Siết quy định, tăng năng lực quản lý

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường với nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ. Đây là một bước tiến nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để tăng cường năng lực quản lý đối với hai loại hình dịch vụ chứa nhiều yếu tố nhạy cảm này.
Từ thực tế quản lý, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của một số quy định.
Từ thực tế quản lý, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của một số quy định.

Bổ sung nhiều quy định cụ thể

Trước đây, Nghị định số 103/2009/NĐ-CP về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng của Chính phủ đã có quy định về hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường. Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phát triển mạnh, dẫn đến những hiện tượng cháy nổ, mất an ninh trật tự, sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm… Nhằm khắc phục những mặt trái này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Nghị định mới bổ sung, hoàn thiện những quy định cụ thể nhằm siết chặt các điều kiện kinh doanh, đưa những lĩnh vực nhạy cảm này đi vào nền nếp.

Nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh, lệch chuẩn xảy ra ở các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trong thời gian trước đây đã khiến dư luận bức xúc. Theo Nghị định mới ban hành, hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường phải tuân thủ chặt chẽ các quy định như chỉ sử dụng các bài hát được phép phổ biến, lưu hành; bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh rượu; phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke phải bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; không được hoạt động từ 0 đến 8 giờ sáng. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 02 đến 8 giờ sáng. Không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.

Cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL cho biết, nhằm bảo đảm tính khả thi, điều kiện kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh là một trong những nội dung điểm nhấn trong Nghị định. Khi kinh doanh dịch vụ karaoke, doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự. Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ). Tương tự, điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự; không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động. Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên. Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên.

Chế tài đủ mạnh

Trước những băn khoăn rằng một số quy định cụ thể có khả thi hay không, ví như làm thế nào để kiểm soát việc quản lý và không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi? Yếu tố văn hóa, thuần phong mỹ tục thể hiện qua hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình liệu có được bảo đảm?… Theo các nhà quản lý, Nghị định 54 đã quy định các biện pháp, chế tài đủ mạnh để quản lý như yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục vi phạm hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh. Văn bản yêu cầu tạm dừng kinh doanh phải nêu rõ hành vi vi phạm, thời điểm và thời hạn tạm dừng. Việc xác định thời hạn tạm dừng căn cứ vào mức độ vi phạm, thời hạn khắc phục do cơ quan cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh quyết định. Thời hạn tạm dừng không quá 03 tháng. Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh phải dừng kinh doanh theo yêu cầu và khắc phục vi phạm.

Nghị định cũng quy định tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với hình thức thanh tra, kiểm tra liên ngành; kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, nhằm bảo đảm việc thực hiện các quy định về điều kiện, trách nhiệm khi kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Phân định trách nhiệm, cơ chế quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương được quy định rõ tại điều 18, điều 19 Nghị định. Đây là một điều chỉnh tích cực, bởi trước đây, sự phân định trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật, gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, từ thực tế quản lý, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của một số quy định, như nội dung “bài hát, tác phẩm phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục”, đồng thời đề nghị cần phải có điều kiện quy định cụ thể để địa phương có cách xử lý cho phù hợp trong thực tế.

Ngoài ra, về điều khoản không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi, không ít ý kiến băn khoăn rằng liệu việc yêu cầu trình chứng minh thư khi đến vũ trường có thực hiện được không, liệu có xảy ra biến tướng gì hay không? Đây là những vấn đề thực tế cần được các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, có định hướng khi Nghị định chính thức được triển khai trong thực tiễn.