Những bước chân lưu dấu

Tuy diễn ra lần đầu, nhưng nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật trong năm 2019 đã tạo nên những giá trị mới mẻ, truyền cảm hứng về một lối đi mới trong sáng tạo.

Monsoon là lễ hội âm nhạc được tổ chức quy mô, bài bản và tiệm cận với xu hướng âm nhạc thế giới.
Monsoon là lễ hội âm nhạc được tổ chức quy mô, bài bản và tiệm cận với xu hướng âm nhạc thế giới.

1. “Cơn địa chấn” mang tên Hồ Thiên nga

Nhiều năm qua, chúng ta luôn mặc định rằng, ballet không có khán giả và những giá trị của nghệ thuật đỉnh cao chỉ dành cho một bộ phận khán giả thuộc tầng lớp tinh hoa mà thôi. Nhưng đạo diễn Trần Ly Ly và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã phá bỏ được rào cản đó. Lần đầu sau 36 năm, vở ballet kinh điển Hồ Thiên nga được dàn dựng và diễn bảy đêm ở Nhà hát Lớn đều cháy vé, đưa ballet Việt bước sang một trang mới. Lần đầu tiên một phiên bản Hồ Thiên nga “thuần Việt” được công diễn và gặt hái thành công rực rỡ. Hơn một thế kỷ qua, ballet Hồ Thiên nga - tác phẩm ballet đầu tay của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Tchaikovsky, vẫn luôn được coi là tác phẩm kinh điển và chuẩn mực, biểu đạt đầy đủ vẻ đẹp của nghệ thuật ballet cổ điển và là niềm say mê của những ai yêu thích môn nghệ thuật này.

Sự kiện cháy vé của Hồ Thiên nga mang lại một tín hiệu khả quan về gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, dự báo về một xu hướng phát triển tất yếu của nghệ thuật, đó là, những giá trị kinh điển vẫn luôn được chờ đón. Hồ Thiên nga được dự báo sẽ tạo nên một cú huých cho các nhà hát đang “ngủ đông” mạnh dạn hơn trong việc khai phá thế mạnh của mình để tiếp cận thị trường. Tổng đạo diễn Trần Ly Ly chia sẻ, sau nhiều năm lang thang trong showbiz Việt, chị nhận ra rằng, khán giả đã quá đủ đầy với những game show giải trí, mua vui. Và nghệ thuật, ngoài chức năng giải trí, nó cần giúp khán giả nâng cao về nhận thức và tri thức của mình. Chị đã mạnh dạn đi vào khe cửa hẹp nhưng lại là những giá trị vĩnh cửu của nghệ thuật và chinh phục khán giả bằng tài năng, tâm huyết và sự dấn thân của những người trẻ. Hồ Thiên nga sẽ tiếp tục hành trình lưu diễn trong năm 2020 và chắc chắn, sẽ được khán giả chào đón.

2. Nghệ thuật sinh thái khởi sắc tại Việt Nam

Có thể nói, năm 2019 là năm nở rộ của nghệ thuật sinh thái. Nhiều sự kiện triển lãm, sắp đặt về môi trường cho thấy một xu hướng tất yếu sẽ phát triển trong thời gian tới. Đáng chú ý là triển lãm đầy ấn tượng của nghệ sĩ đương đại Trần Nguyễn Ưu Đàm: “Rồng rắn lên”; triển lãm “Hành tinh nhựa” giới thiệu đến công chúng bốn tác phẩm sắp đặt, điêu khắc của nhóm nghệ sĩ đến từ Tò he (một doanh nghiệp xã hội ứng dụng sáng tạo nghệ thuật); hay triển lãm “Cứu biển” - triển lãm đầu tiên khởi động cho dự án “Save our Sea” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng...

Lý giải vấn đề này, các nghệ sĩ cho rằng, chưa bao giờ vấn đề môi trường sống lại nóng như hiện nay. Những đổi thay, biến dạng của môi trường sống đã tác động đến nghệ sĩ. Việt Nam cũng là một tâm điểm về môi trường. Nghệ thuật với những sắc màu mới mẻ, đa dạng, không chỉ là chốn nương náu của cái tôi và truyền tải cái đẹp, nó còn là một phương tiện để nghệ sĩ gửi gắm thông điệp tới cộng đồng và tác động đến xã hội. Đây là một xu hướng tất yếu của nghệ thuật, hướng tiếng nói mạnh mẽ của mình đến cộng đồng và những vấn đề nóng trong xã hội.

3. Xây dựng thương hiệu thành phố văn hóa bằng lễ hội âm nhạc

Đây là một năm đặc biệt ghi dấu sự trở lại của Monsoon festival ở Hà Nội và lễ hội âm nhạc Hozo lần đầu được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, do hai thủ lĩnh âm nhạc: nhạc sĩ Quốc Trung và nhạc sĩ Huy Tuấn làm tổng đạo diễn. Ở Việt Nam, chưa có một lễ hội âm nhạc nào được tổ chức quy mô, bài bản và tiệm cận với các xu hướng âm nhạc thế giới như Monsoon và năm nay có thêm Hozo. Đó thật sự là một không gian của lễ hội, của niềm vui và sự hứng khởi, góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho nhiều khán giả Việt Nam.

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, anh muốn xây dựng một lễ hội âm nhạc thường niên để kích hoạt đời sống âm nhạc trong nước, thay đổi thói quen nghe nhạc và ưu tiên cho văn hóa của người Việt. Bởi thực tế, đời sống âm nhạc của Việt Nam còn quá lạc hậu so với thế giới. Chúng ta đang ở trong “ao làng” của chính mình, tự đóng cửa và khen nhau, trong khi thế giới đã phát triển cách Việt Nam một quãng rất xa. Việc nhạc sĩ Huy Tuấn và nhạc sĩ Quốc Trung mời nhiều ban nhạc nước ngoài, các nghệ sĩ Việt ở nước ngoài và nhiều nghệ sĩ trẻ trong nước với các dự án mới, tìm tòi, sáng tạo đã tạo ra một không gian thưởng thức âm nhạc văn minh, mới mẻ.

Hai lễ hội âm nhạc được tổ chức trong năm 2019 ở hai thành phố lớn góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc của người Việt. Nó góp phần tạo ra một thị trường âm nhạc lành mạnh, bình đẳng, góp phần thay đổi thói quen của người Việt, giúp họ tiếp cận với các giá trị âm nhạc văn minh, hiện đại hơn. Nó góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở hai thành phố này. Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn: “Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của một quốc gia, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ trở thành những trung tâm công nghiệp sáng tạo của Việt Nam”. Đó cũng là xu hướng tất yếu để xây dựng thương hiệu văn hóa của một thành phố, lớn hơn nữa là một đất nước bằng chính những giá trị văn hóa trong sự hội nhập và phát triển.

Hạnh Nguyên