Đảo xa mang hình bóng quê nhà

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên suốt cả năm qua, những người lính nơi đầu sóng ngọn gió ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 chưa được gặp người ở đất liền, chưa cảm nhận hơi ấm tình thân theo đúng nghĩa. Kể sao hết nỗi gian lao, ngóng đợi, và khi niềm nhớ thương trở nên quặn thắt thì bao sóng gió, bão bùng cũng như quánh lại giữa mênh mông biển trời Tổ quốc...

Hoa đào, hoa mai giấy chuyển tới Nhà giàn DK1.
Hoa đào, hoa mai giấy chuyển tới Nhà giàn DK1.

Những bình minh vút thành khúc nhạc

Thời điểm các trường học trong đất liền tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch lây lan thì vẫn có ba lớp học thầy và trò miệt mài cùng con chữ. Đó là các lớp học thuộc xã đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc ở xã đảo Song Tử Tây gọi điện về thăm đất liền, chúng tôi nghe tiếng sóng gió, giọng nói thiết tha hòa cùng âm thanh vi vu, vút thành khúc nhạc. Đó là dàn sáo trúc được các em nhỏ thổi. Hai thầy giáo của đảo, Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Bá Ngọc, hằng ngày vừa dạy học vừa lập câu lạc bộ võ thuật, sáo trúc thắp lên niềm vui tuổi thơ. Trong những buổi bình minh đầy hoang mang, thấp thỏm nơi đất liền, đôi lúc lòng tôi dấy lên niềm trăn trở: Bình minh nơi đầu sóng có thật sự bình yên và trọn vẹn?

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, sau nhiều lần viết đơn tình nguyện xin dạy học ở quần đảo Trường Sa nay đã toại nguyện, luôn ấp ủ ước mong gắn bó mãi với nơi này. Anh từng trao cho tôi bản thảo tập thơ tựa đề “Những ký âm đêm”. Mỗi đêm dài, tiếng sóng len vào giấc ngủ, thầy giáo nhớ cha mẹ đã khuất nơi đất liền: “Mẹ ơi Tết đã gần kề/ Nhưng con lại thấy bốn bề chơi vơi/ Mẹ ngồi bên gió bên trời/ Con tìm mòn mỏi ngàn khơi lối về”. Tình cảm với bóng hồng nào đó cũng trở nên xa vắng, chập chờn: “Những lúc nhớ về em/ Chỉ gặp nhau qua vài dòng tin nhắn/ Với người thân chỉ nói được đôi câu/ Chuyện riêng tư, anh gác lại mai sau”... Những người thầy chọn cách gửi tâm tư trong đêm để mọi bình minh được trọn vẹn trong tiếng ê a trẻ nhỏ học bài.

Tôi từng được may mắn đón bình minh trên đảo, dấu ấn đầy trang nghiêm, thiêng liêng như một nghi lễ. Toàn tàu dậy thật sớm, ngóng chờ được đặt chân lên điểm đảo đầu tiên sau những ngày lênh đênh trên biển. Loa truyền thanh nội bộ thông báo lịch trình, sau đó vút lên khúc hát: “Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển/ Sóng vỗ điệp trùng/ Quanh ghềnh trúc san hô”. Chuyến xuồng đầu tiên tách khỏi tàu lớn, rẽ làn sóng nhóng nhánh mặt trời. Mây, nước mầu mật ong, cứ như sánh lại, quyện vào nhau, chỉ ngắm nghía thôi cảm tưởng cũng nếm được vị ngọt sâu, mặn mòi thấm đẫm. Bình minh nơi đầu sóng bình yên, đẹp đẽ trong kỷ luật chặt chẽ và trách nhiệm cao nhất của quân, dân ta.

Điều luôn khiến tôi rưng rưng mỗi khi đặt chân đến từng đảo nhỏ, đó là hình ảnh quê hương hiện hữu, vỗ về. Đảo Song Tử Tây có đàn bò vàng nhẩn nha gặm cỏ, đàn cò trắng thấy khách lạ vỗ cánh vút bay. Đảo An Bang bốn bề dữ dội nhưng đi sâu vào lòng đảo cứ như vào ngôi làng nào đó. Chung quanh khoảng sân mát rượi có dăm cây bàng xòe tán che là những mái nhà quây quần ôm lấy khu bếp. Toàn bộ công trình được thiết kế thành cung tròn như vòng tay khép lại trước một cây dừa dáng thơ mộng như nét vẽ cong. Ấy là đảo nổi, còn đảo chìm và Nhà giàn DK1, quê hương vẫn hiện hữu theo lối riêng. Những ô cửa trên đảo chìm không có chấn song, bít kín quanh năm vừa chống hơi muối ăn mòn vừa đáp ứng các quy chế về nhiệm vụ. Nhưng, ô cửa nhỏ hẹp ấy âm thầm lưu giữ thanh xuân đời lính. Bộ đội trồng xương rồng, cây cảnh vào từng vỏ lon nước ngọt, đánh bóng vỏ ốc làm nổi lên mầu vàng sáp ong, bày kề bên nhật ký, lưu bút. Ở Nhà giàn DK1 điều kiện khó khăn lắm, bộ đội vẫn chăm chút từng giò phong lan, chanh, quất... tự tay làm giỏ hoa, thỏ giấy, vòng ốc... tặng cho cha mẹ, vợ con, bạn gái...

Tất cả tinh thần và tình cảm của quân và dân ta, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng là để Tổ quốc hòa chung một mối nghĩa tình. Để nơi tiền tiêu, dầu xa cách, gian lao thì hình bóng quê hương vẫn hiện hữu ngay từ thời khắc ngày mới bừng lên. Ấy là nỗ lực thầm lặng, không ngừng nghỉ của những con người sẵn sàng hy sinh phần hạnh phúc cá nhân cho Tổ quốc, đồng bào. Trong điều kiện khắc nghiệt nhất, thẳm sâu tâm hồn họ vẫn cứ chất phác, hồn nhiên mà dâng hiến.

Trở về trong “mùa biến động”

Năm nay, Thượng úy Nguyễn Viết Tưởng đang công tác tại đảo Sinh Tồn được về phép thăm nhà. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, anh thực hiện cách ly theo quy định nên từ lúc tàu cập cảng tới lúc anh về được nhà mình, kéo dài cả tháng. Vừa tới đầu ngõ, hay tin bố ốm phải nhập viện, anh tất tưởi vào chăm nom. Khi ông khỏe lại, cũng là lúc anh tạm biệt bố mẹ, vợ con lên đường làm nhiệm vụ. Nhập ngũ năm 19 tuổi, tính đến nay, anh Tưởng có 17 năm công tác ở quần đảo Trường Sa. Vợ chồng anh Tưởng, chị Thơm ở hai xã gần kề, quen nhau dịp anh về phép, yêu nhau hai năm thì cưới. Trong hai năm ấy, họ gặp nhau đúng... hai lần! Một lần làm quen, lần nữa là ngày cưới. Còn lại, tình yêu được nối dài, đắp bồi bằng... sóng điện thoại. Hai con trai của anh chị đều ra đời trong những lần anh về phép chờ huấn luyện với thời gian ngắn ngủi. Lần đầu tiên làm mẹ, nước mắt chị Thơm cứ rơi, tủi thân vì không có chồng ở bên. Đứa con thứ hai chào đời, gặp ca sinh khó, vật vã hết ngày này qua ngày khác, chị cũng chỉ nghe được tiếng chồng qua điện thoại lẫn vào tiếng sóng gió khơi xa. Tôi rất nhớ mấy câu thơ anh viết cho cô người yêu ngày xưa, giờ là vợ anh: “Đảo nhỏ canh khuya ca gác đã tới rồi/ Xin chào em, và mong ngày gặp lại/ Đừng để phong ba có một lần nghi ngại/ Gió đất liền đâu phải gió Trường Sa...”.

Bố mẹ, vợ con anh Tưởng sống ở ngoại thành Hà Nội. Lúc còn căn nhà nhỏ bé hay khi đã sửa sang rộng rãi hơn thì vị trí trang trọng nhất luôn treo một chiếc đèn lồng lớn, món quà đặc biệt anh Tưởng và đồng đội gửi tặng các con vào mùa Trung thu năm 2016. Bấy giờ, con trai đầu của anh bốn tuổi mới được gặp bố hai lần, con trai thứ hai gần một tuổi chưa gặp bố lần nào. Nghe con bi bô trong điện thoại muốn có đèn Trung thu của đảo xa, anh quyết định làm món quà nhỏ trong rưng rưng nỗi nhớ. Bộ khung đèn được bộ đội tận dụng từ tre nứa trôi dạt vào đảo, phơi khô, tỉ mỉ vót chẻ thành từng thanh mỏng. Giấy mầu không có sẵn, một số đồng đội vào bờ công tác mua giúp rồi gửi tàu ra. Cả đảo chợt rộn lên, cùng nhau làm đèn lồng. Người cắt dán, người tô vẽ những hình thù thật ngộ nghĩnh và tưởng tượng các cháu nhỏ nhận được quà sẽ bất ngờ, reo vui thế nào. Sau đó, các chuyến tàu, đoàn công tác ra thăm đảo... lần lượt nâng niu, trao gửi nhau cho tới khi món quà về địa chỉ cuối cùng. Dịp lễ, Tết hay khi nhà có khách, chiếc đèn lồng là niềm tự hào để cả gia đình anh chia sẻ chuyện về người lính biển. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng những người lính như Thượng úy Nguyễn Viết Tưởng vẫn thấy mình may mắn. Vào giữa “mùa biến động”, bằng nỗ lực của toàn xã hội và nhiều lực lượng trong quân đội, anh được đoàn tụ với gia đình, được tự mình chăm sóc người cha đau ốm, xoa dịu cơn dỗi hờn của những đứa con thấy bố đi vắng quá lâu ngày và chia sẻ phần nào nỗi vất vả của người vợ trẻ... Anh Tưởng tâm sự, đảo xa đang bắt đầu mùa xuân mới với bao mong chờ, hy vọng. Thách thức chưa bao giờ hết, nhưng tình yêu, khát vọng bền bỉ, mãnh liệt của con người sẽ làm nên những mùa xuân bất tận.

Nơi đầu sóng ngọn gió, có một “loài cây” đón xuân chưa bao giờ xuất hiện ở đất liền. Đó là những cành phong ba, gai bụi, bàng quả vuông... được bộ đội gắn thêm hoa đào phai, mai vàng thủ công, ghép thành “cây trăm miền”. Các tàu trực khi ghé đảo chuyển hàng quà Tết cũng được đảo tặng cây, tùy theo đặc thù. Đảo Sinh Tồn tặng khóm gai bụi đã cắt tỉa kỹ càng, đảo Song Tử Tây tặng cành phong ba dáng dấp mạnh mẽ và bay bổng, đảo Trường Sa tặng bàng quả vuông vững chãi, sức sống căng tràn... Hoa đào, hoa mai đã rộn ràng trong từng ngăn tủ, bộ đội hồ hởi gắn lên từng nhánh cây. Năm nào “sang” hơn, có thêm phong lan, quất xuân từ khắp ba miền bắc, trung, nam gửi ra biển đảo. Quê nhà xa lắm, nhưng cũng thật gần, như nhịp đập thổn thức trong lồng ngực.

5_1-1612413162636.jpg
Chuyển quà Tết lên Nhà giàn DK1-10. Ảnh trong bài: TRẦN THÀNH