Ðạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp:

Người làm phim trẻ đang sở hữu tiếng nói vô cùng đa dạng

Có một thế hệ những nhà làm phim độc lập với tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ đang lặng lẽ làm phim, lặng lẽ tham dự những ngày hội điện ảnh uy tín hàng đầu trên thế giới và lặng lẽ gặt hái những giải thưởng quan trọng.

Mây nhưng không mưa dự tranh hạng mục Orizzonti Short Competition tại LHPQT Venice 2020.
Mây nhưng không mưa dự tranh hạng mục Orizzonti Short Competition tại LHPQT Venice 2020.

Dưới góc nhìn của đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp - người luôn nhiệt huyết ủng hộ, vun vén và nâng niu từng hạt mầm nghệ thuật thứ bảy, "trong vòng dăm năm tới, họ sẽ trở thành lực lượng sản xuất nòng cốt cho phim ảnh tại Việt Nam".

Khi thuận lợi cũng là trở lực

- Tôi nhắc đi nhắc lại từ "lặng lẽ" bởi lâu nay công chúng có rất ít thông tin về họ. Từng song hành cùng các bạn trẻ đam mê điện ảnh trong rất nhiều khóa học, cuộc thi phim ngắn, chị có thể phác thảo đôi nét chấm phá về chân dung thế hệ này?

- Ngay trước buổi trò chuyện này, tôi vừa gặp gỡ đoàn làm phim Bố của bố, của đạo diễn trẻ Cao Việt Hoài Sơn. Dự án đã nhận được nguồn tài trợ từ Quỹ SEA - SHORTS (Liên hoan phim quốc tế - LHPQT Singapore), từng lọt Top 10 Dự án phim ngắn CJ 2019 và cũng là tác phẩm kế tiếp tôi nhận làm nhà sản xuất - nói vui là "tiếp tay cho các nhà làm phim trẻ hơn mình". Quá nhiều trở ngại trong quãng thời gian dài vừa qua, khiến Sơn băn khoăn, thậm chí muốn ngãng ra. Phải đi một mình quá lâu, nếu thiếu đi sự đồng hành và tiếp sức vào chính lúc này của đồng nghiệp, bạn ấy có thể bỏ cuộc. Tôi cũng ngồi nghe những băn khoăn của Thảo Hồ về việc cô ấy chưa ưng ý phần chỉnh màu trong phim ngắn Ðường cao tốc mà cô ấy mãi mới có thể hoàn thành.

Trong mắt tôi, Sơn hay Thảo là gương mặt phản chiếu thế hệ nhà làm phim độc lập trẻ mà bạn đang đề cập. Họ đều giàu năng lượng và giàu ý tưởng. Và cũng vì còn rất trẻ, họ dám thử sức ở nhiều kênh khác nhau, dám mạnh dạn đón nhận chỉ đôi chút thành công bên cạnh khá nhiều thất bại mà hiếm khi nản lòng cũng như thất vọng. Nhưng từ thành công ban đầu nhỏ nhoi ấy, chặng đường hiện thực hóa giấc mơ khá dài đã bào mòn dần sự lạc quan, tự tin và khiến nhiều người trong số họ xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, trù trừ và đặt ra câu hỏi: có nên đi tiếp? Những mối lo về nguồn tiền làm phim vẫn hiện hữu nhưng không còn là câu chuyện sống còn, được - mất quyết liệt như chúng tôi ngày trước nữa.

- Nghe chị phân tích thì dường như đã bắt đầu xuất hiện sự khác biệt thế hệ, giữa những tên tuổi của chục năm về trước và lớp đàn em hôm nay?

- Hiện tại, số lượng những nhà làm phim độc lập đang ngày một đông đảo. Sân chơi nghệ thuật chào đón họ cũng nhiều hơn, từ các nền tảng trực tuyến đến workshop, từ các liên hoan phim (LHP) trong nước và nước ngoài lớn nhỏ tới các chợ phim luôn nhộn nhịp… Sự hợp tác giữa các nhà làm phim trẻ Việt Nam với bạn bè thế giới, với các LHPQT, trại sáng tác, quỹ hỗ trợ văn hóa cùng nhà sản xuất với hệ thống và quy trình sản xuất phim quốc tế cũng trở thành phổ biến. Có thể nói, thế hệ người làm phim hôm nay đã thuộc về và hòa nhập vào dòng chảy toàn cầu. Thay vì loay hoay dò dẫm mà không biết hỏi ai như chúng tôi trước đây, họ đã chung tay cùng nhau tạo ra một mạng lưới thông tin đủ tốt để có thể chia sẻ kinh nghiệm, bàn bạc với nhau về đường đi nước bước, đưa tác phẩm vượt ra ngoài biên giới. Ðể sự ghi nhận từ các sân chơi tầm cỡ giúp họ có cơ hội thực hiện những dự án phim dài trong tương lai.

So với thế hệ chúng tôi, họ có nhiều cơ hội học hỏi, giao lưu và thực hành nghệ thuật hơn nhưng cũng chính vì vậy mà những cơ hội lớn đang bị chia nhỏ, cứ be bé, vụn vặt, tãi ra. Thuận lợi cũng đồng thời trở thành khó khăn, bởi ngày trước chúng tôi chỉ có duy nhất một con đường để đi và một cái đích để hướng tới, hoặc là "không có gì" hoặc nếu có thì sẽ là một thứ "ra tấm ra món". Chúng tôi dành toàn bộ năng lượng sáng tạo cùng sự tập trung cho việc hiện thực hóa dự án trên giấy thành tác phẩm. Còn các bạn ấy, sự vận động của thị trường đang tạo nên những tác động khá lớn. Khi MV, web - drama, viral trở thành xu hướng rồi biến thành trào lưu, đạo diễn trẻ có nhiều cơ hội kiếm sống và trụ lại với nghề bằng đa dạng công việc liên quan tới hình ảnh. Ðã chọn con đường làm phim độc lập gian nan này thì phải quyết liệt đến cùng, phải dành trọn tâm sức cho nó. Không thể vừa chia nhỏ mình cho quá nhiều lĩnh vực vừa hy vọng sẽ đạt tới thành công.

Những hạt mầm khỏe khoắn

- Nhìn vào những gương mặt nổi trội của thế hệ người làm phim độc lập trẻ này, tôi thấy phần lớn trong số họ đều được những khóa đào tạo chuyên sâu ngắn hạn như Gặp gỡ mùa thu, Hà Nội mùa xuân hay cuộc thi phim ngắn như Phim ngắn CJ phát hiện, đồng hành và hỗ trợ trong bước khởi đầu đầy khó khăn?

- Gặp gỡ mùa thu - sự kiện điện ảnh phi lợi nhuận được tổ chức thường niên do đạo diễn Phan Ðăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đồng tổ chức đã vượt qua chặng đường bảy năm để trở thành một thương hiệu uy tín. Hà Nội mùa xuân là một trại sáng tác do chính tôi tổ chức, với sự hỗ trợ vô cùng quý báu của Quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa Ðan Mạch - Việt Nam. Ðây chính là nơi gặp gỡ và trình làng ban đầu của các nhà làm phim độc lập với những tác phẩm đầu tay như Lê Bình Giang (KFC), Trần Dũng Thanh Huy (Ròm), Lê Bảo (Vị), Tạ Nguyên Hiệp (người sắp ra mắt phim Trái tim quái vật), Võ Thạch Thảo (Loài cá cô đơn),...

Còn Phim ngắn CJ mà tôi là thành viên hội đồng cố vấn đã trở thành bệ phóng đưa phim ngắn Việt Nam lọt vào danh sách tranh giải chính thức tại các LHPQT hàng đầu thế giới. Như Mây nhưng không mưa dự tranh hạng mục Orizzonti Short Competition tại LHPQT Venice 2020, Một khu đất tốt của Phạm Ngọc Lân tranh giải Gấu vàng ở LHPQT Berlin 2019, Hãy tỉnh thức và sẵn sàng của Phạm Thiên Ân giành giải Illy ở hạng mục Director Fornight thuộc LHPQT Cannes 2019, Ngọt, mặn của đạo diễn Dương Diệu Linh là phim ngắn hay nhất do các nhà phê bình trẻ bầu chọn tại LHPQT Singapore 2019.

Năm nay, Thiên đường gọi tên - Dòng sông không nhìn thấy - An act of Affection tranh giải ở hạng mục phim ngắn quốc tế dưới 40 phút tại LHPQT Locarno 2020… Các quả ngọt khác từ Phim ngắn CJ mùa thứ 2 như Chung cư của em (Lê Bình Giang), Gì cũng sửa (Lê Lâm Viên) và Bình (Phạm Quốc Dũng) cũng sẽ tranh tài tại sân chơi quốc tế. Thành quả hôm nay nhiều khi cũng đến từ những mảnh ghép ban đầu có phần rời rạc… nhưng mà chính các nhà làm phim thế hệ trước - thế hệ sau đã tạo nên một đường dẫn truyền lửa - truyền nghề mượt mà, được vận hành trơn tru và hiệu quả.

- Và vị trí của những hạt mầm khỏe khoắn ấy, trong dòng chảy điện ảnh Việt Nam của thời tương lai sẽ ở đâu, thưa chị?

- Tôi có thể khẳng định, đội ngũ người làm phim trẻ hôm nay đang sở hữu tiếng nói cá nhân vô cùng đa dạng. Ðó cũng là lý do khiến tôi rất hay xắn tay "hò hét" cho dự án của các bạn trẻ, tiếng nói cá nhân quý báu ấy cần được phát lộ, cần được khẳng định, được trân trọng.

Trong tương lai, những cái tên mà tôi vừa nhắc tới sẽ trở thành lực lượng sản xuất chính. Dăm năm tới, họ sẽ thay thế những gương mặt nổi trội của hôm nay - vốn đã ít ỏi lại còn phải gánh chịu vòng quay đào thải khắc nghiệt của thị trường điện ảnh đầy biến động. Tôi tin thế!

- Trân trọng cảm ơn chị!

Hồ Cúc Phương

(Thực hiện)

Người làm phim trẻ đang sở hữu tiếng nói vô cùng đa dạng -0
 

Ðạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp là gương mặt nổi bật trong số những nhà làm phim độc lập trẻ tại Việt Nam, ghi dấu ấn với hai serie phim truyền hình Bộ tứ 10A8 cùng Chít và Pi, chị có Ðập cánh giữa không trung - tác phẩm đã giành giải thưởng tại nhiều LHPQT quan trọng, là tác phẩm độc lập hiếm hoi phát hành thương mại và đạt thành công tại phòng vé Việt Nam.

Lập ra hãng phim độc lập VBLOCK Media và hướng trọng tâm vào những dự án phim nghệ thuật cũng như thể nghiệm từ năm 2008, chị đã gặt hái thành công trong vai trò nhà sản xuất cho Bi, đừng sợ (đạo diễn Phan Ðăng Di), Con đường trên núi Thiên đường bỏ ngỏ (Síu Phạm), KFC (Lê Bình Giang), Ròm (Trần Dũng Thanh Huy)… và một loạt phim ngắn của các nhà làm phim trẻ.

Năm 2016, chị được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng tước hiệu Hiệp sĩ Văn chương nghệ thuật.

Từ năm 2018, chị lập ra Ơ kìa Hà Nội, Okia Cinema, Thanh xuân Công xưởngThư viện Ơ kìa, tổ chức một chuỗi các sự kiện văn hóa - nghệ thuật nhằm kết nối nghệ sĩ và công chúng, nghệ thuật và đời sống.