Ngọt - đắng sau những tấm huy chương

Liên tiếp tới bốn cuộc thi dành cho tài năng nghệ thuật trẻ được tổ chức chỉ trong tháng 10 và 11, cho thấy sự quan tâm đầu tư đặc biệt cho việc tìm kiếm, phát hiện nhân tài. Tuy nhiên, hiệu quả từ những bệ phóng này, trong thực tế, chưa hẳn được như mong muốn.

Các cuộc thi tài năng chưa thật sự là bệ phóng hiệu quả cho các nghệ sĩ trẻ trên con đường nghệ thuật.
Các cuộc thi tài năng chưa thật sự là bệ phóng hiệu quả cho các nghệ sĩ trẻ trên con đường nghệ thuật.

Ðầu tư tốt mới cho "trái ngọt"

Những ai theo dõi tường tận các cuộc thi: Tài năng biểu diễn múa 2020, Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2020, Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, Tài năng diễn viên chèo 2020 đều có chung một nhận xét, đó là, nếu nhà hát nào, đơn vị nghệ thuật nào được ngành, địa phương quan tâm đầu tư kinh phí rộng rãi, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật tâm huyết, có trách nhiệm thì lực lượng diễn viên trẻ dự thi không những đông hơn mà chất lượng cũng tốt hơn hẳn. "Trái ngọt" cho thành tích của diễn viên trẻ phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn xa của lãnh đạo đoàn cũng như sự ủng hộ từ địa phương. Tiêu biểu như Nhà hát (NH) Tuồng Việt Nam, NH Nghệ thuật truyền thống Bình Ðịnh, NH Chèo tỉnh Ninh Bình…

Giám đốc NH Chèo tỉnh Ninh Bình, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Thập cho biết, công tác đào tạo diễn viên trẻ luôn được địa phương tạo điều kiện, vì vậy, từ năm 2005 trở lại đây, Ninh Bình đã đào tạo trực tiếp tại địa phương được bốn khóa diễn viên, đang đào tạo tiếp khóa thứ 5. Các diễn viên trẻ sau khi tốt nghiệp được nhận về công tác tại NH và luôn được ban lãnh đạo NH và các nghệ sĩ gạo cội quan tâm bồi dưỡng, tin tưởng giao cho các em vai chính trong nhiều vở mới. Khi diễn viên trẻ dự thi trở về có giải thưởng cao sẽ được nhận khen thưởng của UBND tỉnh. Ngoài mức lương theo quy định, Ninh Bình còn cấp thêm một khoản kinh phí cho các nghệ sĩ của NH tập luyện, biểu diễn. Có điều, làm được như Ninh Bình vẫn là hi hữu.

Sau niềm vui là những nỗi lo...

Mục tiêu của các cuộc thi tài năng nghệ thuật nhằm khẳng định, tôn vinh những tài năng trẻ ở các loại hình nghệ thuật, đồng thời những giải thưởng đạt được cũng tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ trẻ gắn bó hơn với nghề. Nhưng điều quan trọng hơn là sau những cuộc thi, liệu chúng ta có phương thức nào để có thể nuôi dưỡng tài năng, giúp họ tiếp tục tỏa sáng trên con đường nghệ thuật?

NSND Trương Hải Thọ, Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội sân khấu Việt Nam tại Thanh Hóa cho biết: "NH Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa hiện có 86 định biên với bốn đoàn, gồm đủ các bộ phận như diễn viên, nhạc công, âm thanh, ánh sáng, hậu đài, hành chính... nên khó có thể bổ sung diễn viên trẻ. Nhờ có Ðề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đoàn nghệ thuật truyền thống của Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức, cho nên Thanh Hóa đã đào tạo được một lứa gồm 12 diễn viên, đạt trình độ rất tốt. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chương trình, các em không được ký hợp đồng lao động, không được vào biên chế vì số lượng định biên ở NH có hạn. Hiện nay chỉ còn hai trong số 12 em trụ lại NH nhưng làm việc không hưởng lương, không có chế độ gì. Khi nào NH dựng vở thì các em mới được tham gia và có tiền bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn". Tình cảnh này xảy ra không chỉ ở riêng Thanh Hóa mà phổ biến tại nhiều địa phương, thành phố trong cả nước.

Liệu sân khấu có giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại bám nghề hay không là bài toán vô cùng nan giải. Khi sân khấu truyền thống quá thưa vắng khách, việc có được một nguồn thu khả dĩ để nghệ sĩ an tâm tái sáng tạo vẫn chỉ là trên lý thuyết. Thậm chí, cả khi các đơn vị nghệ thuật đỏ đèn thường xuyên thì với khung bồi dưỡng hiện thời khoảng 200.000 đồng cho một đêm diễn dài 2 - 3 giờ đồng hồ cũng không đủ giúp nghệ sĩ chi trả cho mọi chi phí hằng ngày, chưa nói tới sự tích lũy lao động.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng: "Chúng ta đã có Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững đất nước, Nghị quyết 102/NQ-CP ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Chính phủ. Nghệ sĩ sân khấu rất mong các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển nghệ thuật, đặc biệt là chú trọng bồi dưỡng tài năng trẻ sân khấu truyền thống".

Có thể thấy ngành nghệ thuật đang đứng trước hàng loạt những bất cập về chế độ, chính sách nhưng rất khó điều chỉnh bởi nhiều đơn vị phải phụ thuộc ngân sách địa phương. Ðịa phương nào quan tâm thì đời sống nghệ sĩ và hoạt động của đơn vị nghệ thuật được phát triển, địa phương nào không quan tâm thì đơn vị và nghệ sĩ thiệt thòi. Ðào tạo nghệ sĩ biểu diễn, nhất là các ngành nghệ thuật truyền thống, vô cùng khó khăn, vì vậy, cần đầu tư xứng đáng cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống, nâng cao đời sống của người nghệ sĩ, giúp họ tạo vị thế xứng đáng trong xã hội... "Có thực mới vực được đạo", có môi trường và điều kiện để tỏa sáng tài năng bằng những vai diễn thì mới có thể giữ chân được những tài năng trẻ cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Nguyễn Thúy Hiền