Tháng tư, trẩy hội Vía Bà

Những ngày cuối tháng tư âm lịch, các cung đường hướng về Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, tỉnh An Giang ken kín khách hành hương. Người ta đến đây để được hòa mình trong không khí linh thiêng của nơi phát tích huyền thoại về Bà Chúa xứ, được sống trong mùa lễ hội Vía Bà và tìm hiểu về những nhân vật có công khai mở, trấn giữ vùng đất biên thùy tân cương Châu Đốc, thuở nào.

Lễ Phục hiện rước tượng Bà Chúa xứ từ trên đỉnh núi Sam xuống chân núi.
Lễ Phục hiện rước tượng Bà Chúa xứ từ trên đỉnh núi Sam xuống chân núi.

Bước ra từ… truyền thuyết

Những bậc cao niên vùng Châu Đốc cũng không còn nhớ rõ mốc thời gian, nhưng thuở ấy, rừng núi còn hoang vu lắm. Ngọn núi Sam còn nhiều cọp báo và những tán rừng cổ thụ che kín lối mòn. Bất ngờ, người dân địa phương phát hiện có một pho tượng to lớn bằng đá ngự ngay trên đỉnh núi Sam.

Những năm 1820 - 1825, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta, có lần chúng đuổi theo dân lên đỉnh núi Sam thì gặp pho tượng lạ này. Chúng ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng đến một đoạn thì lạ thay tượng nặng trĩu, không nhấc lên được. Một tên trong đám khiêng tượng tức giận làm gãy cánh tay trái của tượng, ngay lập tức hắn bị trừng phạt. Từ đó, người dân được báo mộng rằng có người xưng là Bà Chúa xứ dạy dân cách lập miếu thờ để Bà phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp, thoát khỏi dịch bệnh.

Khoảng đầu thế kỷ thứ 18, khi Thoại Ngọc Hầu đến trấn giữ vùng đất Tây Nam. Ông được triều đình giao trọng trách đào kênh Vĩnh Tế dài 100 km, rộng 50 m, nối từ Châu Đốc tới Hà Tiên. Đây là công trình vĩ đại nhằm mục đích thoát lũ, xả phèn cho vùng tứ giác Long Xuyên, rút ngắn con đường giao thương đường thủy vùng phía tây; đồng thời cũng là con đường thủy huyết mạch có vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Tuy nhiên, khi tiến hành thì liên tục gặp trục trặc, nhiều người chết do tai nạn, bệnh tật hay bị thú dữ tiến công. Trước tình hình đó, bà Châu Thị Vĩnh Tế, vợ ông Thoại Ngọc Hầu đã nghe lời dân làng đến làm lễ cúng bái tượng Bà. Quả nhiên ngay sau đó việc đào kênh diễn ra rất suôn sẻ. Không những thế, bà còn khấn cầu cho ông Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ yên bình cho nhân dân. Lời cầu nguyện được linh ứng và toại nguyện, bà Châu Thị Vĩnh Tế đã huy động quân lính, dân làng lên đỉnh núi khiêng tượng xuống chân núi để tiện việc hương khói. Thế nhưng, những thanh niên khỏe mạnh vẫn không sao di dời được pho tượng. “Một hôm, Bà báo mộng xưng là Bà Chúa xứ thánh mẫu của vùng đất này và phải có chín cô gái đồng trinh lên khiêng thì mới được. Quả nhiên, chín cô gái làm theo lời báo mộng thì tượng bỗng nhẹ tênh, di chuyển từ trên đỉnh xuống tới chân núi rồi lại bỗng nhiên nặng trịch và không di chuyển được nữa. Người dân cho rằng Bà đã chọn nơi này để an vị nên cho xây Miếu thờ cúng”, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Ban Quản trị Lăng Miếu Núi Sam kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết Bà Chúa xứ Núi Sam.

Điểm đến du lịch tâm linh

Ban đầu, ngôi miếu chỉ được cất bằng tre lá, tạm bợ. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay kiến trúc miếu có hình chữ “quốc”, khối tháp mô phỏng hình hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống mầu xanh. Chánh điện rất rộng, với phần lớn không gian bên ngoài để khách hành hương thực hiện các nghi thức cúng bái, còn bên trong là khu vực thờ cúng với tượng Bà Chúa xứ ngự trên một bệ đá cao ngay chính giữa. Pho tượng có gương mặt của một người phụ nữ phúc hậu, hiền lành. Vì thế, dân gian còn gọi bà là Bà Chúa xứ Thánh mẫu của vùng đất Châu Đốc tân cương…

Năm nay là năm thứ 19 Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam được nâng tầm lễ hội cấp quốc gia. Diễn ra từ ngày 26 đến 31-5 (tức nhằm ngày 22 đến 27-4 âm lịch), Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam có nhiều hoạt động sôi nổi như: Lễ Phục hiện rước tượng Bà Chúa xứ từ bệ đá Bà ngự năm xưa trên đỉnh núi Sam về miếu, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần - rước sắc Thần ông Thoại Ngọc Hầu từ Lăng Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà Chúa xứ, lễ Túc yết và Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc... Về phần hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm tính văn hóa của bốn dân tộc Kinh - Chăm - Hoa - Khmer và các trò chơi dân gian tại phố đi bộ Núi Sam, như: kéo co, đẩy gậy, thả diều nghệ thuật, trò chơi vận động liên hoàn, cờ tướng, hội thi chim hót, chọi gà, gà đẹp, cờ người… hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách và người dân địa phương.

Nhằm tạo sự yên tâm cho du khách khi đến với Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam, UBND thành phố Châu Đốc yêu cầu lực lượng chức năng, ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Trong đó, tập trung ngăn chặn, xử lý kịp thời các tệ nạn xã hội, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, bói toán, mê tín dị đoan và bảo vệ an toàn khu vực tổ chức các hoạt động lễ hội, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống cháy nổ. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác quản lý bằng ca-mê-ra để giám sát các đối tượng thường xuyên đeo bám, chèo kéo khách du lịch trên địa bàn phường Núi Sam.

Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam là dịp được du khách cả nước và nhân dân tỉnh An Giang mong chờ, là điểm đến của du lịch tâm linh, mỗi năm đón hơn năm triệu lượt khách du lịch, hành hương đến tham quan và cúng lễ. “Chúng tôi đã và đang tạo ra một điểm đến du lịch tâm linh đúng nghĩa, tạo ấn tượng với du khách thập phương, để tất cả mọi người dân cả nước có thể đến với Lễ hội Vía Bà. Đây là dịp để những ai đến với lễ hội có thể cảm nhận được tính truyền thống đã có hàng trăm năm của mùa Vía Bà”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc Lâm Quang Thi cho biết, ban tổ chức nỗ lực nâng cao chất lượng các hoạt động của lễ hội, từng bước nâng chất, phát triển lễ hội trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, xây dựng hình ảnh du lịch Châu Đốc thân thiện và mến khách. Năm nay, chương trình phần lễ vẫn được giữ nguyên theo các nghi thức truyền thống. Bên cạnh đoàn người mặc lễ phục cùng cờ phướn tái hiện cảnh rước tượng Bà thì đoàn du khách tham gia cũng kéo dài gần suốt từ đỉnh xuống tận chân núi. Chị Nguyễn Thanh Thúy đến từ TP Cần Thơ, có mặt trong đoàn tham dự lễ phục hiện rước tượng Bà vào chiều tối 22-4 âm lịch không giấu được niềm hân hoan: “Đây là năm thứ 10 đến dự lễ hội, mình mới được trực tiếp tham dự lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa xứ. Có tận mắt chứng kiến và tham gia cùng mọi người mới cảm nhận hết tính thiêng liêng của lễ hội và niềm tin với Bà Chúa xứ và ngôi miếu cổ kính này mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Còn bà Phạm Thu Hiền, ở TP Hồ Chí Minh, đã đến TP Châu Đốc từ buổi sáng trước khi chính thức diễn ra Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam năm nay. “Năm nào tôi cũng có mặt ở Miếu vào các ngày 22 và 23-4 âm lịch. Nhất là tối khuya 23-4, thời điểm diễn ra Lễ tắm Bà. Nhiều người tin rằng, được chứng kiến và tham gia vào Lễ tắm bà sẽ được Bà ban cho phúc lành, may mắn và sức khỏe, bình an. Không chỉ riêng tôi mà còn có hàng trăm nghìn lượt người từ khắp các tỉnh, thành phố đổ về đây để chờ được chứng kiến và tham dự các nghi thức thiêng liêng của lễ hội năm nay”, bà Hiền thổ lộ. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, để tạo cơ hội cho người dân, khách du lịch cả nước có thể đến với Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam năm nay, UBND thành phố Châu Đốc đã thông báo không thu phí tham quan trong hai ngày 26 và 27-5 (tức 22 và 23-4 âm lịch) thời điểm vào chính lễ”.