Cõng đá ra biển

Lão “gù” Lý Sơn cao có thước tư, nặng chừng bốn chục cân ấy có cách bước “ra” biển thật lạ: như con dã tràng, từng ngày khuân đá thả xuống biển để giành lại đất của thủy thần, rồi mở rộng xây được cái khách sạn bốn tầng khang trang mang tên Đại Dương...

Ông Trần Minh Lý (áo trắng) suốt 10 năm lấn biển giữ làng. Ảnh | Nguyễn Huy
Ông Trần Minh Lý (áo trắng) suốt 10 năm lấn biển giữ làng. Ảnh | Nguyễn Huy

Biển động lần ấy giữ chân tôi lại Lý Sơn thêm gần một tuần nữa. Lang thang khắp đảo trên chiếc xe máy. Dừng lại cầu cảng, ngắm những cột sóng cao vài mét dựng đứng đập vào bờ trắng xóa. Ngó qua khách sạn đối diện mang tên Đại Dương, chợt thấy có dáng người gù gù thấp nhỏ. Sực nhớ chuyện về lão “gù” trên đảo có lần một đồng nghiệp trẻ đã viết từ chục năm trước. Hôm mới ra đảo chạy quanh hòn Mù Cu, đã thoáng nghe anh xe ôm tên Nguyễn Thành Long, trùng tên với nhà văn của thiên bút ký “Lý Sơn mùa tỏi” kể rằng có anh bạn vong niên tên Ba Lý “dị tật” nhưng làm ăn giỏi giang lắm. Là lão Ba Lý tôi vừa thấy đây?

Ấm trà bốc khói bên biển trời tơi bời gió mưa khiến câu chuyện của lão với tay khách lạ là tôi trở nên gần gũi. Sinh năm 1950, Canh Dần, câu đầu tiên của Ba Lý “khoe” là tuổi tác đã “rút” bớt của lão... năm phân chiều cao, giờ đứng thẳng lưng chỉ còn 1,4 mét! Còn thả còng như bình thường e còn thấp hơn nữa. Còn thấp hơn bà vợ Nguyễn Thị Dũ một cái đầu. Sức vóc vậy mà dám “cõng” đá lấn biển dữ ra cả trăm mét, giữ đất giữ đảo, rồi dựng được cái khách sạn bốn tầng bề thế diện tích cả nghìn rưỡi mét vuông này, quả là đáng kinh ngạc. Bây giờ nhìn nhà cửa, đường sá rộng rãi, nhưng kỳ thực Lý Sơn vẫn đang nhỏ dần do bị xâm thực, sạt lở, chỉ còn chừng 9 km2 so với 11 km2 trước kia. Vài năm trước, Chính phủ và các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đề xuất lấn biển mở rộng đảo. Nhưng chuyện lão gù Ba Lý đào đá lấn biển bắt đầu từ hơn nửa thế kỷ trước rồi.

Cõng đá ra biển ảnh 1

Ông Trần Minh Lý cùng vợ trước khách sạn của mình được xây trên mảnh đất lấn biển. Ảnh | Trần Tuấn

Mười tuổi mới cắp sách đi học với ông giáo Dương Quỳnh bên An Hải. 15 tuổi hết cấp 1, muốn học tiếp phải vào Bình Sơn trong đất liền. Thế là nghỉ. Nhỏ người chưa thể theo ông già đi biển, bèn mua về cái búa năm cân đi quanh nhà phá đá khai hoang lấy đất trồng tỏi. Thuở bấy giờ trên đảo khắp nơi toàn đá, đá nổi đá chìm, đá ngồi đá nằm. Một lần đang ráng sức nâng xà beng nạy đá thì nghe một tiếng “cắc”, đau điếng sống lưng. Được ít bữa cơn đau dịu dần. Tới một bữa đang vác bao ngô chục ký lên rẫy, thì nghe thêm một tiếng “rắc”, sụm hẳn. Lết về nhà, đưa lưng cho ông già đắp thuốc “bí truyền”. Bài “thuốc” chữa gãy xương ấy là lấy một con gà con mới nở giã nhuyễn với đất sét rồi đắp lên chỗ đau. Có lẽ cũng hiệu nghiệm khi Ba Lý sau đi lại vẫn bình thường, có điều lưng mỗi lúc một cong xuống.

Năm 1968 ông già nghỉ nghề đi biển, về làm hành tỏi. Sau 1975, nhà có chừng 10 sào đất hành tỏi, trong đó đa phần thuê lại đất mà HTX giao cho nhiều người khác. Cả nhà cùi cụi bám ruộng tỏi làm ăn. Năm 1976, tròn 26 tuổi Ba Lý lấy vợ. Rồi lần lượt tám đứa con, bốn gái bốn trai ra đời. Đứa đầu sinh năm 1976, đứa út sinh năm 2000, khi lão đã 50 tuổi. “Sinh đứa thứ bảy xong, sau bảy năm nữa tưởng đã “hết con”, vậy rồi lại có thêm thằng út”, lão cười hóm hỉnh. Giờ thằng út ấy đang học Kinh tế ở Đại học Quy Nhơn...

Con đông, vất vả mưu sinh. Nhà ở thôn Tây, An Vĩnh gần biển, lại lo cảnh bị thủy thần “cướp” đất. Thời ấy, nhà dân Lý Sơn đa phần sống bên mép biển, biển vào ướt cả mâm cơm. Khi cả đảo chưa có kè chắn hay đường bê-tông. Nhớ năm 97, thấp thỏm ngồi trên con tàu cá trĩu nặng người và hàng vừa chạy vừa tát nước ra ngoài, hơn hai tiếng tôi mới ra tới đảo. Ấn tượng đầu tiên là đảo xanh rì, hoang sơ, nhà dân lô xô bên thềm sóng.

Phải đòi biển trả lại đất thôi. Thế rồi lão bắt đầu công cuộc “đội đá vá biển” khiến cả đảo phải tròn mắt. Đó là thời điểm những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Chỉ với chiếc cộ chở đá thô sơ, lão hì hụi xeo, nậy, vần, lăn, kéo, đẩy từng tảng đá núi ra đổ xuống biển. Lúc huy động được thêm người, lúc chỉ có một mình, từ sáng sớm đến tối mịt. Lấn được biển một tấc, biển lập tức “đòi” lại cả hai tấc. Giằng co suốt gần chục năm trời, cuối cùng lão cũng lấn ra được hơn 70 thước, bề ngang cả chục thước. Một vạt đất cao vượt hiên ngang vững chãi bất chấp sóng dựng. Đất ấy nay là phần trước khách sạn của lão. Phong trào lấn biển sau lan dần sang hàng trăm hộ dân khác, tạo thành một “trường lũy” vững chãi bảo vệ làng. Trước cả những tuyến đường đê bao, bờ kè ra đời sau này...



Cứ nghĩ về tư duy sắc sảo hơn người của lão Trần Minh Lý ấy, vượt lên cả sức vóc, chữ nghĩa. Không chỉ đi trước người khác trong chuyện lấn biển thu lợi, căn cơ tính toán thủy triều, thiết kế xếp đặt làm sao để những khối đá có kết cấu vững chắc. Mà với cơ thể nhỏ bé như vậy, học chỉ hết lớp 5 nhưng lão có tới 12 năm làm công an xã, từ 1978 đến 1990. Đêm hôm cũng tuần tra canh gác. Không lương, một viên pin lắp vào đèn cũng bỏ tiền túi ra mua. Lão kể thời ấy phức tạp, vượt biên liên tục, lại thêm ngư dân quen nếp cũ thích gì làm nấy, đưa vào khuôn khổ đâu dễ. Dân đảo mỗi khi có công chuyện vào đất liền đều phải lên xã xin cấp giấy. Có lần lão bị cấp trên la, đại loại cứ “hay cấp giấy để cho người ta vào Sài Gòn hoạt động chống phá Cách mạng (!)”. Lão bèn cự ngay: “Chỉ trừ những người bị quản thúc tại gia thôi, còn bà con phải cấp giấy cho người ta tự do làm ăn chứ!”. Cái máu thông thoáng trong tư duy của lão đã rõ ngay từ thời ấy.

Cho đến 2015, đón làn sóng du lịch đang tràn ra đảo, Ba Lý nói vợ con trả lại đất trồng hành tỏi, chỉ giữ lại chừng hai sào. Còn tất cả chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Thực ra từ năm 2010, Ba Lý đã làm cái nhà nghỉ tám phòng mặt quay ra chợ rồi. Năm 2015, lão bắt tay vào làm ăn lớn, xây hẳn khách sạn bốn tầng 34 phòng tổng diện tích sử dụng 1.500 m2 hướng view thẳng ra biển. Vốn đổ vào tới 10,5 tỷ đồng, trong đó tiền vay năm tỷ. Vật liệu vượt biển cho nên thứ gì cũng đắt đỏ. Xây liên tục hơn một năm đến 30-4-2016 đưa vào hoạt động.

Lúc đầu, khách sạn mà điều hành cứ như nhà trọ, không thuê mướn ai (vì còn dành tiền trả nợ) vợ chồng con cái thay nhau “chìa khóa giắt lưng”. Sau nhà chức trách tới kiểm tra bắt phải có lễ tân chuyên nghiệp lão mới ngã ngửa. Làm “lụi” không xong rồi, lão đành nghiến răng thuê người. Giao con trai Trần Minh Khánh học Cao đẳng cơ khí đứng quản lý, và cậu em Trần Minh Lanh lo mảng nhà hàng cà-phê, ăn uống. Sáu đứa con còn lại, trừ hai đứa đang ở TP Hồ Chí Minh làm ngân hàng và làm cho công ty của Nhật, còn lại ở hết trên đảo làm dịch vụ bán hải sản, ăn uống cho du khách.

“Phấn đấu mỗi năm trả nợ một tỷ. Đến hết năm nay trả được chừng một nửa rồi”, lão khoe. Nhiều lúc lão phải cúng cầu để làm ăn hanh thông trả cho xong nợ. Được cái khách cứ ùn ùn kéo nhau ra Lý Sơn nên mọi thứ đều ổn. Ngôi nhà lão đang ở trong con hẻm nhỏ giữa xóm chài, kiểu nhà ba gian rêu cũ, nứt nẻ nhiều chỗ từ vườn ông bà để lại. Lão bảo chắc vài năm nữa mới tính chuyện xây lại, vì giờ thì phải lo làm trả nợ cái đã.

Bến cảng chính ngay trước khách sạn của lão sắp dời qua bên Bến Đình, chỗ này sẽ làm cảng cá. Mất lợi thế, cũng hơi lo. Nhưng chắc lão sẽ biết cách xoay xở. Lão bảo khi đó sẽ sắm hai cái xe ô-tô 16 chỗ để đưa đón khách. Mua xe dùng rồi thôi cho rẻ.

Lý Sơn cuối năm sóng lớn khách bị kẹt lại đảo là chuyện thường. Như năm kia, cảnh sát biển phải huy động tàu lớn vượt sóng ra tận cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) để đón cả ngàn con dân Lý Sơn xa quê về đảo ăn Tết. Mỗi lần như thế, khách sạn của lão Ba Lý đều giảm nửa giá phòng cho khách, và hỗ trợ việc ăn uống...

Cười khà khà, lão Trần Minh Lý khoe chuyện được huyện thưởng cái giấy khen “Sản xuất, kinh doanh giỏi” kèm 360 nghìn đồng tiền thưởng. Cả đảo hai xã được có năm người. Rồi sau có thêm cái giấy khen của tỉnh “Người cao tuổi kinh doanh sản xuất giỏi”.