cả lên lan-can cầu để... tâm sự. Khi thấy lực lượng chức năng, nhiều người lập tức điều khiển phương tiện bỏ chạy. Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp dừng, đỗ xe không đúng quy định trên cầu, nhưng vì là đường một chiều, khi nhóm này đi thì lại có những nhóm khác lên cầu khiến cán bộ trực rất vất vả. Có người khi được hỏi lý do dừng trên cầu còn vô tư trả lời rằng, thấy người khác dừng thì tôi cũng dừng, không thấy nguy hiểm gì cả.

Mới đây nhất, sau khi tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng thông xe, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tăng cao. Các lực lựng chức năng đã bố trí các chốt canh gác, tuyên truyền, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song vẫn còn tình trạng nhiều người dân đi bộ, đi xe thô sơ, xe mô-tô vào cao tốc; nhiều người đi ô-tô còn dừng xe chụp ảnh, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo trật tự ATGT. Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, do người dân vốn đã mong ngóng tuyến cao tốc và cây cầu này từ lâu nên khi công trình được đưa vào khai thác ai cũng hiếu kỳ, vui mừng và mong mỏi được đi qua, ngắm cảnh và chụp ảnh kỷ niệm. Không chỉ người trẻ ham mê tự sướng, mà nhiều người lớn tuổi cũng tranh thủ đứng, ngồi, dàn hàng ngang chụp ảnh giữa cây cầu lớn nhất nước này, dù nguy cơ mất an toàn giao thông luôn rình rập.

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định cấm dừng, đỗ xe trên cầu, và các mức xử phạt đối với hành vi này từ 300 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng theo mức độ vi phạm cũng đã được quy định tại Nghị định 46.

Nhiều người thích khoe ảnh cá nhân còn “điên rồ” hơn khi liều lĩnh leo rào vào giữa cầu Long Biên, khu vực đường ray tàu hỏa, để có những bức ảnh độc, lạ, nhằm kiếm được nhiều “like” hơn trên mạng xã hội, hay chỉ là thể hiện bản lĩnh cá nhân. Ngoài những hành vi trên, nhiều người còn tận dụng cơ hội bày hàng trên cầu để phục vụ nhu cầu ăn uống cho dân hóng mát, chụp ảnh trên cầu.

Người dân, nhất là những người trẻ, nên dừng ngay hành vi đùa giỡn với tử thần này, bởi “tâm lý đám đông” và tính hiếu kỳ của họ không chỉ ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông mà còn làm cho hình ảnh giao thông Việt Nam ngày càng trở nên xấu xí.