GS-TSKH Ðặng Ứng Vận:

Cần lấy lại niềm tin vào giáo dục

GS, TSKH Đặng Ứng Vận (ảnh bên), nguyên Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình (Hà Nội), là người đã có nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo nước nhà. Nhân dịp đầu năm học mới, trước những băn khoăn của xã hội về những “sự cố” giáo dục nảy sinh gần đây, ông đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc trò chuyện chung quanh vấn đề xây dựng niềm tin và trách nhiệm trong đổi mới giáo dục.

Xây dựng niềm tin với giáo dục là đòi hỏi cấp bách (ảnh minh họa).
Xây dựng niềm tin với giáo dục là đòi hỏi cấp bách (ảnh minh họa).

Những ngày gần đây trên các trang mạng xã hội lại rộ lên chuyện cải cách phương pháp học môn tiếng Việt, rồi vấn đề biên soạn sách giáo khoa, trong khi câu chuyện tiêu cực trong thi cử và nhiều vấn đề khác nữa của giáo dục vẫn còn đang nóng. Dường như đã trở thành phản xạ, là mỗi khi cứ nhắc đến vấn đề gì liên quan đến “đổi mới giáo dục” thì xã hội lập tức xôn xao, bức xúc, thậm chí hoài nghi; theo ông căn nguyên do đâu?

Tôi có thể trả lời ngay, đó là sự mất niềm tin của một bộ phận không nhỏ người dân vào quá trình đổi mới giáo dục thời gian qua. Tất nhiên, cuộc cải tổ nào cũng sẽ đều có những xáo trộn, nhưng sau một số đề án nghìn tỷ “không đạt như mong muốn” cho đến những sự cố động trời trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã khiến dư luận bức xúc, không ít người đã mất bình tĩnh. Sự “mất bình tĩnh” ấy được biểu hiện rõ ràng nhất là nhiều người đã vội vàng hiểu lầm phương thức dạy đánh vần trong sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, tưởng đây lại là đợt cải cách tiếng Việt mới. Có người còn nhầm tưởng chữ viết theo đề xuất của PGS Bùi Hiền đã được đưa vào áp dụng, v.v. Tuy thế, theo tôi, trong cái rủi hóa ra có cái may. Rủi là xã hội hoặc phải một phen hoang mang, hoặc phải chứng kiến một hiện tượng tiêu cực không thể tin nổi trong thi cử. May là điều tiêu cực lâu nay ẩn giấu đã được vạch mặt chỉ tên, và sau những hoang mang đã giúp cho xã hội, cả nhà nước có thêm trải nghiệm thực tiễn để rồi sẽ phải rút kinh nghiệm và có các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý những “sự cố” ấy hiệu quả.

Cần lấy lại niềm tin vào giáo dục ảnh 1

Thực trạng giáo dục như thế nào chúng ta đều có thể nắm bắt. Vấn đề lúc này, với các chuyên gia (như đã từng làm) là cần tiếp tục hiến kế cho ngành giáo dục, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) những gì để lấy lại niềm tin của xã hội? Ông có thể cho biết các đề xuất ưu tiên của mình ở thời điểm này?

Cần tập trung triển khai hiệu quả từng khâu đột phá. Trong những năm gần đây thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam, Bộ GD-ĐT cũng đã tập trung nguồn lực của toàn hệ thống để đổi mới thi cử và xem đây là điểm đột phá trong đổi mới giáo dục Việt Nam. Điểm đột phá này xuất phát từ quan điểm cho rằng thay đổi nội dung thi sẽ đòi hỏi nhà trường phải thay đổi chương trình đào tạo, thay đổi cách thi sẽ buộc thầy cô giáo phải đổi mới phương pháp giáo dục, người học phải thay đổi cách học lâu nay bị phê phán là lạc hậu, kém sáng tạo và hạn chế phát triển năng lực cá nhân. Tuy nhiên, lựa chọn “khâu đột phá” cũng cần phải được xem xét, nghiên cứu tùy từng thời điểm trên lộ trình đổi mới. Chúng ta cần quay trở lại vấn đề tiêu cực trong kỳ thi THPT vừa qua, bởi vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Nó quan trọng bởi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào các trường, hơn nữa là niềm tin của xã hội. Liên quan đến thi cử, tôi ủng hộ việc triển khai một cuộc tái thanh tra, kể cả với các sinh viên đã nhập học. Đây cũng là công việc bình thường ở các trường đại học trên thế giới. Trước khi xét tốt nghiệp, nhà trường đều đã phải thanh tra toàn bộ hồ sơ của sinh viên năm cuối về điều kiện tốt nghiệp bao gồm từ minh chứng điểm đầu vào, hồ sơ cá nhân trong đó có bằng tốt nghiệp THPT, quá trình học tập, rèn luyện đến việc đóng học phí, lệ phí. Sinh viên nào không đủ các điều kiện tốt nghiệp trong đó có cả các điều kiện về đầu vào sẽ không được xét tốt nghiệp. Việc thanh tra bài thi tốt nghiệp THPT ở ta chưa thể thực hiện được là bởi các trường không được cung cấp tài liệu, đáng ra là rất quan trọng này.

Nói như vậy, có thể thấy, ông đặc biệt quan tâm đến đổi mới giáo dục đại học. Đây cũng là vấn đề đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Vẫn là câu chuyện niềm tin, khi số liệu thống kê hằng năm cho thấy có hàng trăm nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp. Vậy ở phân khúc giáo dục này, theo ông, chúng ta phải làm sao?

Việc xã hội và doanh nghiệp gia tăng sự hoài nghi về chất lượng và việc học của sinh viên Việt Nam hiện nay phải xem như là sự xói mòn lòng tin đối với các trường cao đẳng và đại học. Khi niềm tin của xã hội đối với hệ thống giáo dục đại học bị giảm sút thì bất kể quyền tự chủ được giao ở mức độ nào nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà giáo dục cần dựa trên nguyện vọng, niềm tin của người dân và các nguyên tắc cơ bản về trách nhiệm để có được những lựa chọn hiệu quả và biết đánh đổi khi cần thiết. Cùng đó, các nhà hoạch định chính sách, các hiệu trưởng, các Hội đồng trường, phụ huynh, sinh viên, nhà tuyển dụng, các nhà lập pháp, các hội nghề nghiệp, các cơ quan kiểm định chất lượng và các bên liên quan khác cần có đóng góp tích cực, hiệu quả để làm nên quá trình chịu trách nhiệm của Nhà nước.

Còn những thách thức quan trọng đối với các trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập, trước tiên phải là vấn đề tái cơ cấu hệ thống giáo dục đại học. Tiếp đó là, duy trì chất lượng cao và tiếp cận với giáo dục sau trung học, đáp ứng nhu cầu tuyển sinh gia tăng từ các quần thể dân cư ngày càng đa dạng về mục đích, tâm nguyện và kiến thức nền tảng của việc học đại học của họ; đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về người lao động phức tạp và có tay nghề cao; giải quyết sự hoài nghi của công chúng về chất lượng và chi phí.

Xây dựng lại niềm tin xã hội đối với giáo dục đại học là điều cấp bách hiện nay. Do tác động của cơ chế thị trường nên xu thế Bộ GD-ĐT ngày càng giao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường công. Tự chủ học thuật được giao trước và giờ đây là tự chủ phi học thuật nhằm tạo nguồn lực cho đổi mới. Tuy vậy, tự chủ cần phải đi kèm với trách nhiệm. Trách nhiệm với xã hội và với chính nhà trường. Quyền tự chủ được giao càng lớn thì trách nhiệm của nhà trường phải càng cao và trách nhiệm giám sát của nhà nước càng quan trọng.

Trong khi chủ trương, cơ chế và cả những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới giáo dục đã có; nhưng vì sao quá trình triển khai vẫn lúng túng, bất cập, với ngổn ngang những lỗ hổng, thưa ông?

Yếu tố cuối cùng nhưng rất quan trọng và có tính quyết định đó là cho dù ở cấp học nào, trình độ nào với các thầy cô đứng lớp hay cán bộ quản lý giáo dục thì những đòi hỏi về đạo đức nghề nghiệp và trọng trách đối với sự hưng vong của quốc gia là vô cùng cấp bách. Cấp bách hơn nhiều so với việc chúng ta thay đổi cách tổ chức một kỳ thi hay phương pháp dạy học này khác. Công tác tổ chức chỉ góp phần ngăn chặn và hạn chế những tiêu cực mà thôi. Cái gốc vẫn là ở chất lượng nhân lực ngành giáo dục, yếu tố con người.

Kinh nghiệm chống tham nhũng mà chúng ta đang triển khai cho thấy trong giáo dục cũng không thể có vùng cấm. Thậm chí còn phải nghiêm túc hơn vì như cổ nhân đã nói “tham nhũng vào đến học đường là dấu hiệu của sự suy đồi”. Cần ngăn chặn sớm và quyết liệt không chỉ với đối tượng sai phạm mà còn làm gương cho các thế hệ sắp tới trước khi bước chân vào mái trường đại học và giúp củng cố niềm tin của xã hội vào việc chúng ta đang tích cực xây dựng một nền giáo dục trong sáng, hiện đại.

Và, để bảo đảm nguồn lực cho phát triển giáo dục thì đầu tư cho giáo dục phải được coi là đầu tư phát triển. Đầu tư dàn trải theo kiểu phân chia phúc lợi, tất yếu dẫn đến giảm hiệu quả. Đồng thời, khi đầu tư của Nhà nước được tập trung, việc huy động nguồn lực từ xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc hoàn thiện thể chế huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục là hết sức cần thiết.

Trân trọng cảm ơn ông!