Chuyện đời - Chuyện nghề

Chuyện người đa mang

Trong đám tang lương y Thiên Tích, người thầy thuốc đầu ngành của y học cổ truyền dân tộc, tôi đã rất ngạc nhiên khi gặp nhiều võ sư đến viếng và đưa tiễn. Võ thuật và y học có liên quan gì đến nhau đâu nhỉ. Thắc mắc của tôi được giải đáp ngay tắp lự khi tôi phát hiện võ sư kiêm lương y Trần Việt Trung túc trực bên linh cữu người thầy của mình. Hiểu rồi, Trần Việt Trung là một võ sư của môn phái “Vịnh Xuân quyền” và đã từ rất lâu ông thành lập ra “Học phái Dưỡng sinh Nhu quyền” với hàng nghìn võ sư và môn sinh. Thầy Thiên Tích là một lương y khả kính, đức độ, có nhiều thành tựu và đóng góp to lớn cho y học nước nhà đi xa ở

Chuyện người đa mang

Chừng một tháng sau đó, đến tư gia của Trần Việt Trung, nơi đặt phòng khám và võ đường, tôi lại thêm một lần ngạc nhiên với cái cách ông để tang thầy mình. Trần Việt Trung chỉ cho tôi cái ghế thầy Thiên Tích từng ngồi ròng rã bao năm thầy trò đàm đạo. Từ hôm thầy đi xa, cái ghế ấy để trống không ai được ngồi vào. Ông ngậm ngùi nói với tôi điều ấy. Trên mặt bàn trước chiếc ghế là bát đũa, là ly chén là những vật dụng người thầy của Trần Việt Trung từng dùng. Đã từng đọc cuốn sách “Thầy Thiên Đức” viết về chính cuộc đời lương y Thiên Tích và cái duyên, sự phấn đấu trở thành thầy thuốc của Trần Việt Trung nhưng thú thật tôi cũng không hình dung ra nổi trên cõi đời này lại có một mối tình thầy trò lạ kỳ và khác biệt đến vậy. Thôi chẳng bàn đến những gì Trần Việt Trung đã viết trong cuốn sách, đã sống đã đi trên con đường thành lương y của mình dưới sự dạy dỗ và chọn lựa của chính thầy Thiên Tích. Chỉ cần biết một chi tiết từ ngày thầy trò thành duyên hơn hai chục năm trước, không chủ nhật nào Trần Việt Trung lại không đến đón thầy về nhà dùng bữa. Đấy là chưa kể thầy trò gặp nhau ở những dịp giỗ chạp, Tết nhất hoặc dã ngoại. Cộng lại có đến cả nghìn lần gặp gỡ. Chủ nhật cuối cùng trước lúc đi xa, thầy Thiên Tích vẫn ngồi ở chính chiếc ghế ấy để người học trò cưng ép thụ hưởng chút ngọc thực cuối cùng. Đêm hôm đó thầy bình thản về với tiên tổ trong một giấc ngủ dài. Tôi ngắm nhìn bức ảnh cỡ đại chụp hai thầy trò treo trong phòng khám, nhìn những ô thuốc và khuôn mặt tư lự như hóa thạch của Trần Việt Trung cùng giọng nói trầm buồn, chậm rãi của ông đọc những trang viết mới về thầy mình, tôi chợt nhớ ra hôm ấy đúng chủ nhật và hiểu rằng sự thương nhớ kia là một thứ tâm tang sẽ còn song hành cùng Trần Việt Trung trong suốt đoạn đời còn lại.

Chuyện người đa mang ảnh 1

Quả thực khi có ý định viết chân dung Trần Việt Trung tôi đã chủ quan khi không lường hết những điều “có thể” ở con người đa mang này. Trần Việt Trung là một doanh nhân có nhà máy sản xuất chổi sơn xuất khẩu; võ sư có võ đường với rất nhiều đệ tử, học trò; lương y với phòng khám, bốc thuốc tại nhà ngày ngày và từ vài ba năm nay, ông được biết đến nhiều ở lĩnh vực viết văn. Biết Trần Việt Trung từ cuốn sách “Quyền sư” tiếp đó là cuốn “Thầy Thiên Đức” và “Sư đệ Học phái Dưỡng sinh Nhu quyền” tôi cứ tâm niệm rằng đây sẽ là một chân dung văn học về người làm chữ nghĩa. Nhưng không phải thế. Chỉ riêng từ đám tang lương y Thiên Tích tôi đã thấy bộn bề chi tiết về đủ mọi khía cạnh cần phải viết về nghề y mà Trần Việt Trung đeo đuổi.

Không viết sao được khi chính tôi là một bệnh nhân chịu hàm ơn ông. Tháng 7-2017, tôi gặp một tai nạn hy hữu chỉ xuống hụt xe đạp nhưng bị vặn gối đứt dây chằng và tổn thương nặng gối trái, chỉ định mổ. Ca phẫu thuật thành công nhưng quá trình phục hồi gặp vấn đề. Cái chân mổ dù qua đủ các biện pháp phục hồi chức năng nhưng vẫn cứng đơ không thể gập hết được. Nguy cơ tàn tật hiển hiện. Chính lúc tôi tuyệt vọng nhất phải tính đến phương án mổ lại thì Trần Việt Trung xuất hiện. Ông nói có bài thuốc cổ truyền chữa gối rất linh nghiệm. Nói thật, sống trong một gia đình có không ít bác sĩ, bệnh tật gì cũng phụ thuộc vào tây y, tôi không tin thuốc đông y lại có thể phục hồi được gối. Có lẽ hiểu tâm trạng của tôi, Trần Việt Trung nhẹ nhàng bắt mạch, chẩn bệnh và kê đơn thuốc bằng một sự tự tin kỳ lạ. Anh nói thẳng không chút kiêng dè, chân sẽ khỏi để thuyết phục tôi. Điều kỳ diệu đã đến. Chỉ chừng một tháng sắc thuốc uống, chân tôi đã dần bình phục và sự tự tin của Trần Việt Trung đã truyền sang tôi động lực mãnh liệt để quyết định một việc đến tôi cũng khó tưởng tượng nổi là đạp xe xuyên Việt. Đấy, chuyện cái chân được chữa lành và chuyến đạp xe thành công làm sao tôi lại có thể không nhắc đến khi viết về ông. Vậy là ý định ban đầu viết chân dung một người làm chữ nghĩa phá sản.

Khi “Quyền sư” ra đời, tôi đọc một cách kỹ lưỡng. Thói quen của tôi không cầm lòng được mỗi khi đó là một cuốn sách hay. Quả thật những nhân vật trong “Quyền sư” đã mê hoặc tôi bởi tinh thần thượng võ và đạo nghĩa thầy trò, huynh đệ của những người ở một lĩnh vực tôi lạ lẫm. Ngay lập tức tôi viết bài giới thiệu dù lúc ấy tôi và tác giả hoàn toàn không biết nhau. Thông qua người bạn văn chương Hữu Việt, tôi và Trần Việt Trung mới gặp gỡ làm quen. Tôi thật sự khâm phục kiến văn của một người lần đầu đến với văn chương. Sau này những cuốn sách kế tiếp của Trần Việt Trung vẫn ở dạng phi hư cấu dù ở lĩnh vực y học hay võ thuật đều thuyết phục được độc giả và tạo ra những tiếng vang.

Cuộc đời có những cái duyên kỳ lạ, dù tính cách mạnh mẽ nhưng tôi không mấy thiện cảm với dân võ. Nghề làm phim, tôi đã có đôi ba lần tiếp xúc với những diễn viên võ thuật và đọng lại không mấy ấn tượng. Vậy mà khi gặp gỡ Trần Việt Trung và đồng môn hay học trò của ông tôi lại thấy cực kỳ dễ chịu. Có lẽ võ thuật phải nhìn nhận đẳng cấp thông qua hành xử của mỗi võ sư. Đẳng cấp cao thì cư xử khiêm nhường. Võ biền thì nôn nóng, hạ đẳng. Tôi cứ nhớ mãi trong Hội sách quốc tế 2017 ở Công viên Thống Nhất, chân mới mổ phải nằm liệt, Trần Việt Trung cho học trò tới tận nhà chở tôi đến Hội sách và dùng xe lăn di chuyển tận nơi cho kịp buổi ra mắt một cuốn sách tôi được mời. Nhiệt tình với bạn bè, tận tâm với nghề nghiệp, hết lòng với môn phái, chuẩn mực trong đạo nghĩa thầy trò là những gì tôi cảm nhận trong số lần tiếp xúc ít ỏi cùng ông. Trần Việt Trung có vẻ ngoài hiền lành, tư thế, tác phong đĩnh đạc, nghiêm cẩn. Cách ăn nói nhỏ nhẹ, thuyết phục. Ông được thầy Thiên Tích dạy dỗ y thuật và lý số tinh thông. Dù là người đứng đầu một Học phái võ thuật, là một lương y giỏi và ở góc độ chữ nghĩa ông xứng đáng là một cây bút có tầm, tôi vẫn chứng kiến sự khiêm tốn, giản dị của Trần Việt Trung. Nhà thơ Hữu Việt, người bạn vong niên của tôi từ bao năm nay nhưng chưa bao giờ tôi biết anh lại là một võ sư và là đệ tử ruột của Trần Việt Trung. Có lẽ đấy chính là sự thành công của Trần Việt Trung cùng môn sinh của mình trong Học phái Dưỡng sinh Nhu quyền. Nói dại, tính tôi nóng nảy, thích hơn thua may không có va chạm gì với Hữu Việt nếu không chỉ một cái vảy tay rất nhu thì bộ mặt cương cường của tôi đủ để mang họa. Đùa hơi thừa bởi khi đọc “Quyền sư” tôi đã tràn cảm hứng nhận xét: “Gốc của võ là văn. Mà văn thì còn gì khác ngoài một chữ Người. Một chữ Người viết hoa”. Có lẽ Trần Việt Trung là thế, ông là hiện thân của đạo nghĩa thầy trò, tình huynh đệ, cốt cách làm người cho chính nhân vật trong tác phẩm của mình.

Chuyện người đa mang ảnh 2

Võ sư Trần Việt Trung (giữa) trong buổi ra mắt tác phẩm Sư đệ Học phái Dưỡng sinh nhu quyền.

Cố hình dung nhưng tôi không thể hình dung nổi vóc sức một con người như Trần Việt Trung làm sao lại có thể kham nổi ngần ấy công việc của một người đa mang với bao chức phận đời người. Nhà máy sản xuất của ông có vài trăm công nhân. Sáng sáng đến xưởng. Chiều chiều về phòng khám chẩn chữa bệnh. Lịch dạy võ, luyện võ thường kỳ vào buổi tối và cuối tuần. Sách ra đều đặn, viết vào những khoảng thời gian tĩnh lặng buổi sáng thưởng trà hoặc rảnh rỗi. Chưa hết, Trần Việt Trung quảng giao, thâm thủy với bạn bè hẳn sẽ không tránh được những hẹn hò giao tiếp, thù tạc. Và nữa, còn gia đình, vợ con, họ hàng. Chỉ cần nhìn vào người phụ nữ bạn đời của Trần Việt Trung luôn thấp thoáng bên ông đủ để tôi hiểu ông là típ người của gia đình.

Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, vậy thì sự đa mang của phận người kia cái gì là cốt thiết nhất mà chịu không nghĩ ra được. Đành phải tự nhủ doanh nhân là nghề, còn tất thảy sự đa mang còn lại của Trần Việt Trung là nghiệp. Hỏi điều ấy, Trần Việt Trung chỉ cười cười, tay tỉ mẩn lau bức tượng bán thân người cha của mình đặt ở phòng khách.

Ít người biết Trần Việt Trung là con trai út tướng Trần Tử Bình, vị tướng tài năng và đức độ trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thảo nào...